Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:44 (GMT +7)
Thành lập Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Khu mỏ Quảng Ninh
Thứ 4, 18/10/2023 | 11:19:01 [GMT +7] A A
Khu mỏ Hồng Gai - Cẩm Phả - Đông Triều - Uông Bí là khu công nghiệp lớn, có đội ngũ công nhân đông đảo, sớm tập trung của vùng Đông Bắc nước ta. Đây là một trong những nơi được Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đặc biệt chú ý.
Cuối năm 1928 đến đầu năm 1929, Hội đã phái nhiều hội viên là những thanh niên trí thức, tiểu tư sản đến khu mỏ “vô sản hóa” nhằm: xâm nhập giai cấp công nhân để tự rèn luyện mình thành người vô sản, vừa phát động phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chống ách áp bức bóc lột của bọn thực dân Pháp, bọn tư bản chủ mỏ. Đồng chí Nguyễn Văn Lịch (tức Mẫn) là hội viên thanh niên đầu tiên (theo giới thiệu của đồng chí Hạ Bá Cang, từ Hải Phòng) tới Mạo Khê “vô sản hóa”. Đồng chí đã xin vào làm kho ở nhà máy cơ khí. Tại đây đồng chí vừa làm việc vừa tuyên truyền giác ngộ công nhân, anh phân tích cuộc sống khổ cực của người thợ, vạch rõ nguyên nhân gây ra nỗi khổ ấy là: Bọn đế quốc phong kiến mà trực tiếp là bọn thực dân chủ mỏ cai thầu. Muốn thoát khỏi cuộc sống khổ cực ấy, mọi người phải đoàn kết lại làm cách mạng. Để mọi người dễ hiểu và thu hút hội viên ngày một đông hơn, đồng chí Nguyễn Văn Lịch đề nghị giải thể “Long thương đoàn”, Hội tương tế đổi thành “Hội ái hữu”. Tháng 3 năm 1929, đồng chí Nguyễn Văn Lịch cùng với một số đồng chí khác về “vô sản hóa” ở Mạo Khê thành lập một chi bộ thanh niên, nòng cốt là những thành viên tích cực của “Hội ái hữu” gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Lịch, Đinh Tiến Toán, Bùi Văn Mạo, Vũ Huy Sán (tức Thảo), đồng chí Khoáng và đồng chí Tước. Vừa ra đời, chi bộ thanh niên ở Mạo Khê đã vận động công nhân quyên góp tiền ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân xưởng A-vi-a ở Hà Nội (nổ ra ngày 28/5/1929). Chi bộ Thanh niên ở Mạo Khê vừa ra đời được 3 tháng thì Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội giải tán. Ngày 17/6/1929, Đông Dương cộng sản Đảng được thành lập gây ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào cách mạng Khu mỏ. Cuối tháng 7/1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đông Dương cộng sản Đảng trực tiếp phụ trách Hải Phòng đã cử đồng chí Đỗ Huy Liêm ra khu mỏ truyền đạt chủ trương của Đông Dương cộng sản là giải tán các tổ chức thanh niên, thành lập các chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng. Về đến Khu mỏ, đồng chí Đỗ Huy Liêm đã triệu tập Hội nghị cán bộ, hội viên thanh niên tại Cẩm Phả - Cửa Ông truyền đạt chủ trương đó. |
Cuối năm 1929, Trần Văn Trí (tức Liên, tức Trí chuột) đã về Mạo Khê lập chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng, số Đảng viên gồm có: Trần Văn Trí, Ngô Đình Mẫn, Đinh Tiến Toán, Bùi Văn Mạo, Bùi Đức Giao, Trần Văn Tước, Nguyễn Huy Sán (tức Thảo) do Trần Văn Trí làm bí thư.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của phong trào công nhân cả nước, ngày 27/7/1929 Hội nghị đại biểu Công hội đỏ Bắc Kỳ đã diễn ra tại số nhà 15 phố Hàng Nón - Hà Nội. Hội nghị quyết định thành lập Công hội đỏ ở Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Huy Sán ở Mạo Khê thay mặt cho đội ngũ công nhân khu mỏ về dự. Đồng chí được hội nghị bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Tổng công hội Bắc Kỳ.
