Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 20:25 (GMT +7)
Bổ sung biên chế cho sự nghiệp giáo dục năm 2024
Thứ 2, 08/01/2024 | 11:42:13 [GMT +7] A A
Thiếu giáo viên là thực trạng diễn ra ở nhiều địa phương, các cấp học trên cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng. HĐND tỉnh khóa XIV vừa qua thông qua Nghị quyết số 175/NQ-HĐND (ngày 8/12/2023), trong đó phê duyệt bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập tỉnh năm 2024. Nghị quyết có ý nghĩa kịp thời, phù hợp với thực tiễn, là cơ sở để ngành Giáo dục tháo gỡ cơ bản tình trạng khó khăn về đội ngũ giáo viên.
Trường Tiểu học Cao Thắng (TP Hạ Long) hiện có 41 lớp, 1.596 học sinh; 60 cán bộ, giáo viên, nhân viên. So với biên chế định biên theo quy định của Bộ GD&ĐT, Trường còn thiếu 8 giáo viên, rải rác ở các bộ môn. Việc thiếu giáo viên và thiếu trong thời gian dài khiến giáo viên của trường phải tăng tiết dạy để đảm bảo chương trình đào tạo theo đúng tiến độ đã đề ra. Vì thế chính sách của tỉnh về bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục đã mang lại niềm vui, phấn khởi cho cán bộ, giáo viên nhà trường.
Bà Lê Thị Minh Châu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Để đảm bảo thực hiện chương trình đào tạo theo kế hoạch trong thời gian Trường thiếu nhiều giáo viên, nhà trường bố trí giáo viên dạy chéo một số môn chưa có giáo viên chuyên trách. Khi tỉnh có chính sách bổ sung biên chế là cơ sở để các trường nâng cao chất lượng dạy học, ổn định đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018.
So sánh với quy mô số lớp và định mức biên chế, năm học 2023-2024 toàn ngành Giáo dục thiếu 2.579 người làm việc, trong đó thiếu 1.737 giáo viên ở hầu hết các bộ môn, các cấp học, bậc học, nhất là giáo viên tiểu học, tiếng Anh, Tin học và Công nghệ, Nghệ thuật. Nghị quyết số 175/NQ-HĐND được ban hành thực sự phù hợp và cần thiết. HĐND tỉnh đã phê duyệt bổ sung 421 biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập cho Sở GD&ĐT và UBND cấp huyện. Việc giao tổng số biên chế giáo viên, không phân định và giao cụ thể theo các cấp học từ mầm non đến THPT tạo sự chủ động cho Sở GD&ĐT và UBND cấp huyện trong việc cân đối giáo viên giữa các cấp học, giữa các trường trong bối cảnh có nhiều thay đổi về quy mô học sinh và nguồn giáo viên; chủ động cân đối số lượng người làm việc khi xây dựng phương án tự chủ và đề án tự chủ đối với những trường có đủ điều kiện; giúp các nhà trường thực hiện tốt hơn nữa Chương trình GDPT 2018.
Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ, cho biết: Nghị quyết số 175/NQ-HĐND được ban hành hết sức phù hợp trong bối cảnh thiếu giáo viên ở các địa phương hiện nay. Việc giao chỉ tiêu biên chế giáo dục càng có ý nghĩa hơn đối với các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa. Tại Ba Chẽ, không có cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập. Sĩ số học sinh tại các trường công lập ngày càng tăng qua các năm. Hiện các trường mầm non và phổ thông đều chưa thực hiện tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên, đồng nghĩa với việc chỉ tuyển dụng khi còn biên chế để hưởng lương từ nguồn ngân sách, thay vì có thể tuyển dụng giáo viên hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp. Với việc được giao chỉ tiêu biên chế giáo viên sẽ tạo thuận lợi cho các trường bổ sung vị trí còn thiếu, đảm bảo số lượng người làm việc để nâng cao chất lượng giáo dục.
Bám sát số lượng biên chế bổ sung để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, ưu tiên dành chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng kịp thời giáo viên Tin học, Tiếng Anh cho các cơ sở giáo dục còn thiếu trong kỳ tuyển dụng viên chức năm 2023-2024, Sở GD&ĐT cùng với các địa phương tiếp tục bố trí sắp xếp, sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên hiện có. Đồng thời xây dựng đề án tự chủ để bổ sung chỉ tiêu số lượng người làm việc, thực hiện hiệu quả tinh giản số người làm việc hưởng lương từ ngân sách; thực hiện hợp đồng lao động hoặc tuyển dụng nếu còn chỉ tiêu biên chế và tăng cường bồi dưỡng chuẩn hóa giáo viên các môn học mới, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục năm học 2023-2024 và những năm tiếp theo.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()