Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:35 (GMT +7)
Thảm họa COVID-19 tại châu Âu với hơn 80 triệu người mắc, Malaysia có ca nhiễm biến thể phụ AY.4.2 đầu tiên
Thứ 2, 08/11/2021 | 09:30:42 [GMT +7] A A
Đến sáng 8/11, thế giới có trên 250,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,06 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
- Anh thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt mũi
- Châu Á ghi nhận thêm những ca mắc biến thể AY.4.2
- Mỗi ngày thế giới có hơn 8.000 người tử vong vì COVID-19, châu Âu vẫn đang là điểm nóng
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 47,3 triệu ca mắc và hơn 775.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 17.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Các hãng hàng không tăng cường chuẩn bị cho các chuyến bay tới Mỹ ngay sau khi Nhà Trắng thông báo mở cửa trở lại cho tất cả các hành khách quốc tế đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. Theo đó, bắt đầu từ ngày 8/11, Mỹ sẽ mở cửa biên giới trở lại cho những người đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 đến từ 33 quốc gia sau 18 tháng hạn chế.
Ngay sau thông báo, các hãng hàng không lớn đã nỗ lực để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh như bổ sung các chuyến bay, tích cực thuê nhân viên và giữ chân người lao động ở lại làm việc. Air France dự kiến công suất chuyến bay của họ đến Mỹ sẽ đạt 90% mức trước đại dịch COVID-19. Còn hãng American Airlines đã đạt được 66% số lượng đặt chỗ chuyến bay đến Anh, 40% đến châu Âu.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 7/11, nước này ghi nhận hơn 1.600 ca mắc mới COVID-19 và 17 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 34,3 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 460.800 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 609.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,87 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Số ca mắc mới và tử vong đang tăng theo chiều hướng đặc biệt lo ngại tại châu Âu. Trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở châu Âu tăng 9% so với tuần trước đó. Tổ chức Y tế Thế giới dự báo, sẽ có thể có thêm nửa triệu người châu Âu tử vong do COVID-19 vào giữa mùa đông nếu tình hình không được cải thiện. Một số nước châu Âu đã phải cân nhắc hạn chế các hoạt động cuối năm để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm.
Với hơn 80 triệu người mắc COVID-19, số ca nhiễm ở châu Âu hiện cao hơn tổng số ca nhiễm ở Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải, Tây Thái Bình Dương và châu Phi cộng lại. WHO đã cảnh báo về một thảm họa COVID-19 tại Châu Âu
Nga liên tiếp ghi nhận số ca tử vong/ngày vì COVID-19 ở mức cao nhất. Mỗi ngày có hơn 1.000 người tử vong vì COVID-19 ở Nga và con số này vẫn chưa giảm xuống. Bộ trưởng Bộ Y tế Liên bang Nga, ông Mikhail Murashko tuyên bố, trước tình hình tỷ lệ trẻ em bị mắc COVID-19 ở nước này ngày càng tăng, một loại vaccine trên nền tảng của vaccine Sputnik V đã được phát triển để bảo vệ trẻ em và đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Bộ Y tế Nga cho biết, trong ngày qua, quốc gia châu Âu này có thêm 39.165 ca mắc mới. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Nga là trên 8,79 triệu người. Ngoài ra, nước này có thêm 1.179 bệnh nhân COVID-19 tử vong, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên hơn 246.800 người.
Nga liên tiếp ghi nhận số ca tử vong/ngày vì COVID-19 ở mức cao nhất. (Ảnh: AP)
Các nhà khoa học đại học Oxford, Anh, đang thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt mũi. Thử nghiệm được kỳ vọng giúp việc tiêm chủng dễ dàng hơn và qua đó tăng độ phủ vaccine COVID-19 trong đại dịch. Đại học Oxford sử dụng vaccine của AstraZeneca cho thử nghiệm giai đoạn 1 với khoảng 30 tình nguyện viên. Vaccine được xịt vào mũi qua một đầu ống chuyên dụng.
