Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:48 (GMT +7)
Sắc xanh biên cương
Thứ 2, 27/12/2021 | 08:22:58 [GMT +7] A A
Đến các thôn, bản biên giới trong tỉnh ngày cuối năm, tôi được nghe, chứng kiến nhiều việc làm thiết thực của CBCS biên phòng giúp người dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no...
Cùng xây những vườn xanh
Thôn vùng cao biên giới Lục Chắn (xã Hải Sơn) là một trong những thôn, bản xa xôi và khó khăn nhất của TP Móng Cái. Toàn thôn có gần 100 hộ dân, trên 300 nhân khẩu, trong đó số hộ là dân tộc thiểu số chiếm trên 97%. Với đặc thù địa hình đồi núi dốc, nhiều sỏi đá, khó ai có thể hình dung ở đây lại có những vườn cây ổi xanh tốt. Theo người dân địa phương, đây là giống cây mới được CBCS Đồn Biên phòng Pò Hèn hỗ trợ người dân đưa vào trồng thử nghiệm từ hơn 2 năm trước, diện tích trên 1.200m2, bước đầu cho thu hoạch những lứa quả ngọt đầu tiên, tạo thêm nguồn thu nhập giúp người dân địa phương.
Đi cùng cán bộ Đồn Biên phòng Pò Hèn, chúng tôi đến thăm mô hình vườn mẫu của gia đình anh Nình A Phòng (thôn Lục Chắn). Trung tá Phùn Văn Dũng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pò Hèn, kể: Nình A Phòng nay mới 23 tuổi, dân tộc Dao, luôn ấp ủ ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Tuy nhiên, như nhiều thanh niên khác, bước đầu khởi nghiệp của anh gặp không ít khó khăn do hạn chế về vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất. Để tiếp sức cho chàng trai trẻ Nình A Phòng thực hiện ước mơ lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, giữa năm 2019, Đồn Biên phòng Pò Hèn đã phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương khảo sát, hỗ trợ gia đình anh Phòng và 4 hộ dân khác trong xã về vốn, giống, kỹ thuật, ngày công cải tạo vườn tạp để xây dựng vườn cây ăn quả theo hướng chuyên canh. Giờ đây khu vườn mẫu của gia đình anh đã bước đầu mang lại thu nhập.
Khi chúng tôi đến, anh Phòng đang rẫy cỏ xung quanh những gốc ổi trong vườn nhà. Chỉ tay vào những hàng cây ổi xanh tươi, trải dài, trên cành những quả ổi non đội lá nhô lên, anh Phòng hồ hởi khoe: Trước đây do kinh tế gia đình khó khăn nên tôi phải làm đủ nghề để kiếm sống. Trong thôn hễ có ai thuê tôi làm gì thì tôi làm nấy, thu nhập không đáng bao nhiêu, nên cuộc sống khá bấp bênh. Từ giữa năm 2019, được Đồn Biên phòng Pò Hèn tặng giống ổi Hoành Bồ, cùng phân bón, gia đình tôi đã mạnh dạn cải tạo mảnh vườn tạp trên 400m2 của gia đình để trồng ổi theo hướng chuyên canh. "Lấy ngắn nuôi dài", trong thời gian đợi ổi ra quả, gia đình tôi trồng thêm một số loại rau xanh kết hợp chăn nuôi. Đến nay, vườn ổi của gia đình đã bắt đầu ra quả, mang lại thu nhập, nên cuộc sống của gia đình tôi cũng đã phần nào được cải thiện.
Tại thôn vùng cao biên giới Lục Phủ (xã Bắc Sơn, TP Móng Cái) cũng có nhiều hộ dân được sự giúp đỡ của BĐBP về vốn, giống, kỹ thuật đã trồng các cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, đến nay đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Nổi bật trong số đó phải kể đến hộ anh Mả Vĩnh Sáng, dân tộc Dao. Đây cũng là một thanh niên trẻ, luôn khao khát được làm giàu trên mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, do thiếu vốn, giống, kỹ thuật, nên dù đồng đất nhiều, anh cũng chỉ để không. Từ khi được Đồn Biên phòng Bắc Sơn hỗ trợ cây mít giống, phân bón, kỹ thuật, anh đã mạnh dạn cải tạo vườn rừng của gia đình để trồng cây mít. Những cây mít được trồng, chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, đã biến khu vườn vốn hoang hóa, cỏ mọc um tùm trước kia thành một khu vườn chuyên canh với những hàng cây mít trải dài, sinh trưởng tốt. Cây bắt đầu ra quả, hy vọng mang lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn mít của gia đình, anh Sáng chia sẻ: “Trồng cây mít cũng dễ chăm sóc, giá cả cũng tốt, giúp gia đình ổn định kinh tế. Giờ đây, ngoài trồng mít, trồng hồng xiêm, tôi còn kết hợp chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà... Tiền bán mít giúp tôi mua sắm thêm một số đồ dùng sinh hoạt, đảm bảo cuộc sống tốt hơn".
