Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 20:41 (GMT +7)
Thảm cảnh của bệnh nhân COVID-19 ở nơi có nền y tế tiên tiến bậc nhất thế giới
Thứ 2, 22/11/2021 | 10:07:03 [GMT +7] A A
Tại Nhật Bản - một trong những nước có hệ thống y tế tốt nhất thế giới - nhiều bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi vì phải tự điều trị ở nhà.
Hồi tháng 8, Yuko Nishizato đã đi khắp các bệnh viện ở Nhật Bản để xin cho người cha 73 tuổi của cô được nhập viện điều trị COVID-19, nhưng không được nơi nào tiếp nhận. Ông chỉ được dùng thuốc trị sốt tại nhà và đã không qua khỏi.
Trước khi mất, ông Nishizato cố gắng liên lạc cho trung tâm y tế địa phương nhưng không hề nhận được sự giúp đỡ nào, chỉ có một đoạn ghi âm tự động đáp lại ông.
“Có rất nhiều người cũng phải chịu đựng hoàn cảnh giống chúng tôi, và tôi không thể hiểu tại sao lại như vậy”, cô Nishizato chia sẻ.
Yoshihiko Takeuchi, chủ một nhà hàng nhỏ trên đảo Okinawa, cũng được yêu cầu tự điều trị COVID-19 tại nhà. Phải đến 3 ngày sau khi Takeuchi không trả lời điện thoại từ các nhân viên y tế, người ta mới phát hiện ra anh đã mất.
Cha của cô Nishizato và Takeuchi nằm trong số hàng trăm người đã chết khi thực hiện “jitaku ryoyo” - chính sách yêu cầu một số bệnh nhân COVID-19 “hồi phục sức khỏe tại nhà”. Chính sách này còn được người dân Nhật Bản gọi là “bị bỏ rơi ở nhà”.
Các nạn nhân của jitaku ryoyo
Nhật Bản là một trong những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe dễ tiếp cận và giá cả phải chăng nhất, nhưng trớ trêu là rất nhiều bệnh nhân COVID-19 ở quốc gia này lại không được nhập viện và phải áp dụng jitaku hochi.
Khi biến thể Delta lây lan mạnh vào tháng 8 năm nay, hệ thống bệnh viện của Nhật Bản nhanh chóng tuyên bố trong tình trạng quá tải, mặc dù số ca bệnh ở nước này ít hơn nhiều so với Mỹ, châu Âu và một số quốc gia châu Á khác. Trước tình hình đó, các cơ sở y tế địa phương của Nhật Bản phải vật lộn để tìm bệnh viện có thể tiếp nhận bệnh nhân. Các xe cấp cứu cứ đi từ bệnh viện này sang bệnh viện khác nhưng không tìm được điểm dừng. Một số cơ sở đã cố gắng bổ sung nguồn oxy và cung cấp dịch vụ điều trị COVID-19, nhưng không có bệnh viện dã chiến lớn nào được thành lập.
Tình trạng này dẫn đến số người thiệt mạng vì dịch bệnh tăng nhanh do bệnh nhân không được điều trị tại bệnh viện. Theo hồ sơ của Bộ Y tế Nhật Bản, tính đến đầu tháng 9, trên toàn quốc có hơn 134.000 người phải điều trị COVID-19 tại nhà.
Đại dịch đã khiến Nhật Bản mất khoảng 18.000 người trong số 126 triệu dân. Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, có khoảng 951 bệnh nhân COVID-19 thiệt mạng tại nhà kể từ tháng 3/2020. Chỉ tính riêng tháng 8/2021 đã có tới 250 nạn nhân của jitaku ryoyo.
Tình trạng người bệnh không được chăm sóc y tế đầy đủ đã thổi bùng lên một làn sóng giận dữ trong người dân Nhật Bản. Rất nhiều thân nhân của những người đã mất đang lên tiếng kêu gọi cải thiện chích sách về COVID-19. Trong số đó có cả Kaori Takada - chị gái của Takeuchi - và cô Nishizato. Họ thành lập một nhóm chuyên hỗ trợ trực tuyến cho những người có thân nhân mất vì jitaku ryoyo.
“Chúng tôi đến với nhau, cố gắng hàn gắn, chia sẻ câu chuyện của những người bị đối xử bất công và giúp đỡ nhau vượt qua”, cô Takada cho biết.
Khó chống lại các đại dịch trong tương lai
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản chủ yếu là các bệnh viện và phòng khám tư nhân nhỏ, trong đó, rất ít cơ sở được trang bị để xử lý bệnh truyền nhiễm. Nguồn nhân lực bao gồm bác sĩ, chuyên gia chăm sóc đặc biệt và y tá cũng thiếu hụt nghiêm trọng.
Ở một số nơi, chính quyền địa phương đã tận dụng các cơ sở này để tiếp nhận những bệnh nhân COVID-19 không còn khả năng lây nhiễm sau khi họ được điều trị tại các bệnh viện lớn hơn. Nhưng nhìn chung, số lượng bệnh nhân vẫn đông hơn rất nhiều so với số giường trống.
Tiến sĩ Takanori Yamamoto tại đại học Nagoya cho rằng các bệnh viện Nhật Bản cần được tái cấu trúc để tập trung những người bị bệnh nặng tại các cơ sở được chỉ định, thay vì phân bố họ ở khắp các bệnh viện nhỏ với số giường ICU ít ỏi.
“Các nguồn lực đã được quản lý không đúng cách”, ông Yamamoto nói thêm, những cơ sở y tế địa phương không phải nơi thích hợp để điều trị COVID-19.
Ông Yamamoto cũng lo lắng rằng với hệ thống y tế hiện tại, dù Nhật Bản có vượt qua được dịch COVID-19 thì cũng khó mà đối đầu được với các đại dịch khác trong tương lai.
“Không có quốc gia nào lại từ chối bệnh nhân như vậy, ngay cả những quốc gia có nhiều ca bệnh hơn cũng không”, ông Yamamoto nói.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()