Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:06 (GMT +7)
Tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi
Thứ 2, 18/12/2023 | 14:08:58 [GMT +7] A A
Mặc dù có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong phát triển chăn nuôi, nhưng hiện nay chăn nuôi của tỉnh đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Đặc biệt là việc quy hoạch chăn nuôi tại các địa phương chưa được đồng bộ, còn khá nhiều bất cập trong tổ chức thực hiện, cùng với tốc độ đô thị hoá quá nhanh đã ảnh hưởng nhiều đến tốc độ phát triển chăn nuôi.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, năm 2023 tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh không đạt theo kế hoạch của kịch bản tăng trưởng kinh tế. Trong đó, đàn trâu gần 25.500 con (đạt 79,5% so với kế hoạch); đàn bò đạt trên 29.000 con (đạt 78% so với kế hoạch); đàn lợn gần 296.300 con (đạt 80% so với kế hoạch); đàn gia cầm đạt trên 5,4 triệu con (tăng 34% so với kế hoạch năm 2023, tăng 13% so với cùng kỳ). Do tổng đàn đạt thấp nên tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 101.000 tấn (tăng 2,28% so với năm 2022, đạt 98% so với kế hoạch tỉnh giao, đạt 96,8% so với kịch bản tăng trưởng).
Qua công tác phân tích, đánh giá, rà soát của Sở NN&PTNT cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tổng đàn gia súc, gia cầm không đạt so với kế hoạch. Đối với đàn trâu, do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, cơ giới trong nông nghiệp dần thay thế sức kéo cho trâu bò và diện tích chăn thả tự nhiên bị thu hẹp. Hiện ở vùng nông thôn, miền núi xuất hiện nhiều ngành nghề, khu công nghiệp có thu nhập khá đã thu hút lao động tham gia, khiến số hộ chăn nuôi bị giảm.
Đối với đàn bò, nguyên nhân chủ yếu là do Công ty TNHH Phú Lâm, đơn vị thường chiếm 30% tổng đàn bò cả tỉnh với khoảng trung bình 10.000 con/năm thì năm 2023, tổng đàn bò của Công ty còn có 4.810 con (giảm 61% so với cùng kỳ năm 2022). Ông Nguyễn Minh Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Phú Lâm, cho biết: Năm 2023, giá nhập bò thịt, giá thức ăn tăng cao nhưng đầu ra không ổn định và giá bán cũng không đạt so với kỳ vọng của đơn vị. Chưa kể lãi suất vốn vay ngân hàng tăng nên Công ty mới nhập được 2.561 con, trong khi đó kế hoạch đặt ra là nhập trên 5.000 con trong năm nay.
Về đàn lợn do khu vực chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, không kiểm soát được an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, giá lợn giống cao, giá thức ăn chăn nuôi giảm không đáng kể, dẫn đến chi phí sản xuất tăng mà hiệu quả chăn nuôi không cao, nhiều hộ thua lỗ nên người chăn nuôi đã hạn chế tăng đàn hoặc dừng hẳn không nuôi. Năm 2023, toàn tỉnh đã có khoảng 5.000 hộ dừng chăn nuôi trong khi các dự án chăn nuôi triển khai chậm, chưa đi vào sản xuất; các doanh nghiệp chăn nuôi sản xuất cầm chừng. Những yếu tố này đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận người chăn nuôi, khả năng tái đàn và tốc độ tăng trưởng của đàn lợn.
Không chỉ vậy, thời gian qua, chi phí sản xuất tăng nhưng tình hình tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều yếu tố bất lợi. Ngay từ thời điểm những tháng đầu năm, giá các sản phẩm chăn nuôi rất bấp bênh, còn ở thời điểm hiện tại, mặc dù đã ở những tháng cuối năm nhưng giá thịt lợn hơi dao động chỉ ở mức 51.000-52.000 đồng/kg, giá thịt gia cầm hơi xuất chuồng hiện tại dao động trong khoảng 70.000-80.000 đồng/kg (đối với thịt gà thả vườn). Giá bán không cao nhưng giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn cao hơn từ 37-43,0% so với giá thức ăn chăn nuôi trong giai đoạn trước dịch (năm 2020).
Ngoài những khó khăn trên, công tác quản lý môi trường chăn nuôi cũng còn tồn tại nhiều vấn đề. Hiện chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ vẫn chiếm đa số (trên 90%) và người dân chưa thực sự chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa có phương pháp quản lý khoa học nên đã làm giảm năng suất, chất lượng, giảm khả năng kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và tiếp cận thị trường. Sức bật của các trang trại, cơ sở chăn nuôi nông hộ chưa đủ mạnh, phụ thuộc vào hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, mặc dù có chính sách hỗ trợ (lãi suất, hạ tầng, giống, vật tư, công nghệ) nhưng các chủ cơ sở chăn nuôi không tận dụng được cơ hội để phát triển sản xuất.
Đối với các trang trại chăn nuôi, người chăn nuôi còn hạn chế về kiến thức khoa học và chưa mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn do cần nguồn vốn lớn. Những điều này đã dẫn đến việc các địa phương chưa hình thành nhiều chuỗi liên kết sản phẩm ổn định, bền vững giữa người sản xuất và người tiêu thụ, hợp tác xã, tổ hợp tác xã; sản xuất chưa gắn với giết mổ, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; năng suất và chất lượng con giống chưa cao làm giảm năng suất, chất lượng, tính đồng nhất của các sản phẩm chăn nuôi. Điều đáng nói là đến nay, với rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư và lợi thế về cảng biển nhưng toàn tỉnh vẫn chưa có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Qua đó, cũng đã làm giảm giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi trong tỉnh do tăng giá thành sản xuất.
Bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), chia sẻ: Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường, nhiều bệnh dịch mới xuất hiện có phạm vi ảnh hưởng toàn cầu như Covid-19 ở người và bệnh dịch tả châu Phi ở lợn sẽ tiếp tục gây ra nhiều thách thức, trở ngại trong phát triển chăn nuôi. Trong khi đó, tập quán, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm số lượng lớn, thiếu liên kết sản xuất, thiếu định hướng lâu dài còn phổ biến. Đặc biệt cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn triển khai trong thực tế còn nhiều khó khăn. Thực tiễn đã chứng minh, ngành Chăn nuôi chỉ phát triển và sinh lãi khi nào áp dụng được quy mô chăn nuôi theo hình thức trang trại, sản xuất hàng hóa lớn. Còn chăn nuôi theo hộ gia đình thì lợi nhuận thấp và không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường, nhất là nuôi theo nông hộ nằm đan xen trong các khu dân cư. Do đó, năm 2024, dự báo vẫn là một năm nhiều thách thức, khó khăn đối với ngành Chăn nuôi. Vì vậy, các địa phương cần tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đặc biệt các chuỗi, các vùng cần an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE/WOAH để phục vụ xuất khẩu cũng như cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi và giết mổ, xử lý môi trường chăn nuôi. Về phía ngành Nông nghiệp, sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý dịch bệnh, nâng tỷ lệ tiêm phòng toàn tỉnh đạt trên 80% tổng đàn; triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi hữu cơ theo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()