Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:57 (GMT +7)
Thành lập Chiến khu cách mạng Đông Triều
Chủ nhật, 06/08/2023 | 23:49:32 [GMT +7] A A
Sau khi phát xít Nhật nổ súng hất cẳng thực dân Pháp để độc chiếm Đông Dương (9/3/1945), phong trào Việt Minh đã phát triển mạnh ở các nơi trong tỉnh. Nổi bật là ở Đông Triều. Đó là tiền đề cho sự ra đời của Chiến khu Trần Hưng Đạo, hay còn gọi Chiến khu cách mạng Đông Triều, Đệ tứ Chiến khu.
Tháng 3/1945, thanh niên các làng Bác Mã, Hổ Lao, Đạm Thuỷ (Đông Triều) đã tập hợp lại, tự vũ trang để chống bọn phỉ từ Bắc Giang sang cướp phá. Tại chùa Bác Mã, đồng chí Nguyễn Kiên Tranh (sư Tuệ) sau khi ra tù đã về đây hoạt động, vận động các gia đình bá hộ, lý trưởng ủng hộ Việt Minh. Cán bộ Việt Minh cũng đã nắm thanh niên, giáo dục và dần chuyển hoá họ thành thanh niên cứu quốc, huấn luyện quân sự để xây dựng lực lượng vũ trang.
Cùng thời gian này, Xứ uỷ Bắc Kỳ phân công Nguyễn Bình đi Hải Phòng mua sắm vũ khí, gây dựng cơ sở. Nguyễn Bình đã tới Đông Triều gặp sư Tuệ và một số đồng chí khác bàn kế hoạch hoạt động, xây dựng lực lượng, chuẩn bị thành lập chiến khu cách mạng. Cuối tháng 4/1945, một cuộc họp do Nguyễn Bình tổ chức đã thống nhất những vấn đề cụ thể như tuyển chọn người vào đội du kích, tìm kiếm, mua sắm vũ khí, các điều kiện hậu cần, việc liên lạc với Chiến khu Việt Bắc…
Ngay sau đó, đội du kích vũ trang đầu tiên đã được thành lập gồm 9 người tại nhà bá hộ Mạc Văn Niết ở làng Hổ Lao (nay thuộc xã Tân Việt, thị xã Đông Triều). Ngày 1/5/1945, đội được giao bắt liên lạc với chiến khu cách mạng ở Bắc Giang. Không may, đi đến thôn Ao Vè, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, thì đội sa vào tay bọn phỉ, bị chúng sát hại. Năm 2004, một nhà bia tưởng niệm đã được tỉnh Quảng Ninh xây dựng ở xã Lục Sơn nhằm tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh của các liệt sĩ.
Để đẩy mạnh cao trào cách mạng tiến lên giành chính quyền, việc xây dựng lực lượng vũ trang tập trung là vấn đề cấp thiết. Cuối tháng 5/1945, lực lượng du kích các làng Bác Mã, Hổ Lao, Đạm Thuỷ và 19 binh sĩ yêu nước dời bỏ hàng ngũ quân Pháp đã được tổ chức thành đội du kích tập trung, ngày đêm luyện tập, quân số không ngừng tăng, bừng bừng khí thế.
Từ phong trào cách mạng ở Đông Triều phát triển, cùng với tình thế khi đó, tối 6/6/1946, ban lãnh đạo phong trào Việt Minh đã họp bàn chuẩn bị khởi nghĩa, phân công Nguyễn Bình chỉ huy đánh đồn Đông Triều, Trần Cung phụ trách đánh đồn Tràng Bạch, Mạo Khê, Hải Thanh phối hợp với bọn phỉ đánh đồn Chí Linh, sư Tuệ chỉ huy tước vũ khí ở phủ lỵ Kinh Môn. Đêm 7/6/1945, tất cả lực lượng vũ trang lần lượt xuất kích tại chùa Bác Mã.
Rạng sáng 8/6/1945, nghĩa quân do Nguyễn Bình chỉ huy tấn công đồn Đông Triều (còn gọi là đồn Cao). Do có nội ứng nên ta nhanh chóng làm chủ đồn.
Tại Mạo Khê, lực lượng công nhân cứu quốc vây nhà chủ mỏ, chiếm kho vũ khí buộc bọn chủ mỏ cùng lính bảo an quy phục.
Tại đồn Tràng Bạch, việc hạ đồn phải huy động lực lượng do tên chỉ huy đồn ngoan cố chống cự. Nghĩa quân phải đóng giả lính Nhật đột nhập vào đồn, bao vây, dùng đại liên bắn xối xả áp đảo, buộc quân địch phải ra hàng.
Tại đồn Chí Linh do quân phỉ tiến đánh, nên quân trong đồn kiên quyết chống lại, chỉ đến khi biết có Việt Minh, binh lính trong đồn mới hạ vũ khí đầu hàng.
Chiều 8/6/1945, trong cuộc mít tinh được tổ chức tại đình Hổ Lao, Chiến khu Đông Triều được chính thức công bố thành lập, Uỷ ban Quân sự cách mạng ra mắt nhân dân.
Tháng 7/1945, Uỷ ban Quân sự cách mạng quyết định mở rộng vùng giải phóng bằng việc tiến công đồn Uông Bí và đồn Bí Chợ. Quân ta đã nhanh chóng tấn công, tiêu diệt và bắt sống bọn lính Nhật và lính bảo an đóng giữ 2 đồn này.
Sau 2 thắng lợi trên, Uỷ ban Quân sự quyết định đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên. Ngày 20/7/1945, bằng sự mưu trí, táo bạo, nghĩa quân đã chiếm dinh tỉnh trưởng, đồn bảo an, kho bạc, bưu điện không tốn một viên đạn. Toàn bộ bộ máy địch ở tỉnh lỵ Quảng Yên đã đầu hàng. Quảng Yên trở thành tỉnh lỵ đầu tiên mà quân cách mạng chiếm được trong thời tiền khởi nghĩa, do đó đã có tác dụng cổ vũ chung cho lực lượng cách mạng trong toàn quốc, nhất là ở Bắc Bộ.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()