Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:40 (GMT +7)
Thành công từ chăn nuôi gia cầm tập trung
Thứ 3, 17/01/2023 | 15:42:58 [GMT +7] A A
Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2023, đàn gà cả ngàn con của gia đình ông Lãnh Văn Chưng, thôn Trại Thông, xã Hồng Thái Đông, TX Đông Triều đều đã được xuất chuồng.
Khác với những trại gà khác, sản phẩm gà của nhà ông Chưng không phải ra chợ bán lẻ mà được thương lái đặt mua tại trại. Giá thu mua cũng được thống nhất trước đó theo hướng có lợi cho người nuôi. Sở dĩ như vậy bởi quy trình chăn nuôi gà của ông Chưng được thương lái đánh giá cao, đảm bảo được các yếu tố: Dúng, đủ về ngày tuổi, liều lượng, chủng loại thức ăn, thời gian giãn cách sau tiêm phòng theo quy định, tỷ lệ thời gian chăn thả cao, quá trình nuôi đảm bảo vệ sinh chuồng trại, ưu tiên giống gà bản địa... Vì vậy mà việc tiêu thụ gà của ông Chưng có nhiều thuận lợi.
Đi lên từ chăn nuôi nông hộ, ông Lãnh Văn Chưng có cả chục năm gắn bó với đàn gà. Quá trình này đủ cho ông có kinh nghiệm để biết cách làm sao đưa ra sản phẩm những con gà trưởng thành đảm bảo chất lượng tốt nhất. Hiện nay, mỗi năm ông nuôi từ 3-4 lứa gà gối nhau, mỗi lứa từ 5-10 ngàn con, có thời điểm lên đến 14 ngàn con. Tổng doanh thu của ông Chưng hàng tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận đạt từ 20-35% doanh thu.
Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, ông Chưng buộc phải thành thạo với việc nhận biết các nguy cơ, dấu hiệu dịch bệnh và cách phòng chống dịch bệnh trên đàn gà. Tại xã Hồng Thái Tây, ông Chưng là người tiên phong chuyển đổi mô hình nuôi nông hộ, nhỏ lẻ sang nuôi tập trung, cách biệt với khu dân cư và ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại trong chăn nuôi. Theo ông Chưng, đây chính là giải pháp căn bản, tiên quyết để đảm bảo chất lượng con gà, đưa ra thị trường, đến tay người tiêu dùng.
Ông Lãnh Văn Chưng chia sẻ: Chăn nuôi nông hộ với đặc thù môi trường chăn nuôi chịu nhiều tác nhân có hại, trong khi đó khó áp dụng các biện pháp phòng dịch, nên khó có thể bảo vệ được đàn gà. Càng về những vụ sau này, nếu nuôi nông hộ thì càng khó thành công.
Trong khí đó, nuôi tập trung, tác nhân gây bệnh đã thấp mà còn có thể thực hiện được các biện pháp đồng loạt phun khử trùng để triệt tiêu mầm bệnh, thực hiện cách ly đàn gà khi cần thiết. Việc theo dõi, đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển của con gà cũng dễ dàng, bám sát hơn, kịp thời xử lý khi có vấn đề phát sinh.
Từ việc đánh giá đúng lợi ích của chăn nuôi tập trung, nhiều năm qua, ông Lãnh Văn Chưng lựa chọn vị trí làm trang trại nuôi gà phù hợp với các tiêu chí đưa ra. Việc thiết kế, xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi cũng khoa học, có tính yếu tố phân theo lứa tuổi, giống gà, tình trạng sức khoẻ của con gà...
Đặc biệt trong vấn đề tiêm phòng dịch bệnh, ông Chưng nắm rất rõ các kỹ năng lưu trữ, bảo quản, sử dụng các loại vắc xin, phù hợp với từng giai đoạn phát triển, từng loại bệnh mà con gà mắc phải. Ông Chưng chủ động trong việc tìm kiếm và phối hợp lâu dài với những đơn vị uy tín cung ứng vắc xin phòng bệnh trên đàn vật nuôi. Chính bởi vậy trong đợt cao điểm tiêm phòng dịch tổng đàn gia súc, gia cầm cuối năm 2022, trong khi nhiều đơn vị chăn nuôi rơi vào tình thế thiếu nguồn cung vắc xin cục bộ, dẫn đến bỏ lỡ “thời cơ vàng” trong công tác phòng dịch gia cầm thì trang trại của ông Chưng đã không gặp phải khó khăn này.
Kiên quyết chăn nuôi theo đúng quy trình, chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ, thiết bị tiên tiến vào chăn nuôi. Đó chính là chìa khoá để ông Lãnh Văn Chưng thành công trong chăn nuôi đàn gia cầm.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()