Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:23 (GMT +7)
Khó khăn trong tiêu thụ vải thiều Đông Triều
Thứ 3, 08/06/2021 | 11:19:44 [GMT +7] A A
Đông Triều là địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất tỉnh với 650ha, trong đó có 550ha vải thiều chính vụ. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đi lại của các thương lái từ tỉnh ngoài vào thu mua.
Nếu như vào khoảng thời gian này năm ngoái, tại các vườn vải ở xã Bình Khê, thương lái đến rất đông để thu mua nông sản cho nông dân thì năm nay không khí tại các vườn vải vắng vẻ hơn rất nhiều.
Gia đình anh Bùi Văn Thủy, thôn Quán Vuông, xã Bình Khê, TX Đông Triều, có gần 1ha trồng vải thiều theo quy trình VietGAP. Năm nay dự kiến sản lượng vải thiều của gia đình tăng gấp đôi năm ngoái, vào khoảng 6 tấn, nhưng anh rất lo lắng về đầu ra rất chậm.
Anh Thủy cho biết: "Mọi năm thương lái vào tận vườn mua, giá rất hợp lý, nhưng năm nay bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên không thấy có người đến mua. Bây giờ vải trong xã cũng đang chín rộ, nếu không hái nhanh dơi đến ăn, rồi gặp mưa gió lớn rụng hết. Từ đầu vụ đến giờ, chúng tôi toàn phải cắt đi bán lẻ, chở đi chợ cũng mới bán được 3 tấn nhưng vẫn còn ½ lượng vải nữa đang không biết thế nào để tiêu thụ được. Quả vải đẹp, tròn đều và ngọt như này cũng chỉ bán được 7 đến 8 nghìn đồng/kg thôi".
Hiện nay, rất nhiều hộ trồng vải thiều ở xã Bình Khê cũng đang đứng ngồi không yên vì lo lắng đầu ra. Cả xã có 160ha trồng vải, trong đó có 110ha được nông dân đầu tư trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP nên quả vải mẫu mã đẹp, chất lượng ngon. Đến thời điểm này, xã đã thu hoạch xong 40ha vải chín sớm. Còn lại diện tích trồng vải thiều khoảng 60ha cũng đang vào dịp thu rộ nhưng rất khó khăn về đầu ra và giá xuống rất nhanh.
Ông Nguyễn Văn Hà, thôn Quán Vuông, xã Bình Khê, cho biết thêm: Nhà tôi có gần 1ha trồng vải thiều với hơn 100 gốc đều áp dụng theo phương pháp VietGAP, sản lượng năm nay gấp đôi năm ngoái nhưng tình hình tiêu thụ rất khó khăn. Chúng tôi mong chính quyền địa phương giúp bà con tìm thị trường tiêu thụ hết số vải đang vào vụ thu hoạch, để bà con bớt lo lắng.
Là thương lái thu mua vải ở xã Bình Khê, anh Nguyễn Văn Nam, thôn Trại Mới A, chia sẻ, nếu như mọi năm, một ngày tôi tiêu thụ có thể lên tới 20-30 tấn nhưng năm nay xe thu mua không vào được, chúng tôi đều phải chuyển tải hàng về Hải Dương xong mới đóng đi Sài Gòn nên cũng mất nhiều công đoạn, thời gian thu mua. Mỗi ngày như điểm của tôi ở đây chỉ thu mua được hơn 10 tấn. Chúng tôi cố gắng tiếp tục thu mua cho bà con để chuyển đi tiêu thụ vào trong Nam, rồi đi Lào Cai.
Với diện tích trồng vải lớn nhất TX Đông Triều, dự kiến sản lượng của xã Bình Khê vào khoảng 850 tấn, gấp đôi vụ vải năm 2020. Trong đó, 250 tấn vải chín sớm đã được thu hoạch xong. 600 tấn vải thiều vào vụ đang được nông dân thu hoạch, trước những khó khăn về tiêu thụ, xã cũng đã đề xuất với TX Đông Triều tạo điều kiện để các phương tiện vào thu mua cho nông dân.
Ông Phùng Văn Nết, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khê, cho biết: Tại các điểm cân cũng như các điểm tiêu thụ vải, khoảng 10-11h hằng ngày khi gần đủ xe hàng, chúng tôi thống nhất với thị xã cho xe vào lấy hàng. Đối với lái xe chở hàng khi vào địa bàn phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 1 tuần và tuân thủ đầy đủ quy trình phòng dịch. Khi lái xe vào đến địa bàn, chúng tôi cử lực lượng giám sát lái xe chỉ ở trên xe, đến khi bốc hàng xong thì vận chuyển đi tiêu thụ. Hiện nay, trung bình mỗi ngày chúng tôi tiêu thụ khoảng 30 tấn vải.
Khó khăn về đầu ra tiêu thụ vải thiều năm nay không chỉ ở xã Bình Khê, mà còn ở 5 xã khác trên địa bàn thị xã Đông Triều. Vì vậy, rất cần sự ủng hộ của người tiêu dùng trong tỉnh cũng như sự vào cuộc tháo gỡ từ tỉnh đến địa phương, giúp người trồng vải Đông Triều tiêu thụ hết số nông sản còn ứ đọng.
Hải Hà
Liên kết website
Ý kiến ()