Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 08:30 (GMT +7)
Tháo gỡ rào cản trong việc giao, cho thuê mặt nước
Thứ 3, 07/03/2023 | 08:52:14 [GMT +7] A A
Việc giao, cho thuê mặt nước là nền tảng quan trọng để ổn định sản xuất, mạnh dạn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi phao xốp sang vật liệu nổi hợp chuẩn trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, vấn đề này còn tồn tại nhiều rào cản.
Toàn tỉnh hiện có một số ít địa phương đã thực hiện giao, cho thuê mặt biển như: Hạ Long, Vân Đồn mới có 400 cơ sở sử dụng mặt biển có quyết định giao, cho thuê với khoảng 1.300ha.
Nguyên nhân của việc giao, cho thuê mặt nước còn chậm là do nhiều vướng mắc. Trong đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng nuôi, công tác giao, cho thuê mặt nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Toàn tỉnh hiện có 8/11 địa phương ven biển lập quy hoạch chi tiết nuôi thủy sản mặn, lợ là: Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Uông Bí, Hải Hà, Hạ Long với diện tích khoảng 11.700ha. Mặc dù vậy, các địa phương này mới chỉ quy hoạch chi tiết được một phần mặt biển để làm cơ sở thực hiện giao, cho thuê mặt biển đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Theo quy định, phạm vi mặt nước 3 hải lý tính từ đường triều kiệt ra biển sẽ do UBND cấp huyện thực hiện giao, cho thuê; phạm vi 3-6 hải lý do UBND tỉnh thực hiện; ngoài 6 hải lý do cấp trung ương quản lý. Hiện, chưa có đường triều kiệt nên không thể phân định rõ về cấp thẩm quyền quản lý, thực hiện giao, cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản cho các tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, thông tin về đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm, đường ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm một khoảng cách 3 hải lý... theo bản đồ của Bộ TN&MT chưa phù hợp với hiện trạng đường bờ biển của Quảng Ninh. Điều này dẫn đến việc xác định thẩm quyền giao khu vực biển và hướng dẫn thủ tục giao khu vực biển, cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển gặp khó khăn...
Cùng với đó, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác, sử dụng tài nguyên biển hiện nay chưa được ban hành nên chưa có chế tài xử lý, xử phạt, răn đe các tổ chức, cá nhân sai phạm. Việc cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè để thực hiện phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ, cấp mã vùng trồng còn gặp vướng mắc...
Từ thực trạng trên cho thấy, việc giao, cho thuê diện tích mặt nước biển cụ thể đối với cá nhân, tổ chức nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết, qua đó giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, chấm dứt hoạt động sử dụng tài nguyên biển trái phép, từng bước phát triển ổn định. Đồng thời, đảm bảo quản lý hiệu quả, thúc đẩy thủy sản phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu và hơn 1.500 ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước, ngày 10/2/2023, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chính thức được Chính phủ thông qua. Quy hoạch nêu rõ định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển ngành nông, lâm, thủy sản; kinh tế biển và không gian biển. Riêng đối với không gian biển, định hướng không gian biển trên quan điểm phát triển không gian vùng đất liền ven biển và không gian vùng biển đảo theo một thể thống nhất để tăng cường liên kết và phát huy tối đa tài nguyên quan trọng của tỉnh. Không gian biển được định hướng với 3 yếu tố chính là vùng biển, vùng bờ và khu vực cảng. Quy hoạch cũng xác định ưu tiên trong phát triển không gian biển, định hướng liên kết vùng, phân vùng không gian biển. Việc tích hợp định hướng phát triển ngành thủy sản trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là “kim chỉ nam” cho các địa phương xây xựng kế hoạch, đề án, dự án phát triển thủy sản trên địa bàn. Đây cũng là cơ sở để Bộ TN&MT ban hành đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm (thường gọi là đường triều kiệt) cho Quảng Ninh.
Hi vọng rằng, sau khi Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua, những vướng mắc trong việc giao, cho thuê mặt nước cho các tổ chức, cá nhân nhanh chóng được tháo gỡ, giúp người dân ổn định sản xuất, mạnh dạn đầu tư, tích cực chuyển đổi phao xốp sang vật liệu nổi hợp chuẩn trong nuôi trồng thủy sản.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()