Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:19 (GMT +7)
Tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình MTQG
Chủ nhật, 14/07/2024 | 14:34:29 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV, đại biểu Lài Thị Hiền, Tổ đại biểu Tiên Yên - Bình Liêu - Ba Chẽ chất vấn nội dung: Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, những khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình mục tiêu quốc gia? Các giải pháp để thực hiện trong thời gian tới?
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:
I. Những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình mục tiêu quốc gia
(1) Về đối tượng thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đối với chương trình giảm nghèo và chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi không còn trên địa bàn tỉnh cụ thể: Điều kiện các nhóm hộ, HTX đăng ký thực hiện các dự án theo từng Chương trình MTQG không đáp ứng được tỷ lệ tối thiểu; trong đó, người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 50% để thực hiện theo chương trình MTQG giảm nghèo và địa điểm sản xuất cũng không thuộc địa xã, thôn đặc biệt khó khăn nên cũng không đủ điều kiện hỗ trợ PTSX theo chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vì vậy, hiện nay các nhóm hộ, doanh nghiệp, HTX phải nghiên cứu đi theo hướng các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hoặc thực hiện theo Nghị định 98/2018/ND-CP và Quyết định 194 nhưng điều kiện hỗ trợ, quy mô dự án để được hỗ trợ quy định khắt khe hơn so với hỗ trợ dự án PTSX cộng đồng.
(2) Địa bàn, vị trí thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất không đáp ứng quy định của chính sách, cụ thể: Một số cộng đồng dân cư có khả năng thực hiện các dự án phát triển sản xuất nhưng chưa đảm bảo điều kiện hỗ trợ do không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương (đất sản xuất nằm trong vùng quy hoạch chuyển đổi mục đích sang công nghiệp, dịch vụ...) hoặc lại không đảm bảo tỷ lệ tham gia của người dân thuộc đối tượng đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia (các hộ dân nằm trên địa bàn các phường không thuộc đối tượng của Chương trình nông mới).
(3) Khó khăn do không tìm được chủ dự án liên kết: Tại các địa phương không tìm được doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân làm chủ dự án liên kết (để chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện dự án liên kết chuỗi giá trị theo Nghị định 98/2018/ND-CP của Chính phủ và Nghị quyết 194/2019/NQ - HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh) do chưa đáp ứng đủ điều kiện năng lực để triển khai các dự án liên kết theo chuỗi giá trị đảm bảo phát huy được hiệu quả; các quy định đối với dự án liên kết chuỗi đều gắn vào dự án hỗ trợ sau đầu tư nên các doanh nghiệp, HTX muốn tham gia phải có tiềm lực kinh tế, có kiến thức để thực hiện các thủ tục đầu tư. Như vậy, với các doanh nghiệp nhỏ, HTX, tổ hợp tác tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh rất khó tham gia. Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các cơ quan chuyên môn cùng với các địa phương xây dựng nhiều dự án nhưng chưa tìm được chủ trì liên kết thực hiện dự án chuỗi.
(4) Về công tác lãnh đạo chỉ đạo: Các địa phương chưa quyết liệt, tích cực trong việc vận động, mời gọi và hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX thực hiện xây dựng dự án liên kết chuỗi giá trị từ sản phẩm đến tiêu thụ. Chưa thực hiện nhiệm vụ, đặt hàng Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trong lĩnh vực nông nghiệp.
II. Các giải pháp thực hiện trong thời gian tới
1. Nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho các địa phương theo Điểm g, Khoản 4, Điều 1, Nghị quyết 12/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh để hỗ trợ phát triển sản xuất, đồng thời thực hiện trên địa bàn 98 xã; đề nghị UBND địa phương nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của các chương trình mục tiêu, đặc biệt quan tâm giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập của người dân; Tiếp tục tập trung hướng dẫn xây dựng dự án chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh theo Quyết định số 1038/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 của UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 3398/QĐ-UBND ngày 16/11/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã phường - một sản phẩm đến năm 2025; Quyết định số 3934/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 về việc phê duyệt Đề án phát triển sản xuất cây ăn quả tập trung tại huyện Tiên Yên tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; Quyết định số 3304/QĐ-UBND ngày 10/11/2022 về việc phê duyệt Đề án phát triển sản xuất cây ăn quả tập trung tại huyện Đầm Hà tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.
(2) Thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trong lĩnh vực nông nghiệp: UBND các địa phương giao, đặt hàng đối với các Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp theo quy định tại Điều 5, Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND ngày 30/3/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Mức hỗ trợ: Theo Khoản 3, Điều 5 Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND ngày 30/3/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh (Theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định số 27/2022/ND- CP, cụ thể: Hỗ trợ kinh phí thực hiện một (01) dự án tối đa không quá 03 tỷ đồng. Khuyến khích bên nhận đặt hàng, các hộ gia đình, cộng đồng tham gia dự án có đóng góp đối ứng (bằng tiền, ngày công, hoặc hiện vật).
(3) Đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh Quảng Ninh đã phân bổ hỗ trợ cho 09 địa phương sang ủy thác cho Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh theo quy định tại khoản 6, điều 4 Nghị quyết 111/2024/NQ15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội khóa XV về một số cơ chế chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với 04 địa phương Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả đã bố trí vốn sự nghiệp của địa phương theo quy định tại Điểm g, khoản 4, Điều 1, Nghị quyết 12/2022/NQ-HDND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh chủ động triển khai thực hiện theo quy định Nghị quyết 111/2024/NQ15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội khóa XV.
(4) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội các cấp, các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh ứng cử tại các địa phương tăng cường công tác giám sát sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khi được Hội đồng nhân dân tỉnh ủy thác nguồn vốn sự nghiệp sang Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện các nội dung bảo đảm theo Nghị quyết 111/2024/NQ15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội khóa XV về một số cơ chế chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ngọc Ánh (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()