Sau khi thành lập, tổng công hội đỏ Bắc Kỳ, nhiều cán bộ đã được cử về vô sản hóa ở mỏ than Mạo Khê.
Cuối tháng 9/1929, đồng chí Nguyễn Văn Cừ (tức Phùng Ngọc Tường) với tư cách là phái viên của Trung ương Đông Dương cộng sản đảng tới Mạo Khê trực tiếp lao động và gây dựng cơ sở cách mạng. Mặc dù lao động nặng nhọc, lại bị bệnh sốt rét hoành hành, nhưng đồng chí “vẫn tranh thủ những giờ nghỉ để gần gũi tâm tình với anh em công nhân, chùa Non Đông là nơi đồng chí và anh em công nhân thường bí mật gặp gỡ bàn bạc công việc hàng ngày”.
Đồng chí Bùi Văn Mạo tranh thủ mọi thời gian mở lớp học văn hóa buổi tối ở phố Mạo Khê cho anh chị em công nhân, dạy những hội viên chưa biết chữ ngay trong khi làm việc trong lò.
Bằng nhiều hình thức hoạt động, gần gũi anh chị em công nhân để giác ngộ, vận động họ trên đường đấu tranh cách mạng, nhiều người đã gia nhập Hội, cuối năm 1929, số hội viên “Hội ái hữu”đã tăng lên hơn 100 người, trong đó có 15 hội viên là nữ.
Phong trào công nhân phát triển khá nhanh, chi bộ quyết định thành lập “Công hội đỏ” ở Mạo Khê mà thành viên là “những công nhân có tinh thần đấu tranh và giác ngộ cách mạng”, “Hội ái hữu”, chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng và công hội đỏ ở Mạo Khê là tổ chức hoạt động mạnh nhất trong những năm 1929-1930.
Thực hiện chủ trương của Tổng công hội đỏ Bắc Kỳ lãnh đạo công nhân cả nước đấu tranh trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng mười Nga vĩ đại, ngày 7/11/1929, chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Mạo Khê đã kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga với sự chuẩn bị kỹ lưỡng chu đáo và hình thức phong phú sinh động. Chi bộ đã phân công bố trí các tổ chức với nhiệm vụ: treo cờ đỏ, rải truyền đơn ở từng khu vực từ đêm hôm 6/11/1929.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 7/11/1929 lúc anh em thợ lò Hạ Chiểu bắt đầu qua phố Mạo Khê đi làm, đồng chí Đinh Tiến Toán và đồng chí Khoáng đóng giả người phu cuốc lò rải truyền đơn ở cổng Nhà máy cơ khí, cửa lò và những nơi thợ hay ngồi nghỉ…
Chiều ngày 7/11/1929 (lúc tan tầm), đồng chí Bùi Văn Mạo đã lái đầu tầu xe lửa số 4 có cắm cờ đỏ chạy từ nhà ga ra cảng Bến Cân, và chạy ngược lại, giữa lúc anh em thợ mỏ đang ra về.
Đợt đấu tranh mang hình thức mới, với nội dung mới, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, tình cảm, ý chí, nguyện vọng và nâng cao tầm suy nghĩ của anh em thợ thuyền “làm cho anh em thợ ngoài tổ chức nửa kinh ngạc, nửa thì vui mừng, còn chủ mỏ, cai sếp, mật thám thì bàng hoàng kinh sợ”; “ai ai cũng thấy trong lòng rạo rực khác thường” “còn bọn chủ mỏ tay sai thì không dám hằn học dọa dẫm như mọi ngày”.
Đây là lần đầu tiên ở Mạo Khê, tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng mười Nga: “Không những làm cho ảnh hưởng của Đông Dương cộng sản Đảng thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân lao động, mà còn là một dịp làm cho công nhân mỏ và quần chúng lao động hiểu hơn nữa về Cách mạng Tháng Mười”.
