Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 18/01/2025 02:24 (GMT +7)
Tháng 7 sẽ có những hiện tượng thời tiết cực đoan nào?
Thứ 3, 04/07/2023 | 16:49:16 [GMT +7] A A
Trong khi bước vào cao điểm nắng nóng thì trong tháng 7/2023, Việt Nam sẽ đón nhận khoảng 4-5 đợt áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và có nguy cơ tác động đến các khu vực Bắc Bộ và phía Bắc miền Trung.
Nắng nóng gay gắt đi kèm áp thấp nhiệt đới
Nhận định khí tượng thủy văn tháng 7/2023 và những nguy cơ do thiên tai, bà Trịnh Thu Phương - Trưởng phòng Dự báo Thuỷ văn Bắc Bộ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đầu tháng 7 là thời kỳ chính vụ mưa lũ của miền núi phía Bắc và Bắc Bộ, nhiều đợt mưa lớn trên diện rộng, kéo dài.
Giai đoạn này sẽ xuất hiện những điểm mưa lớn cục bộ sẽ là mối đe dọa đối với các tỉnh miền núi. Cùng với đó, lũ trên sông suối nhỏ, lũ quét sạt lở đất là nguy cơ thường trực xảy ra tại các khu vực này, đặc biệt các đợt mưa tập trung nhiều về đêm và sáng đây là thời điểm người dân đang nghỉ ngơi. Người dân sinh sống ở vùng núi cao, những nơi thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất cần thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để có thể ứng phó kịp thời các tình huống không an toàn cho người và tài sản.
Liên quan đến tình hình thời tiết cực đoan, theo dự báo, trong tháng 7/2023, Việt Nam sẽ đón nhận khoảng 4-5 đợt áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và có nguy cơ tác động đến các khu vực Bắc Bộ và phía Bắc miền Trung. Riêng khu vực Bắc Bộ, tháng 7 thời tiết nắng nóng xuất hiện nhiều ngày, tuy nhiên ở vùng núi thường có mưa rào và dông vào các buổi chiều tối. Nhiệt độ cao nhất phổ biến ở khu vực đồng bằng Sông Hồng và một số tỉnh lân cận từ 35-27 độ C, cục bộ có những ngày nhiệt độ cao hơn.
Mưa dông sẽ thường xuyên diễn ra ở vùng núi Đông bắc Bộ, trên nền nhiệt độ cao, mưa dông thường rất mạnh và có thể gây mưa đá, lốc xoáy và sạt lở đất đá ở các khu vực có địa hình vùng núi cao như Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Cần đề phòng lốc xoáy gây tốc mái nhà và dông sét, những đợt mưa dông này không mạnh, chỉ khiến nắng nóng suy yếu tạm thời, tuy nhiên chưa có khả năng chấm dứt hoàn toàn.
Nhiệt độ tháng 7 cao hơn trung bình nhiều năm
Thống kê nhiệt độ trong tháng 6 tại Hà Nội cho thấy, trạm Hà Đông, quan trắc được nhiệt độ trung bình cả tháng là 29.94 độ C (cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1.0 độ C), nhiệt độ tối cao trung bình là 34.37 độ C, nhiệt độ tối thấp trung bình là 26.96 độ C. Trong đó nhiệt độ trung bình ngày cao nhất là 32.91 độ C (ngày 02/6). Nhiêt độ trung bình ngày thấp nhất là 26.6 độ C (ngày 25/6). Nhiệt độ tối cao là 38.5 độ C (ngày 02/6). Nhiệt độ tối thấp là 24.0 độ C (ngày 24/6). Quan trắc lượng mưa tháng (tính từ 19h/31/5 đến 19h/30/6) là 286.1mm (cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 20%). Cả tháng có 18 ngày có mưa, trong đó có 1 ngày mưa to (09/06), 8 ngày mưa vừa, còn lại là mưa nhỏ.
Theo dự báo của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) , dao động ENSO khu vực Nino3.4 tháng 06/2023 đang ở trạng thái pha nóng với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển vùng Nino3.4 khoảng +1.0 độ C và dự báo hạn 3 tháng (tháng 07/2023 – 09/2023) tiếp tục duy trì trạng thái pha nóng với chuẩn sai nhiệt độ ở vùng Nino3.4 từ +1.0 độ C đến +1.5 độ C.
Tháng 7 dự báo tiếp tục nhiều ngày nắng nóng kéo dài. Trước mắt là đợt nắng nóng tiếp nối từ cuối tháng 6, kéo dài đến ít nhất là gần giữa tháng. Đỉnh điểm của đợt nóng dự báo rơi vào tầm ngày 7-9/7 với mức nhiệt cao nhất 38-39 độ C, có nơi cao hơn. Các ngày còn lại của đợt phổ biển mức nhiệt 36-38 độ C. Nếu không có gì thay đổi thì đây có lẽ sẽ là đợt nắng nóng kéo dài nhất từ đầu mùa nóng tới nay, và khả năng cũng là của cả năm 2023. Khoảng 10 ngày cuối tháng khả năng cũng có khá nhiều ngày trời nóng/nắng nóng nhưng ít khả năng kéo dài như đợt này, mức nhiệt cũng có phần dịu hơn.
Về nhiệt độ, trung bình cả tháng 7 nhiệt độ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,0-1,5 độ C và dự báo đạt khoảng 29.5-30.5 độ C. Trong đó, mười ngày đầu của tháng (cũng là tiếp nối đợt nắng nóng từ cuối tháng 6) nhiệt độ xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1.5-2.0 độ C; mười ngày tiếp theo nhiệt độ có xu hướng xấp xỉ trên trung bình nhiều năm, giai đoạn còn lại nhiệt độ xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm 1,0 độ C. Nhiệt độ tối thấp trung bình dự báo khoảng 26.0-27.0 độ C, thấp nhất có thể xuống 24-25oC (những ngày có mưa dông về đêm). Nhiệt độ tối cao trung bình dự báo khoảng 33.0-34.0 độ C, cao nhất có thể đạt 39-40 độ C.
Về lượng mưa, dự báo tháng 7 thiếu hụt 20-30% lượng mưa so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Trong tháng khả năng có 1-2 đợt mưa và mưa lớn diện rộng. Giai đoạn dễ xảy ra mưa diện rộng là 12-20/7. Tổng lượng mưa dự báo khoảng 200-230mm (trung bình nhiều năm là khoảng 250mm).
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng vừa phát hành bản tin cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, vùng trũng thấp. Theo đó, đêm qua và sáng nay (04/7), ở khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 03/7 đến 08h ngày 04/7 có nơi trên 80mm như: Chế Là (Hà Giang) 93.8mm, Đông Lợi (Tuyên Quang) 98.4mm, Bình Văn (Bắc Kạn) 86.8mm, Cẩm Khê (Phú Thọ) 96.4mm, Bộc Nhiêu (Thái Nguyên) 198.4mm,...
Chiều và đêm 04/7, ở Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm. Từ ngày 05/7, mưa lớn diện rộng trên khu vực vùng núi Bắc Bộ giảm dần. Cảnh báo mưa dông kèm mưa lớn cục bộ ở khu vực vùng núi Bắc Bộ còn kéo dài đến hết ngày 06/7 (thời gian mưa tập trung vào tối và đêm).
Do tác động của mưa lớn, đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()