Một số tình nguyện viên cho biết, vaccine có vị ngọt và họ không cảm thấy khó chịu gì cả. Các tình nguyện viên sẽ được theo dõi trong 4 tháng để đánh giá khả năng tạo kháng thể của vaccine dạng xịt mũi. Các nhà khoa học cho biết, nếu thử nghiệm diễn ra thuận lợi, vaccine dạng xịt mũi có thể được triển khai trong khoảng một năm tới.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh, 2 tổ chức công đoàn của cảnh sát Đức gồm GdP và DPolG đã đề nghị cấm đốt pháo hoa trong dịp đón năm mới như năm 2020 nhằm hạn chế số ca mắc mới trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay. Ngoài vấn đề đốt pháo hoa trong đêm Giao thừa vốn sẽ có rất đông người tập trung thưởng lãm và đón khoảng khắc đầu tiên của năm mới, việc mở các chợ Noel cũng đang là vấn đề gây tranh luận và được áp dụng không đồng nhất tại các địa phương ở Đức. Trước đại dịch COVID-19, thường có khoảng 160 triệu người đổ đến 3.000 khu chợ Giáng sinh ở Đức. Tuy nhiên, năm 2020, đại dịch đã khiến hầu hết các khu chợ phải đóng cửa.
Số ca lây nhiễm mới ở Đức tiếp tục ở mức cao và chỉ số lây nhiễm hầu như đều tăng tại các bang trên cả nước. Trong tuần qua, nước ngày ghi nhận trung bình khoảng 30.000 ca mỗi ngày. Hiện Đức ghi nhận tổng cộng trên 4,75 triệu người mắc COVID-19, bao gồm 97.000 trường hợp thiệt mạng. Bộ trưởng Bộ Y tế liên bang Đức Jens Spahn đã kêu gọi đẩy mạnh tiêm chủng tăng cường cho tất cả người dân đã tiêm mũi thứ hai trước đó ít nhất 6 tháng nhằm giảm số ca lây nhiễm cũng như tử vong, nhất là ở người cao tuổi.
Malaysia đã phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ AY.4.2, còn gọi là Delta Plus có khả năng lây nhiễm cao. Đây là các du học sinh Malaysia trở về từ Anh. Bộ Y tế Malaysia đang theo dõi chặt chẽ biến thể này trong cộng đồng. Theo Bộ Y tế Malaysia, vaccine ngừa COVID-19 đang được sử dụng hiện nay vẫn có hiệu quả trước biến thể Delta Plus và các biện pháp phòng dịch như cách ly, xét nghiệm... có thể giúp giảm nguy cơ lây lan biến thể này tại Malaysia, đặc biệt là tại các cửa ngõ quốc tế của nước này.
Bộ trưởng Bộ y tế Malaysia Khairy Jamuluddin ngày 7/11 cho biết, nước này chấp nhận du khách nhập cảnh tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Ấn Độ sản xuất. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Khairy chúc mừng vaccine Covaxin của hãng Bharat Biotech (Ấn Độ) sản xuất đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua sử dụng khẩn cấp. Bên cạnh đó, quan chức này cho biết, Malaysia không sử dụng vaccine của Ấn Độ vì nguồn cung về các loại vaccine khác đã đủ.
Chính phủ Indonesia đã ban hành các chiến lược liên bộ để ngăn chặn làn sóng COVID-19 thứ 3 có khả năng xảy ra sau kỳ nghỉ lễ cuối năm nay. Theo đó, Indonesia hủy bỏ ngày nghỉ phép bổ sung ban đầu dự kiến vào ngày 24/12/2021, các ngày lễ tết và nghỉ phép tập thể cuối năm cũng bị hủy bỏ. Công chức bị cấm sử dụng quyền được nghỉ có lương vào những ngày lễ quốc gia.