Sự ra đời của chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng, Công hội đỏ và cuộc đấu tranh kỷ niệm Cách mạng Tháng mười Nga (7/11/1929) ở Mạo Khê đánh dấu sự chuyển biến lớn về chất trong phong trào công nhân, khi có lý luận cách mạng là chủ nghĩa Mác-Lênin soi đường. Đội ngũ công nhân mỏ Mạo Khê từ đấu tranh tự phát đã chuyển thành tự giác, từ tự mình đấu tranh trở thành đấu tranh cho đội ngũ mình. Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng là cơ sở cho một tổ chức cách mạng lớn hơn ra đời, gánh vác nhiệm vụ lịch sử của dân tộc và giai cấp.
Sau ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng mười Nga (7/11/1929) của chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Cẩm Phả - Cửa Ông, đồng chí Đặng Châu Tuệ và Vũ Thị Mai bị lộ phải rời Cẩm Phả - Cửa Ông đến Mạo Khê hoạt động. Đồng chí Đặng Châu Tuệ vào làm công nhân đào than tại lò Pi-o (Non Đông ngày nay) sau đó chuyển sang làm thợ chống lò ở Vạn Lợi (tức Văn Lôi ngày nay). Đồng chí Vũ Thị Mai vào làm việc và vận động công nhân trong lò gây cảm tình, giúp đỡ, bắt rễ gợi khổ, khơi gợi căm thù, tuyên truyền đường lối cứu nước nhà của Đảng cho anh chị em.
Đồng chí Đặng Châu Tuệ và Vũ Thị Mai đã cùng với chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Mạo Khê phát hành báo “Than” (do đồng chí Đặng Châu Tuệ và Vũ Thị Mai in ấn), góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở Mạo Khê phát triển nhanh từ tự phát sang tự giác.
Sự phát triển của phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta đòi hỏi phải có sự lãnh đạo thống nhất thì mới đảm bảo cho cách mạng thành công. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại diện cho quốc tế cộng sản đã triệu tập Hội nghị đại biểu của 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương cộng sản Đảng (ở Bắc Kỳ), An Nam cộng sản Đảng (ở Nam Kỳ), Đông Dương cộng sản liên đoàn (ở Trung Kỳ), thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.
Trước khi đi dự hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã cử đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở lại mỏ Mạo Khê, chuẩn bị điều kiện thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng nước ta. Điều này chứng tỏ rằng giai cấp vô sản đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng.
Một ngày cuối tháng 2/1930, đã diễn ra Hội nghị thành lập chi bộ Đảng Cộng sản ở Mạo Khê, tại căn nhà nhỏ đơn sơ hẻo lánh, cạnh xóm thợ, phía nam của mỏ (nay thuộc xóm Dân Chủ - thị trấn Mạo Khê), đồng chí Phùng (tức Nguyễn Văn Cừ) phụ trách Khu mỏ, giới thiệu đồng chí Trọng (tức Nguyễn Đức Cảnh) thay mặt Đảng công nhận từng đồng chí vào Đảng. Có đồng chí đã khóc vì cảm động và sung sướng được trở thành đảng viên của Đảng. Chi bộ gồm có 5 đồng chí: Đặng Châu Tuệ, Vũ Thị Mai, Bùi Đức Giao, Nguyễn Huy Sán, Bùi Văn Mạo. Đồng chí Đặng Châu Tuệ được chỉ định làm bí thư chi bộ.
Trong Hội nghị này, chi bộ đã thảo luận và quyết định một số nhiệm vụ trước mắt là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng, gây cơ sở ở nơi yết hầu của địch, phát động phong trào đấu tranh để mở rộng ảnh hưởng của Đảng.
Mặc dù trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, hội nghị thành lập chi bộ Đảng ở Mạo Khê được tổ chức đúng thủ tục và nguyên tắc của Đảng. Đây là chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Khu mỏ Quảng Ninh. Từ đó mở ra một bước ngoặt quan trọng cho phong trào công nhân tại Khu mỏ.
Trích Đề cương Tuyên truyền 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023)
Liên kết website
Ý kiến ()