Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:58 (GMT +7)
Thăm di tích Sân bay Tà Cơn
Chủ nhật, 22/12/2024 | 12:10:25 [GMT +7] A A
Khu di tích sân bay Tà Cơn thuộc địa phận thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, sân bay Tà Cơn cách thị trấn Khe Sanh khoảng 5km.
Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, cuối năm 1967, quân Mỹ và Việt Nam Cộng hoà lâm vào thế bị động về chiến lược buộc phải chuyển về phòng ngự, tập trung bảo vệ các vùng trọng điểm, trong đó có tuyến phòng thủ chiến lược Đường 9 - Khe Sanh nhằm ngăn chặn tuyến vận chuyển chiến lược của ta từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
Ngay sau khi đánh giá kỹ về tình hình của địch, thế và lực của cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Theo đó quân và dân ta dùng bộ đội chủ lực đánh vào hệ thống phòng thủ của Mỹ - Ngụy ở Đường 9 - Khe Sanh kết hợp với đánh vào Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng.
Thực hiện chủ trương này, từ đêm 20/1/1968 quân và dân ta tiến công tập đoàn phòng ngự Đường 9 - Khe Sanh. Trải qua 170 ngày đêm chiến đấu gian khổ, ngày 9/7/1968, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh kết thúc thắng lợi. Quân và dân ta đã tiêu diệt 17.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 480 máy bay, 120 xe quân sự, 65 đại bác và súng cối cỡ lớn, 55 kho xăng và đạn dược, thu hàng nghìn súng các loại, hàng trăm tấn đồ dùng quân sự và lương thực. Qua đó, quân và ta đã phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ trên Đường 9, giữ vững tuyến đường chi viện từ Bắc vào Nam và giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa với hơn 10.000 dân. Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng.
Trải qua hơn nữa thế kỷ, tại khu di tích sân bay Tà Cơn hiện nay, nhà Bảo tàng về Đường 9 - Khe Sanh là nơi trưng bày hàng trăm hiện vật có giá trị về lịch sử, khoa học. Cùng với đó, hệ thống hầm hào, đài quan sát không lưu… được phục dựng trong khuôn viên sân bay. Năm 1986, Khu di tích sân bay Tà Cơn được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()