Bên cạnh việc thực hiện các chính sách và bước can thiệp, Indonesia mở rộng và tăng tốc tiêm chủng, thực hiện nghiêm ngặt quy trình truy vết, theo dõi và điều trị bệnh nhân COVID-19.
Ngày 7/11, Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.076 ca mắc mới COVID-19 và 1 người tử vong. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 47.056 trường hợp, trong đó có 82 người tử vong. Như vậy, sau 2 ngày giảm xuống mức 3 con số, Lào lại ghi nhận số ca mới tăng lên 4 con số (tăng 116 ca so với số liệu ngày 6/11), trong đó có tới 1.071 trường hợp cộng đồng, còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay.
Đáng chú ý, số ca cộng đồng tại thủ đô Vientian tăng với 540 ca, tăng 91 trường hợp so với một ngày trước. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh khác như Luang Prabang, Vientiane, Luang Namtha... Trước tình hình trên, Chính phủ Lào giao các Bộ, cơ quan tương đương, doanh nghiệp tại thủ đô Vientiane và các tỉnh có dịch lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục cho phép cán bộ và công chức luân phiên trực ban hoặc làm việc từ xa. Những người có nguy cơ và phụ nữ có thai không thể tiêm vaccine được cho làm việc ở nhà.
Bên cạnh đó, Ủy ban chuyên trách về phòng ngừa COVID-19 của Lào tiếp tục kêu gọi người dân, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh nền khẩn trương đến các cơ sở y tế để được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Bộ Y tế Lào cho biết đang phối hợp khảo sát và lấy ý kiến tham vấn của Tổ chức Y tế Thế giới về việc mở rộng đối tượng được tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em, đồng thời yêu cầu đóng cửa các nhà máy công nghiệp và doanh nghiệp trong khu vực có lây nhiễm trong cộng đồng, ngoại trừ nhà máy được cấp phép.
Giới chức y tế Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì chính sách “Zero COVID” (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng), khẳng định các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của nước này là “tuân thủ theo khoa học”.
Trung Quốc hiện đang cố gắng kiểm soát đợt dịch bùng phát cách đây vài tuần với 918 ca nhiễm được ghi nhận tại 44 thành phố thuộc 20 tỉnh của nước này. Trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục ghi nhận 74 ca mắc mới. Với quyết tâm theo đuổi chiến lược "Zero COVID", chính quyền địa phương phát hiện các ca nhiễm mới COVID-19 ngay lập tức triển khai những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, Trung Quốc đã liên tục tăng cường các biện pháp ứng phó như xét nghiệm diện rộng, phong tỏa vùng dịch và hạn chế đi lại, mặc dù các biện pháp này có thể ảnh hưởng đến kinh tế của các địa phương.
Hong Kong (Trung Quốc) cũng thông báo ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên của biến thể AY.4.2 của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Đây là một người đàn ông 62 tuổi, nhập cảnh từ Anh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, biến thể phụ AY.4.2 bắt đầu xuất hiện nhiều trên thế giới từ tháng 7 năm nay. Biến thể mới được cho là có khả năng lây lan mạnh hơn chủng Delta. Tuy nhiên các loại vaccine ngừa COVID-19 đang được sử dụng hiện nay vẫn có hiệu quả trước biến thể AY.4.2. Hiện biến thể phụ AY.4.2 đã được phát hiện ở hơn 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có Anh. Tính đến cuối tháng 10, biến thể này chiếm 10% số mẫu thử được giải trình tự gene tại Anh.
Theo vtv.vn
- Chấp thuận cho Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh họp trực tuyến do có người nhiễm COVID-19
- Ngày 7/11: Quảng Ninh thêm 18 ca mắc mới Covid-19
- Ngày 7/11, Việt Nam thêm 7.646 ca mắc mới COVID-19, trong đó TP Hồ Chí Minh có 1.009 ca
- Cách test nhanh Covid-19 tại nhà
- Trẻ bị bệnh mãn tính, dị ứng có được tiêm vaccine ngừa COVID-19?
Liên kết website
Ý kiến ()