Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:33 (GMT +7)
Thanh tra Chính phủ: Chưa xử lý triệt để nguy cơ thao túng ngân hàng
Thứ 3, 11/07/2023 | 22:27:15 [GMT +7] A A
Theo Thanh tra Chính phủ, tình trạng sở hữu chéo, sở hữu cổ phần vượt quy định, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2013-2017.
Kết luận nêu rõ, theo chủ trương về nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các đề án về tái cơ cấu (gồm Đề án 254, Đề án 843 và Đề án 1058).
Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số văn bản, tạo cơ sở pháp lý cho thực hiện cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu.
Cơ bản giữ ổn định, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng
Thanh tra Chính phủ đánh giá ngành ngân hàng đã nỗ lực, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án 254 bám sát mục tiêu, định hướng đề ra; tổ chức tín dụng yếu kém được nhận diện, có phương án cơ cấu lại, về cơ bản giữ ổn định, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, thanh khoản được đảm bảo, hoạt động trong tầm kiểm soát của Nhà nước.
Hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, theo Đề án/phương án đã được phê duyệt; nợ xấu của hệ thống được xác định, minh bạch hơn và từng bước được xử lý; năng lực tài chính, quản trị và quy mô hoạt động của các tổ chức tín dụng từng bước cải thiện, nâng cao; tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã từng bước được xử lý.
Các tổ chức tín dụng thực hiện xử lý nợ xấu theo Đề án 843, thoái các khoản đầu tư kém hiệu quả, rủi ro cao và cơ cấu lại danh mục đầu tư theo hướng an toàn.
Theo thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu và trực tiếp ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện, góp phần hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và ngân hàng; tăng cường thực hiện thanh tra, giám sát, hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
Thanh tra Chính phủ cho biết theo báo cáo, đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu toàn hệ thống tại thời điểm 30/9/2012 ước tính lên đến hơn 17,2%; thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Đề án 254 và Đề án 843, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý, đưa nợ xấu nội bảng đến 31/12/2015 giảm còn 2,55% và đến 31/12/2017 giảm còn 1,99%, đạt kết quả dưới 3% theo Đề án 843.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm có nguyên nhân từ việc tham mưu, đưa ra các giải pháp, tập trung chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, việc thực hiện xử lý của tổ chức tín dụng và vai trò của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) là một trong những công cụ đặc biệt của Nhà nước trong xử lý nợ xấu thông qua việc mua, bán nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, phân tích các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác cơ cấu lại theo Đề án 254 và xử lý nợ xấu theo Đề án 843, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 1058 để tiếp tục triển khai cơ cấu lại và xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020.
Đề án 1058 được Ngân hàng Nhà nước triển khai theo lộ trình để tiếp tục xử lý các tồn tại, yếu kém của các tổ chức tín dụng nhằm duy trì, bảo đảm hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng an toàn, lành mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực trạng hệ thống các tổ chức tín dụng theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước còn những tồn tại, hạn chế như hiệu quả hoạt động kinh doanh chưa cao; năng lực cạnh tranh và mức độ lành mạnh tài chính còn hạn chế; việc tăng vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn; năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng, mức độ và yêu cầu về quản trị rủi ro trong hoạt động.
Hoạt động tín dụng vẫn là hoạt động chủ yếu tạo ra thu nhập cho các tổ chức tín dụng; mức độ tập trung tín dụng đối với một số khách hàng và nhóm khách hàng cũng như một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro còn ở mức cao.
Tình trạng sở hữu chéo, sở hữu cổ phần vượt quy định, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ chi phối, thao túng ngân hàng chưa được xử lý triệt để.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, việc xử lý nợ xấu đã bước đầu đạt được kết quả, nhưng nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản nợ được cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ (chưa phải chuyển thành nợ xấu) thì tỷ lệ nợ xấu vẫn còn ở mức cao; một số tổ chức tín dụng không thực hiện đúng quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, tình trạng lại dự thu dồn tích lớn chưa được xử lý, phản ánh không đúng thực trạng chất lượng tín dụng, kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng bị phản ánh sai lệnh, không chính xác...
Chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm
Về kiến nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Ngân hàng Nhà nước chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm; Tập trung vào hoàn thiện thể chế, chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn tới.
Các tổ chức tín dụng khắc phục tồn tại, khuyết điểm, vi phạm, xem xét xử lý trách nhiệm đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền.
Đối với VAMC, rà soát đánh giá về tổ chức, hoạt động, vai trò của VAMC trong việc tham gia xử lý nợ, trên cơ sở đó xác định sự cần thiết, tổ chức, hoạt động, quy mô vốn hợp lý, có hiệu quả đối với VAMC…
VAMC rà soát vai trò trong tham gia xử lý nợ xấu, chấn chỉnh trong việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt để thực hiện đúng quy định, rà soát các vi phạm phát hiện qua thanh tra để chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, khuyết điểm.
Về xử lý hành chính, Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về những thiếu sót, khuyết điểm của Ngân hàng Nhà nước trong việc triển khai, thực hiện Đề án 254 và Đề án 843 giai đoạn 2012-2015 nêu tại kết luận thanh tra; Kiểm điểm trách nhiệm các Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có liên quan đến những thiếu sót, khuyết điểm tại kết luận.
Theo thẩm quyền xem xét, xử lý đối với lãnh đạo tổ chức tín dụng đã để xảy ra những hạn chế, thiết sót, vi phạm, khuyết điểm trong việc xây dựng, thực hiện các phương án, kế hoạch của tổ chức tín dụng theo đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt nêu tại Kết luận thanh tra.
Về phía Bộ Tài chính, chỉ đạo kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với vi phạm của Công ty cổ phần Thẩm định giá BTC Value (Công ty thẩm định giá và thẩm định viên thẩm định khoản nợ của Công ty Hoàn Cầu Khánh Hòa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàn Cầu Nhà Trang tại Sacombank); Công ty cổ phần Đầu tư và Thẩm định giá Việt Nam (công ty thẩm định và thẩm định viên thẩm định giá khoản nợ của Công ty cổ phần Thuận Kiều tại VietinBank) do không thực hiện đúng quy định thẩm định giá./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()