Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:19 (GMT +7)
Tháng 6/2023 sẽ nắng nóng gay gắt kéo dài và khốc liệt hơn năm 2022
Thứ 4, 31/05/2023 | 15:38:42 [GMT +7] A A
Dự báo tháng 6 sẽ là cao điểm nắng nóng với các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao ở hầu khắp các vùng miền trong đó khu vực Tây Bắc Bộ sẽ có nhiều ngày nắng nóng trên 40 độ.
Nắng nóng gay gắt hơn năm 2022
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, tháng 6 năm 2023 nhiệt độ trung bình tháng tại Việt Nam từ 27-32 độ C và có xu hướng cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2023, Bắc Bộ và Trung Bộ là cao điểm của các đợt nắng nóng, cường độ có thể gay gắt hơn so với năm 2022.
Dự báo sang tháng 6, nắng nóng có khả năng gay gắt và có nhiều ngày nắng nóng hơn so với năm 2022. Đặc biệt, cao điểm của nắng nóng sẽ là trong tháng 6-7 ở Bắc Bộ và từ nửa cuối tháng 6-8 ở Trung Bộ. Trước đó tháng 5/2023, nắng nóng đã xuất hiện nhiều hơn và gia tăng về cường độ trê phạm vi toàn quốc, kể cả ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ.
Cao điểm của nắng nóng ở Bắc Bộ sẽ trong tháng 6-7, trong đó, tại Điện Biên, Sơn La có nắng nóng gay gắt, có nơi nắng nóng đặc biệt hay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37-39 độ C, có nơi trên 40 độ C như huyện Mường La ( Sơn La) khoảng 42,4 độ C, Huyện Sông Mã và Thị trấn Yên Châu ( Sơn La) khoảng 41,3 độ C…
Nửa cuối tháng 6 có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Năm 2023, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông cũng như ảnh hưởng đến đất đất liền có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm ( trung bình nhiều năm khoảng 11-13 cơn trên Biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền).
Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt từ nửa cuối tháng 6 với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Trong đó, nơi nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến là huyện Tương Dương ( Nghệ An) trên 40 độ C…
Khu vực Trung Bộ, lượng mưa có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình trong giai đoạn tháng 7-tháng 9. Tuy nhiên , từ tháng 10-12 ( thời điểm chính của mùa mưa tại Trung Bộ), lượng mưa lại có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm tại khu vực này. Xu hướng thiếu hụt mưa có thể kéo dài sang đầu năm 2024.
Trong khi đó Nam Bộ sẽ chấm dứt nắng nóng và chuyển qua mùa mưa. Trong mùa mưa, thời tiết vẫn có những đợt nắng nóng chứ không phải mưa diễn ra xuyên suốt. Về lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng lượng mưa dự báo từ xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều hơn trong các tháng 6- tháng 9, tuy nhiên từ tháng 10 đến hết năm 2023 lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
El Nino có gây ra nắng nóng khủng khiếp như dự báo?
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tuần cuối tháng 5, mức nhiệt độ bề mặt nước biển vùng Nino 3.4 là 28.2 độ C, chuẩn sai dương 0.4 độ C, chưa đạt ngưỡng El Nino. Các vùng biển lân cận đang có xu thế tăng nhiệt, chuẩn sai dần cao hơn hẳn giá trị trung bình nhiều năm. Điều này cho thấy, một đợt El Nino đã rất cận kề, có thể ngay đầu tháng 6 tới, hiện tượng El Nino sẽ chính thức được thiết lập ở vùng biển xích đạo phía Đông của Thái Bình Dương, và sẽ mất khoảng 1-2 tháng để thiết lập và chi phối hệ thống khí hậu toàn cầu.
Với tốc độ tăng nhiệt và mức chuẩn sai như vậy, quãng thời gian trung tính diễn ra chỉ trong vỏn vẹn 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 5) và hiện đang ở cuối giai đoạn trung tính ngắn kể trên. Trong 3 tháng đó, Việt Nam đã ghi nhận hết trị số nhiệt độ tối cao tuyệt đối này đến trị số nhiệt độ tối cao tuyệt đối khác. Cùng với đó là lượng mưa thiếu hụt trên toàn quốc, đặc biệt tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Nhiều địa phương Bắc Bộ đã thiếu mưa suốt từ tháng 10 năm ngoái đến nay.
Một số mô hình đang chỉ ra El Nino năm 2023 có thể tiệm cận mức kỷ lục của năm 2015-2016. Tuy nhiên, với tốc độ biến thiên nhiệt độ và chuẩn sai như vậy, khả năng này là không cao. Việc một đợt El Nino bắt đầu từ tháng 6, để đạt cường độ như vậy trong ngắn hạn 4-6 tháng là khó. Do đó, khả năng cao là đợt El Nino tới đây sẽ phát triển với cường độ từ trung bình mạnh cho tới mạnh, có thể tương đương hoặc mạnh hơn một chút so với đợt El Nino xảy ra cách đây 13-14 năm (2009-2010).
Chuyên gia cảnh báo, do tác động của nắng nóng tập trung nhiều ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nên cần đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ ở khu vực dân cư, khu vực sản xuất do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, trên phạm vi toàn quốc tiếp tục đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.
Trong điều kiện El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa trong hầu hết các vùng trong cả nước, phổ biến từ 25 đến 50% (rõ rệt nhất là Bắc Trung Bộ). Đáng chú ý là, một số đợt El Nino đã cho những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24h và số tháng liên tục hụt mưa ở một số nơi, cho thấy El Nino làm tăng tính biến động của mưa ở Việt Nam, điển hình như:
Năm 2015 xảy ra El Nino nhưng tại Quảng Ninh đã xuất hiện mưa lớn lịch sử vào cuối tháng 7. Năm El Nino 2002, mưa lớn vẫn xuất hiện và gây lũ lớn trên các khu vực, cụ thể: lũ lớn trên báo động 3 vào tháng 7 đầu tháng 8 trên sông Hồng và sông Thái Bình, lũ lớn Trung Bộ cuối tháng 9 trong đó có xuất hiện lũ lịch sử xuất hiện thượng nguồn sông Cả (Hà Tĩnh); Nam Bộ đã xuất hiện lũ lớn kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hay là năm 2009, xuất hiện cơn bão số 9 (Ketsana) đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi cũng gây ra đợt lũ lớn, lũ lịch sử vào cuối tháng 9 năm 2009. Đỉnh lũ năm 2009, tại các sông chính từ Quảng Bình đến Phú Yên đều vượt báo động 3. Ngập lụt ngiêm trọng từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Kon Tum.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()