Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:31 (GMT +7)
Than Mông Dương nỗ lực về đích sớm
Thứ 6, 22/12/2023 | 10:53:11 [GMT +7] A A
Mặc dù điều kiện địa chất mỏ của Công ty CP Than Mông Dương có nhiều biến động và sai khác so với kế hoạch, cung độ vận chuyển ngày càng xa, số lần chuyển diện khai thác nhiều, song, với các giải pháp điều hành sản xuất chủ động, linh hoạt và đảm bảo đủ nguồn nhân lực hầm lò, Công ty CP Than Mông Dương đã về đích sớm trong kế hoạch năm 2023.
Chiến dịch thi đua sản xuất và tiêu thụ than 90 ngày đêm quý IV/2023 của Công ty CP Than Mông Dương đã hoàn thành sớm hơn so với mọi năm. Đây là chiến dịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Than Mông Dương trong một năm thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Theo ông Ngô Xuân Thủy, Phó Giám đốc Công ty, chiến dịch này được lãnh đạo đơn vị xây dựng kế hoạch và phát động thi đua từ cuối quý III, nhằm thúc đẩy tinh thần quyết tâm thi đua lao động của các phân xưởng và những người thợ mỏ. Riêng quý IV, công ty đặt mục tiêu sản xuất 380.000 tấn than. Sản lượng này được hoàn thành sẽ giúp Công ty đạt chỉ tiêu than sản xuất cả năm là 1.550.000 tấn.
Cùng với việc phát động các phong trào thi đua sản xuất, một năm qua, đội ngũ lãnh đạo của Than Mông Dương đã điều hành sản xuất chủ động và linh hoạt. Đặc biệt trong công tác vận tải, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị duy trì tốt công tác bảo dưỡng thiết bị dây truyền quang lật, băng tải; đảm bảo thông suốt hoạt động trao đổi, cấp goòng các khu vực Vũ Môn - Cánh Tây - Cánh Đông và mức -400m. Nhờ đó, năng lực vận tải than của Công ty được nâng cao và đạt tiến độ đề ra.
Ông Bùi Mạnh Hà, Phó Giám đốc Công ty cho biết, nhận diện rõ những khó khăn đặc thù, ngay từ đầu năm, lãnh đạo các đơn vị đã tập trung các giải pháp duy trì ổn định và tăng sản lượng chung cho toàn công ty, đặc biệt là lò chợ cơ giới hóa của Phân xưởng Khai thác 5 với công suất thiết kế 300.000 tấn than/năm. Đây cũng chính là phân xưởng chủ lực về khai thác than của Mông Dương, hàng năm cung cấp ổn định từ 300.000 - 310.000 tấn than/năm. Bên cạnh đó, từ đầu quý IV, công ty đã đưa thêm một lò chợ ZH-1600 vào vận hành, thay thế công nghệ chống giữ bằng giá XDY cũ. Đồng thời, công ty cũng đã cân đối tính toán chi tiết về việc huy động thiết bị trong 3 tháng cuối năm 2023 và năm 2024 để chuẩn bị cho việc xây dựng Dự án duy trì sản xuất năm 2024 với mục tiêu thay thế toàn bộ giá XDY đã cũ.
Trong công tác đào lò, ngay từ quý III, Than Mông Dương đã chủ động rà soát các diện lò đào quý IV để triển khai áp dụng đào lò cơ giới hóa, bán CGH và chống lò bằng vì neo ở tất cả các diện có điều kiện phù hợp. Nhờ vậy, năm nay, số mét lò thực hiện của Công ty đã đạt 19.800m, tăng 4,2% so với kế hoạch năm. Trong đó, số mét lò đào công ty tự thực hiện đạt 18.140m, tăng 15,5% so với kế hoạch năm 2023.
Công tác tiêu thụ than năm nay của mỏ cũng thuận lợi hơn nhờ việc chủ động nguồn than sản xuất, chuẩn bị tốt chân hàng. Hàng quý, Than Mông Dương đã phối hợp chặt chẽ với Công ty Tuyển than Cửa Ông, Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả trong công tác giao - nhận than mỏ và tiêu thụ. Tính đến thời điểm này, sản lượng than tiêu thụ của mỏ đạt 1,565 triệu tấn, tăng so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, than nguyên khai giao các nhà máy tuyển đạt 1.549.200 tấn, tăng 0,6% kế hoạch năm và tăng 2,8% so cùng kỳ năm 2022.
Than Mông Dương luôn được biết đến là mỏ khó khăn nhất, nhì Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, do điều kiện địa chất phức tạp và các diện sản xuất nhỏ lẻ. Hàng năm, đơn vị thường xuyên phải chuyển diện, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu về sản lượng than nguyên khai. Trong khi đó, biến động địa chất thường xuyên là một bất lợi lớn mà mỏ luôn phải chủ động đối mặt.
Ông Hoàng Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty cho biết: Kết quả sản xuất của năm 2023 phản ánh nỗ lực của cả tập thể Than Mông Dương, nhất là những người thợ mỏ. Đây sẽ là động lực để Công ty bước sang năm 2024 - năm bản lề thực hiện Phương án kỹ thuật khai thông tầng -250/-400 đảm bảo phát triển mỏ bền vững. Trong bối cảnh đó, điều kiện địa chất mỏ được dự báo là tiếp tục có nhiều biến động và sai khác với kế hoạch làm khó khăn cho quá trình quy hoạch và quản lý công nghệ, đồng thời tăng chi phí sản xuất. Diện khai thác rộng hơn, áp lực mỏ lớn, khí, nhiệt độ cao và nước cũng sẽ nhiều hơn. Tuy vậy, với tinh thần kỷ luật - đồng tâm và truyền thống đoàn kết, vượt khó, công ty đã sớm chuẩn bị các phương án khắc chế những trở ngại này, giữ ổn định các diện sản xuất và duy trì hiệu quả kinh doanh của năm 2024.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()