Tất cả chuyên mục

Với sự quyết tâm, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cùng cách làm sáng tạo, hiệu quả, Quảng Ninh đã thực hiện thành công 3 khâu đột phá chiến lược mà Đảng ta xác định tại Nghị quyết Đại hội XI. Đây là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bô...
Đột phá trong hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính
Quảng Ninh luôn xác định việc đẩy mạnh hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính sẽ tác động lan toả, hỗ trợ hai đột phá còn lại cũng như đối với tái cơ cấu các lĩnh vực ưu tiên và toàn bộ nền kinh tế. Bởi vậy thời gian qua, Quảng Ninh mạnh dạn triển khai các đề án xây dựng thể chế và cải cách hành chính. Tỉnh đã từng bước triển khai đề án thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và Móng Cái. Đến nay, Đề án “Đặc khu kinh tế Vân Đồn” đã hoàn thiện báo cáo, đề xuất với Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ; Khu hành chính - kinh tế đặc biệt đã được đưa vào Hiến pháp 2013 và chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Đề án “Xây dựng khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino tại khu kinh tế Vân Đồn” được Bộ Chính trị cho chủ trương tại Thông báo 138-TB/TW ngày 24-6-2013 đồng ý các đề xuất đột phá. Tỉnh cũng chủ động tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh và Khu kinh tế Vân Đồn. Cùng với đó, thời gian qua, Quảng Ninh còn mạnh dạn vận dụng hình thức đối tác công - tư PPP trong đầu tư xây dựng, vận hành các công trình, hạng mục lớn của tỉnh, góp phần làm cơ sở thực tiễn để Chính phủ ban hành Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư PPP.
![]() |
Thi công cốt thép xà mũ trụ cầu sông Chanh, dự án đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng. Ảnh: Thái Cảnh |
Trong lĩnh vực cải cách hành chính, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã xây dựng và ban hành Nghị quyết về “Cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Thông qua Nghị quyết đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp trong cải cách hành chính như rà soát, đơn giản hoá, cắt giảm những thủ tục hành chính không phù hợp, giảm 40% số thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 cho toàn bộ các cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã; xây dựng chính quyền điện tử và từng bước đào tạo công dân điện tử; thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh và 14 huyện, thị xã, thành phố. Hoàn thiện rà soát và công bố bộ thủ tục hành chính của ba cấp chính quyền, chuẩn hoá và đưa 100% các thủ tục hành chính cấp tỉnh và cấp huyện vào thực hiện tại các Trung tâm hành chính công theo nguyên tắc “Tiếp nhận, thẩm định và trả kết quả tại Trung tâm” bảo đảm thuận tiện, công khai, minh bạch. Tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh đạt trên 98%. Mô hình, cách làm của Quảng Ninh được Trung ương đánh giá cao và nhiều địa phương trên cả nước đến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm. Cùng với đó, tỉnh cũng chuyển đổi căn bản quy trình giải quyết thủ tục đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu thời gian cho nhà đầu tư như: thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thuộc UBND tỉnh, đổi mới mô hình một cửa, một cửa liên thông, tách dịch vụ hành chính công ra khỏi quản lý nhà nước… Đồng thời, Quảng Ninh đã thực hiện sắp xếp lại tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả; nghiên cứu hợp nhất một số cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc chồng chéo, bảo đảm một việc chỉ có một đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Tăng cường kiêm nhiệm và thực hiện nhất thể hoá một số chức danh; tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp sở, và là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện bước cải cách này, qua đó kịp thời phát hiện và lựa chọn được những người giỏi, có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng chức trách, nhiệm vụ được giao.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và kết cấu hạ tầng đồng bộ
Cùng với hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Hằng năm, tỉnh dành nguồn lực thoả đáng cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là chính sách về nhà ở, tiền lương, cải thiện môi trường làm việc... để thu hút nhân tài và nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ cao về công tác trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020” với phạm vi, quy mô toàn tỉnh, bao phủ toàn diện về đối tượng đào tạo, bồi dưỡng; thành lập Trường Đại học Hạ Long và bắt đầu tuyển sinh trong năm 2015 (năm học 2015-2016, Trường Đại học Hạ Long đón trên 1.100 tân sinh viên hệ Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp, trong đó, hệ Đại học đã tuyển sinh được 305 sinh viên). Công tác liên kết, hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được quan tâm, nhiều trường đại học, cao đẳng trong nước tổ chức đào tạo tại tỉnh. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quan tâm đầu tư xây dựng (tại Đông Triều, Hoành Bồ, Vân Đồn...) và được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Số lượng thạc sĩ, tiến sĩ trong tỉnh tăng gấp 2,33 lần so với năm 2010; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63% (năm 2010 là 48%); trong đó đào tạo nghề tăng từ 38% lên 49,5%; sinh viên các hệ đào tạo đạt 293/vạn dân (năm 2010 là 222/vạn dân). Việc quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi cơ cấu lao động đã đóng góp đáng kể vào tăng năng suất lao động xã hội của tỉnh, trung bình cả giai đoạn tăng 12,4%, trong đó lao động trong lĩnh vực dịch vụ có mức tăng cao nhất là 17,1%/năm.
Việc phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ thời gian qua đã được Quảng Ninh xác định đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Bởi vậy, tỉnh đã tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, quyết tâm xây dựng cơ chế, chính sách để tập trung và thu hút mọi nguồn lực, trong đó tập trung vào nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch, các tuyến đường ra cửa khẩu và các khu kinh tế, khu công nghiệp. Trong lúc Chính phủ gặp khó khăn về bố trí vốn, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách, ứng vốn cho Trung ương để cải tạo, nâng cấp quốc lộ, xây dựng đường cao tốc và thực hiện các dự án lớn theo hình thức đối tác công - tư (PPP) như: Cảng hàng không Quảng Ninh, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (theo tiến độ trong quý I-2017 sẽ hoàn thành, rút ngắn thời gian từ Hạ Long - Hà Nội chỉ còn 1,5 tiếng), Hạ Long - Vân Đồn, Quốc lộ 18A đoạn Hạ Long - Mông Dương... Hoàn thành nâng cấp quốc lộ 18A đoạn Uông Bí - Hạ Long, quốc lộ 18B, 18C đoạn lên biên giới, đường vào các khu kinh tế, khu công nghiệp được cải thiện. Việc hoàn thiện lưới điện nông thôn, hoàn thành dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô, Vân Đồn, Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên cơ bản đưa điện lưới quốc gia đến tất cả các thôn, khu, khe bản trên đất liền và các xã đảo. Với đòn bẩy là hạ tầng giao thông được hoàn thiện, các ngành kinh tế khác của tỉnh đã có điều kiện phát triển nhanh, bền vững. Qua đó góp phần thay đổi diện mạo, văn minh đô thị và văn hoá tiêu dùng của nhân dân, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có tỷ lệ đô thị hoá cao (64%) với 4 thành phố và 2 thị xã và là trung tâm sản xuất nhiệt điện lớn của cả nước với tổng công suất phát điện chiếm 16% tổng sản lượng điện cả nước. Đến thời điểm này, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành đồng bộ hệ thống kết nối giao thông trong và ngoài tỉnh.
Minh Thu
Ý kiến ()