Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:39 (GMT +7)
Kiên quyết không để tái diễn các khó khăn, vướng mắc để ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
Thứ 6, 29/12/2023 | 15:30:16 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XIV, đại biểu Đinh Trung Kiên thuộc tổ Đại biểu Vân Đồn - Cô Tô chất vấn: Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh có nêu “phấn đấu đến 31/12/2023 giải ngân 100% kế hoạch vốn bố trí dự toán đẩu năm, trong đó đến hết Quý III/2023 giải ngân tối thiểu 80% kế hoạch vốn; hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các công trình, dự án trọng điểm".
Tuy nhiên qua theo dõi kế hoạch giải ngân và tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm nhận thấy: Tính đến 31/10/2023 mới giải ngân được gần 51% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm (7.031.400/13.822.944), thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (54%), một số dự án không hoàn thành đúng tiến đề đề ra (Dự án đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (tại Km3+700) đến đường tỉnh 338 - giai đoạn I; dự án đường Ven Sông; dự án cầu Cửa Lục 3). Đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình rõ nguyên nhân không đạt kế hoạch giải ngân, tiến độ thực hiện các dự án và có các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Trên cơ sở các tồn tại hạn chế trong việc triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2022, khi triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc trực tiếp với từng chủ đầu tư xác định nhu cầu và khả năng thực hiện trong năm 2023; cũng như yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng ban hành Kế hoạch giải ngân theo từng quý đảm bảo hoàn thành mục tiêu theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và HĐND tỉnh. Các chủ đầu tư đều có văn bản cam kết về giải ngân hết số vốn được bố trí và xây dựng kế hoạch giải ngân theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành trên 50 văn bản chỉ đạo, điều hành về đầu tư công; Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các Chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh năm 2023; tổ công tác đôn đốc, hướng dẫn kiểm tra và tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện xử lý tài sản công; Tổ giám sát các dự án trọng điểm do các ban quản lý chuyên ngành của tỉnh làm chủ đầu tư; Trong đó phân công và giao nhiệm vụ cho các đồng chí là thành viên tổ công tác, các chủ đầu tư gắn với tiến độ cụ thể các chương trình, dự án, để kịp thời có những giải pháp xử lý ngay những tồn tại, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Cùng với đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh đã trình Hội đồng nhân tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023, trong đó giao quyền chủ động cho các địa phương trong sử dụng vốn chấm điểm, kịp thời giải quyết khó khăn liên quan đến hụt thu tiền sử dụng đất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn. Đến hết quý III/2023, các khó khăn, vướng mắc của các dự án mới cơ bản đã được xử lý đặc biệt là những vướng mắc khó khăn được chỉ ra từ năm 2022 đến nay, như: thiếu hụt nguồn đất đắp, vị trí đổ thải, tài sản công, chuyển mục đích sử dụng đất; Công tác giải phóng mặt bằng, giao đất cho các dự án đã được đẩy nhanh và cơ bản hoàn thành.
Tính đến ngày 05/12/2023, vốn giải ngân đạt 8.478,2 tỷ đồng, tăng thêm so với thời điểm 30/10/2023 là 1.446 tỷ đồng, đạt 61,4% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm (13.822 tỷ đồng). Dự kiến giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo văn bản cam kết của 25 chủ đầu tư (72 đơn vị của Tỉnh và 13 địa phương) là 13.299.099 triệu đồng, đạt 96,2% so với kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao đầu năm chưa đạt được mục tiêu đề ra (giải ngân 100%); tuy nhiên đạt được mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 là giải ngân trên 95% kế hoạch giao giao đầu năm của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, qua rà soát thì có 04 nguyên nhân khách quan và 04 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả giải ngân chưa đạt so với kế hoạch đề ra, cụ thể:
1. Nguyên nhân khách quan: Thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp cho các dự án thuộc lĩnh vực giao thông, chủ yếu đất và cát; Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, đánh giá tác động môi trường, nhất là thủ tục thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương phải qua nhiều khâu, nhiều cơ quan nên mất nhiều thời gian; Để đảm bảo đầu tư có hiệu quả, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quá trình triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, các dự án đầu tư trường học chất lượng cao theo Nghị quyết 99/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 của HĐND tỉnh chỉ được triển khai thực hiện sau khi được thanh tra, do đó một số dự án chậm triển khai thực hiện so kế hoạch đề ra; Công tác đấu giá quyền sử dụng, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án bất động sản gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng tới nguồn thu NSĐP dẫn đến hầu hết các địa phương chưa có nguồn để thực hiện giải ngân.
Trong 4 nguyên nhân khách quan trên, theo các báo cáo của Chính phủ thì nguyên nhân về thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được đánh giá là khó khăn, vướng mắc trong phạm vi cả nước và thuộc nhóm các nội dung liên quan đến thể chế, chính sách. Thực tế trên địa bàn tỉnh thì trình tự, thời gian thực hiện thủ tục để cấp phép các mỏ đất (được niêm yết tại Trung tâm hành chính công tỉnh) là khoảng trên 300 ngày, trong đó: mỏ khoanh định khoảng 310 ngày; mỏ đấu giá: 330 ngày, chưa bao gồm thời gian chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (nếu có).
2. Nguyên nhân chủ quan: Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đánh giá, dự báo được các vấn đề phát sinh từ khâu lập chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, đến việc xây dựng thiết kế, lập dự toán; Công tác tổ chức triển khai thực hiện, phối họp xử lý các khó khăn, vướng mắc giữa các Chủ đầu tư với các Sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, cùng với đó là tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ; Tiến độ xử lý tài sản công, triển khai thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị chuyên dùng còn chậm; Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm so với tiến độ đề ra, vẫn còn tình trạng giải phóng mặt bằng xôi đỗ dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng hoặc có bàn giao nhưng không tổ chức thi công được làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư.
3. Một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, xác định đây là công việc có vai trò tiên quyết, giúp nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án. Quá trình chuẩn bị đầu tư phải dự báo hết những rủi ro, khó khăn đã nêu trong năm 2023 đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp, bãi đổ thải, xử lý tài sản công, những bất cập trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... kiên quyết không để tái diễn các khó khăn, vướng mắc để ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn trong năm 2024. Chỉ bố trí vốn đầu tư công năm 2024 cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, đảm bảo điều kiện giải ngân (như Quy hoạch, đất đai, xử lý tài sản công...); phân bổ và giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 ngay sau khi được Hội đồng nhân dân giao kế hoạch.
Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phải cụ thể, cá thể hoá trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền giải quyết phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời thay thế những cán bộ, công chức năng lực yếu, thiếu trách nhiệm để trì trệ, không đáp ứng được yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.
Sau khi phân khai chi tiết kế hoạch đầu tư công, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư, UBND các địa phương thực hiện xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý cho từng dự án; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án cụ thể theo kế hoạch đã đề ra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ để đánh giá, bình xét thi đua của đơn vị và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Thu Hoài (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()