Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:36 (GMT +7)
Thành lập 11 "công ty ma" thuê con nghiện, người bệnh làm giám đốc
Thứ 5, 30/06/2022 | 15:47:13 [GMT +7] A A
Từ năm 2011 đến 2019, Chiến đã thành lập và mua bán 11 công ty “ma” trên địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và TP Hải Phòng. Tổng số tiền, hàng hóa dịch vụ ghi trên các hóa đơn xuất bán ra khoảng 1.200 tỷ đồng, gây thất thoát tiền thuế của Nhà nước 120 tỷ đồng.
Ngày 30/6, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang cho biết đã có kết luận điều tra, đề nghị VKS cùng cấp truy tố bị can đối với Nguyễn Văn Chiến, SN 1969 ở xã Đại Đức, huyện Kim Thành (Hải Dương) và 4 bị can khác phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn” và “Trốn thuế”. Tổng giá trị hàng hoá ghi trên hoá đơn khoảng 1.200 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, từ năm 2011 đến 2019, Chiến đã thành lập và mua bán 11 công ty “ma” trên địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và TP Hải Phòng. Tại tỉnh Bắc Giang, Chiến đã thành lập và điều hành 6 công ty “ma” có trụ sở đăng ký ở địa bàn các xã: Tự Lạn (Việt Yên); Nghĩa Hòa (Lạng Giang); Tiên Nha (Lục Nam); thị trấn Chũ, xã Kiên Thành, xã Phượng Sơn (cùng huyện Lục Ngạn).
Quá trình điều tra, Cơ quan Công an xác định Chiến đã bán hàng trăm hóa đơn cho các công ty ở 20 tỉnh, TP trên cả nước. Tổng số tiền, hàng hóa dịch vụ ghi trên các hóa đơn xuất bán ra khoảng 1.200 tỷ đồng, gây thất thoát tiền thuế của Nhà nước 120 tỷ đồng. Cơ quan An ninh điều tra đã chứng minh Chiến và các bị can thu lợi bất chính gần 4,32 tỷ đồng.
Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng quy định về việc lập hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp không yêu cầu giám đốc phải đến trực tiếp nộp hồ sơ mà có thể ủy quyền cho người khác hoặc nộp qua mạng Internet nên các đối tượng đã thuê người (chủ yếu là đối tượng nghiện ma túy, bệnh tật, già cả, sức khỏe yếu, không nghề nghiệp) đứng tên làm giám đốc.
Khi cơ quan thuế kiểm tra, thẩm định hồ sơ, trụ sở công ty trước khi đồng ý cho phát hành hóa đơn, các đối tượng lập tức thuê trụ sở, địa điểm tại các hộ dân rồi treo biển công ty trong thời gian vài tháng. Khi kiểm tra xong chúng rời bỏ địa điểm.
Để tránh bị phát hiện, các công ty “ma” chỉ hoạt động trong thời gian ngắn. Hàng tháng, hàng quý, các đối tượng chỉ đạo nhân viên vẫn làm báo cáo thuế nộp theo đúng quy định nhưng tự kê khai khống hoặc lấy hóa đơn từ các công ty “ma” khác (hóa đơn quay vòng giữa các công ty “ma”).
Theo Cand
Liên kết website
Ý kiến ()