Những năm qua, được sự giúp đỡ của BĐBP, nhiều hộ dân trên địa bàn các xã biên giới của tỉnh đã chủ động cải tạo đất hoang thành những vườn mẫu trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, từ đó vươn lên thoát nghèo. Đại úy Phạm Công Minh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Bắc Sơn, chia sẻ: "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục khảo sát, lựa chọn các mô hình phù hợp để giúp người dân phát triển kinh tế, tạo thêm công ăn, việc làm, góp phần xây dựng diện mạo các thôn bản vùng cao biên giới ngày càng khởi sắc".
Nhiều việc làm vì dân
Đi cùng Trung tá Nguyễn Đức Hiệp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Quảng Đức, chúng tôi vào bản Cấu Phùng (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà). Theo Trung tá Hiệp, trước đây do phong tục tập quán còn lạc hậu, nhiều người dân ở đây vẫn còn nuôi nhốt gia súc, gia cầm... ngay cạnh nhà ở. Để thay đổi không phải chuyện một sớm, một chiều. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, một mặt Đồn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con người dân tộc thiểu số thấy rõ những tác hại của việc nuôi nhốt gia súc, gia cầm gần nơi ở; một mặt báo cáo cấp trên để vận động kinh phí hỗ trợ người dân di chuyển chuồng trại chăn nuôi.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, sau một thời gian kiên trì tuyên truyền, vận động, dần dần bà con trong thôn nhận thức được ý nghĩa của việc di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở. Ông Phùn Quay Sáng, người vừa được giúp đỡ di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở, chia sẻ: “Cũng như nhiều hộ khác trong thôn, gia đình tôi nhiều đời nay đã quen việc nuôi nhốt gia súc, gia cầm cạnh nhà ở để tiện chăm sóc, trông coi. Thế nhưng, khi di chuyển chuồng trâu, bò ra xa nơi ở, tôi nhận thấy không khí, nhà cửa thoáng mát hơn, không còn mùi hôi thối; môi trường sạch sẽ, sức khỏe được cải thiện”.
Bằng những cách làm trên, trong năm 2021, Đồn Biên phòng Quảng Đức đã phối hợp với Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh và xã Quảng Sơn giúp đỡ 13 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Cấu Phùng di chuyển, xây dựng chuồng trại chăn nuôi ra xa khu nhà, kinh phí trên 60 triệu đồng.
Để giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, những năm qua cùng với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, CBCS các đồn biên phòng của tỉnh đã không quản gian khó đến khảo sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào nơi biên giới. Căn cứ vào đó, đảng ủy, chỉ huy các đồn biên phòng đã triển khai nhiều mô hình, đề án nâng cao nhận thức, tạo sinh kế, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã biên giới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần như: “Mô hình vườn mẫu”, “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”…
Chỉ tính năm 2021, BĐBP tỉnh đã giúp đỡ 3 hộ dân xây dựng vườn mẫu, diện tích gần 1.500m2; giúp nhân dân trồng 200 gốc cây trà hoa vàng, 1.000 gốc cây quýt, 500 cây bưởi da xanh; xây 5 “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; tặng 551 suất quà (tổng trị giá trên 568 triệu đồng) cho các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn biên phòng. Thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường”, "Con nuôi đồn biên phòng", trong năm 2021, BĐBP tỉnh đã trao tặng 510 triệu đồng cho 86 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Khi đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, môi trường sống được cải thiện, người dân càng ý thức chung sức, đồng lòng cùng các lực lượng bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn ANTT ngư trường, bến bãi.
Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính ủy BĐBP tỉnh, chia sẻ: Mỗi đồn biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ đóng góp cho thành tích chung của lực lượng biên phòng toàn tỉnh. Mối quan hệ giữa BĐBP và nhân dân gắn bó hữu cơ, CBCS là điểm tựa cho cuộc sống yên bình của bà con; đồng thời nhân dân chính là tai mắt, là chỗ dựa cho CBCS biên phòng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Nguyễn Chiến
Liên kết website
Ý kiến ()