Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:17 (GMT +7)
Thành quả từ Nghị quyết "tam nông"
Chủ nhật, 02/02/2020 | 08:30:42 [GMT +7] A A
Ngày 5/8/2008, Nghị quyết số 26- NQ/TW của Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời, đã xác định rõ “Nông dân là chủ thể của quá trình phát triển”. Sau 11 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông”, Quảng Ninh đã mở ra cơ hội lớn để nông nghiệp ngày càng khởi sắc, nông dân ngày càng phát huy được sức sáng tạo và bức tranh nông thôn của tỉnh có thêm nhiều sắc màu tươi sáng.
Những bước tiến ngoạn mục
Trước năm 2008, tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn của tỉnh diễn ra khá chậm. Thời điểm đó, do thiếu quy hoạch nên việc đô thị hóa nông thôn còn tự phát, kết cấu hạ tầng còn thấp kém, thiếu đồng bộ, môi trường ngày càng ô nhiễm, cảnh quan và nhiều nét văn hóa truyền thống bị pha tạp, phôi phai. Sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, manh mún, sản phẩm chế biến thấp, chưa có thương hiệu, giá trị gia tăng thấp và nhất là đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn còn ở mức thấp, thu nhập mới đạt khoảng 4,5 triệu đồng/người/năm.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thăm Hội chợ OCOP Quảng Ninh hè 2016. Ảnh: Đỗ Phương |
Xác định quy hoạch là yếu tố then chốt trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, toàn diện, tỉnh đã phê duyệt 14 quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi. Đây là các quy hoạch có tính chiến lược của ngành Nông nghiệp để phát triển sản xuất và thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực tam nông.
Trung bình mỗi năm tỉnh dành gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cho thực hiện Nghị quyết “tam nông”. Trong đó, năm 2016 tỉnh đã dành riêng cho vùng 135 là 100 tỷ đồng, năm 2017 là 200 tỷ đồng và năm 2018 là 350 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh cũng dành 4-5% tổng chi ngân sách thường xuyên cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao KHCN, đặc biệt là khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp được tập trung đầu tư phát triển, nên thu nhập của người dân nông thôn tăng nhanh từ 4,5 triệu đồng/người/năm lên khoảng 50 triệu đồng/người/năm (năm 2019), gấp trên 11 lần so với năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,7%/năm. Nhiều địa phương có sự “thay da đổi thịt” nhanh chóng, cuộc sống của người dân không ngừng được nâng lên.
Năm 2019, bà Lương Thị Thanh (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) đã viết đơn xin tự nguyện thoát nghèo. |
Điển hình như huyện Ba Chẽ. Chỉ sau hơn 11 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông” với việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình giảm nghèo, Chương trình xây dựng NTM, Đề án 196), Ba Chẽ đã có những bước tiến ngoạn mục, trở thành một “hiện tượng” trong thay đổi nhận thức tư duy của người dân, khi năm 2018-2019 có 114 người viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Giải pháp đầu tiên là các cấp chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về những chủ trương, định hướng của tỉnh, huyện theo cách “đến từng ngõ, gõ từng nhà”. Đồng thời, huyện cũng yêu cầu các xã, thôn rà soát, đánh giá đúng hiện trạng, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể cho từng năm. Trên cơ sở đó, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh; trao quyền cho các cơ quan chuyên môn, các xã trong triển khai các dự án hạ tầng, phát triển sản xuất. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn dưới 3,7%, trong khi đó chỉ mới cách đây 3 năm, con số này là 35%.
Không chỉ thổi sức sống mới đến những vùng miền núi, Nghị quyết “tam nông” còn mang đến sự đổi thay cho những huyện thuần nông của tỉnh. Thực hiện Nghị quyết, TX Quảng Yên đã đặc biệt đầu tư nguồn lực cho các công trình giao thông, thủy lợi; xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn, những cánh đồng mẫu lớn gắn với áp dụng tiến bộ KHKT. Nhiều sản phẩm của thị xã như trứng gà Tân An, nem chua Quảng Yên, rau Song Hành... đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao. Đến hết năm 2019, Quảng Yên đã hoàn thành Chương trình xây dựng NTM và bắt tay vào lộ trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Lấy Quảng Ninh làm hình mẫu
Trong tiến trình thực hiện Nghị quyết “tam nông”, Quảng Ninh luôn được Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá rất cao về cách thức triển khai khi luôn là địa phương tiên phong, dám phá vỡ các tiền lệ, tìm những hướng đi riêng phù hợp với đặc thù của địa phương.
Đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh thăm xã nông thôn mới kiểu mẫu Việt Dân (TX Đông Triều). |
Trong đó, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) triển khai năm 2011 đến nay mang đậm dấu ấn sáng tạo của tỉnh. Chỉ sau 5 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã trở thành thương hiệu riêng có của Quảng Ninh, tạo được tiếng vang lớn trong cả nước, các sản phẩm OCOP liên tục phát triển. Đến nay toàn tỉnh có 167 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất và 421 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Trong đó có 196 sản phẩm đạt sao, trên 90% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử thông minh để truy xuất nguồn gốc, tổng doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất OCOP đạt hàng trăm tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho trên 2.600 lao động khu vực nông thôn. Trước những thành công vang dội này, tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020” (OCOP) để triển khai trên phạm vi cả nước, trong đó lấy Quảng Ninh làm hình mẫu.
Trồng rau theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh). |
Năm 2017, Quảng Ninh phê duyệt Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020” (Đề án 196). Ngay khi triển khai, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt phân cấp, trao quyền để các địa phương chủ động trong thực hiện. Lấy phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân là giải pháp căn cơ, bền vững, tỉnh đã dành mức hỗ trợ, đầu tư cho mỗi xã đều cao hơn khoảng 7 lần mức bình quân chung theo cơ chế Chương trình 135 của Trung ương; ưu tiên bố trí nguồn vốn, đáp ứng 100% nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất theo yêu cầu và đề xuất của các địa phương; tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có quỹ đất và mô hình để phát triển sản xuất. Với cách làm mới, riêng có của Quảng Ninh, hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã không còn xã, thôn nằm trong diện đặc biệt khó khăn, về đích trước 1 năm so với lộ trình đề ra.
Sản xuất tôm giống chất lượng cao ở Trung tâm Sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao của Công ty CP Thủy sản Việt - Úc tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà. |
Nhìn lại quá trình thực hiện Nghị quyết “tam nông” với những mục tiêu cụ thể đặt ra, hiện Quảng Ninh đều đạt được những thành quả to lớn trong từng lĩnh vực. Cụ thể như: Tăng trưởng về giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp bình quân giai đoạn 2008-2019 tăng gần 20%/năm, giá trị đầu tư trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng gấp 20 lần so với năm 2008; thu nhập của người dân nông thôn tăng trên 10 lần so với năm 2008...
Không bằng lòng với kết quả này, giai đoạn 2020-2030, Quảng Ninh tiếp tục hướng đến những mục tiêu lớn hơn. Cụ thể: Cơ cấu ngành Nông nghiệp trong GDP của tỉnh đến năm 2020 là 3-5%, duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành từ 4 - 5,5%/năm; thu nhập của người dân nông thôn tăng gấp 2 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 1% (theo tiêu chí mới); tỷ lệ dân nông thôn có thẻ bảo hiểm y tế đạt 85%; có 100% xã đạt chuẩn NTM và triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu; 50% hộ dân có nhà ở đạt tiêu chuẩn...
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()