Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:28 (GMT +7)
Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Luật Quy hoạch
Thứ 2, 25/04/2022 | 21:43:43 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Phiên họp lần thứ 10, chiều 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.
Báo cáo của Đoàn giám sát do Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tại phiên họp khẳng định, việc xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là nỗ lực lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI. Việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã đạt được kết quả bước đầu, tiến độ được đẩy nhanh trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Quốc hội quyết định giám sát chuyên đề tối cao về nội dung này.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đã được xây dựng và ban hành tạo hành lang pháp lý cần thiết để triển khai lập và tổ chức thực hiện quy hoạch. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đã được triển khai tích cực. Về cơ bản, các nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt trong thời gian qua đã tuân thủ quy trình, thủ tục, nội dung quy định tại Luật Quy hoạch, Nghị định số 37 của Chính phủ.
Việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch từng bước khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ; nâng cao sự gắn kết liên ngành, liên vùng và gắn kết giữa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề đầu tư, kinh doanh mới. Góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ và cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành trong quá trình triển khai còn khó khăn, vướng mắc, một số quy định còn bất cập. Hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật (Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, các luật chuyên ngành về các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác) dẫn đến khó khăn trong quá trình tra cứu và áp dụng pháp luật.
Luật Quy hoạch chưa quy định thời hạn để hoàn thành các quy hoạch, nhất là quy hoạch cấp quốc gia có vai trò quan trọng, làm căn cứ để lập các quy hoạch khác, nên thiếu cơ sở pháp lý để triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch rất chậm, bất cập; Quy định của pháp luật có liên quan đến quy hoạch còn bất cập, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
Bên cạnh đó, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chậm, chưa đạt được yêu cầu. Theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 41/2021/QH15 và Nghị quyết số 119/NQ-CP, chậm nhất là ngày 31/12, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch. Thời gian còn lại chỉ tám tháng, có những quy hoạch chưa xác định xong tư vấn, do vậy, khả năng không hoàn thành các quy hoạch theo tiến độ là rất cao.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác lập quy hoạch, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Nghị quyết này gồm các giải pháp triển khai ngay và cả giải pháp dài hạn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý ngay một số khó khăn cấp thiết trong thực thi Luật Quy hoạch, cũng như tạo cơ sở pháp lý trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Về lâu dài, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết toàn diện tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch; kiến nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh này để để xuất đưa vào trong chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh hằng năm nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch.
Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến công tác quy hoạch bảo đảm đồng bộ thống nhất với Luật Quy hoạch sau khi đã được sửa đổi, bổ sung. Nhất là rà soát, sửa đổi các quy định của Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư công để bảo đảm đồng bộ giữa ba hệ thống pháp luật (quy hoạch, đầu tư công và đấu thầu), giúp các bộ và địa phương đẩy nhanh được tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 và cho quá trình điều chỉnh quy hoạch định kỳ hay đột xuất.
Cho ý kiến vào báo cáo, các đại biểu đánh giá quy hoạch là một nhiệm vụ khó, phức tạp, có tầm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, của các vùng, các địa phương. Kết quả làm việc của Đoàn giám sát đã có tác dụng chuyển biến cả trong nhận thức và hành động tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành và trong chính Đoàn giám sát cũng nhận thức ra được nhiều vấn đề giữa lý luận, thực tiễn. Đó là thấy được những bất cập và khó khăn, cái mới và sự vào cuộc ở từng cấp, từng ngành rất rõ.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()