Từ một thiếu niên bốc đồng, Thái tử Frederik trở thành người đàn ông của gia đình, biểu tượng cho nền quân chủ hiện đại và sẽ trở thành tân vương Đan Mạch từ 14/1.
Thái tử Frederik, 55 tuổi, đã âm thầm khẳng định bản lĩnh và uy tín của mình với người dân Đan Mạch trong những năm qua, cổ vũ đất nước thúc đẩy các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu.
Thời điểm ông trở thành người đứng đầu hoàng gia Đan Mạch đang đến gần, khi Nữ hoàng Margrethe II vừa tuyên bố ý định thoái vị vào ngày 14/1 và truyền ngôi cho ông.
Sau khi Nữ hoàng AnhElizabeth IIqua đời năm 2022, Nữ hoàng Margrethe II là nữ vương duy nhất ở châu Âu. Bà được ca ngợi vì đã hiện đại hóa hoàng gia Đan Mạch một cách tinh tế trong nửa thế kỷ trị vì. Nữ hoàng Margrethe II nhiều lần khẳng định sẽ không bao giờ thoái vị, nhưng cuộc phẫu thuật lưng tháng 2 năm ngoái khiến bà phải cân nhắc về tương lai.
Trong lễ kỷ niệm 50 năm cầm quyền của Nữ hoàng Margrethe II vào năm 2022, Thái tử Frederik đã thề nguyện sẽ trở thành người xứng đáng tiếp bước mẫu vương lãnh đạo hoàng gia Đan Mạch, nền quân chủ được ước tính đã tồn tại hơn 1.000 năm và là một trong những hoàng gia lâu đời nhất thế giới.
"Con sẵn sàng lèo lái con thuyền này khi thời điểm phù hợp. Con sẽ tiếp bước người, như người đã tiếp bước ông ngoại", Thái tử Frederik nói.
Sự mẫu mực và tự tin trong tuyên bố hai năm trước từ người thừa kế ngai vàng ở Cung điện Christiansborg khác xa tính cách chính ông thời trẻ, theo chuyên gia về lịch sử hoàng gia Gitte Redder. Thái tử Đan Mạch chỉ thật sự tìm được can đảm và tự tin trước công chúng giữa độ tuổi 20-30.
"Tính cách ông ấy thời trẻ không hẳn là nổi loạn. Tuy nhiên, trong những năm tháng thiếu niên và thanh niên, ông ấy không bao giờ cảm thấy thoải mái trước sự săm soi của truyền thông, cũng như số phận mai này sẽ làm vua", Redder cho biết.
Nữ hoàng Margrethe II đăng quang năm 1972, bốn năm sau khi hạ sinh Frederik. Thái tử Đan Mạch đã trải qua những năm tháng thơ ấu trong cảm giác cô đơn và giằng xé, cảm thấy bố mẹ lạnh nhạt vì họ luôn phải ưu tiên nghĩa vụ với đất nước và nền quân chủ hơn là con cái.
Ông trở nên bốc đồng giữa áp lực của truyền thông và vị thế hoàng gia. Frederik từng có giai đoạn sa vào những cuộc vui không hồi kết và nổi tiếng với sở thích mua xe đua. Truyền thông châu Âu đầu những năm 1990 xem ông là một hoàng tử suốt ngày tiệc tùng.
Tuy nhiên, hình ảnh của Thái tử Frederik trong mắt công chúng bắt đầu thay đổi từ khi ông là thành viên đầu tiên trong hoàng gia Đan Mạch từng hoàn thành bậc giáo dục đại học.
Trước khi tốt nghiệp Đại học Aarhus vào năm 1995, ông còn có giai đoạn tham gia chương trình trao đổi tại Đại học Harvard của Mỹ dưới tên giả là Frederik Henriksen. Mật danh này được ghép giữa tên thật và tên của người bố Henri de Monpezat, cựu nhà ngoại giao Pháp.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông ngày càng trưởng thành hơn khi trải qua các giai đoạn huấn luyện ở cả ba binh chủng của quân đội Đan Mạch.
Ông từng được biên chế vào đơn vị thợ lặn của hải quân Đan Mạch với mật danh Pingo, nghĩa là Chim cánh cụt. Trong số 300 tân binh của đơn vị vào năm 1995, chỉ có ông và ba người khác hoàn thành mọi bài kiểm tra năng lực.
Thái tử Frederik có thể sử dụng thành thạo ba ngôn ngữ Anh, Pháp và Đức. Ông còn có máu phiêu lưu, nổi bật với lần tham gia đoàn thám hiểm Greenland vào năm 2000 đi qua 3.500 km đường tuyết trong 4 tháng.
Những chuyến phiêu lưu mạo hiểm từng khiến Thái tử Đan Mạch nhiều lần nhập viện vì tai nạn. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến người dân thêm thích thú về người kế thừa ngai vàng đầy cá tính. Ông càng được lòng dân hơn nữa khi khởi xướng giải chạy xuyên Đan Mạch từ năm 2018.
"Ông ấy là con người của thể thao. Ông ấy thường xuyên tham gia những buổi hòa nhạc và các trận bóng đá. Người dân cảm thấy ông ấy gần gũi với họ hơn cả mẫu vương", Redder bình luận.
Frederik từng nói ông không phải kiểu người "tự nhốt mình trong pháo đài". Những tháng năm niên thiếu bốc đồng lẫn những ngày tháng trưởng thành trong quân ngũ khiến ông khát khao "được sống đúng với chính mình" và có những trải nghiệm bình thường như mọi người. Ông từng khẳng định sẽ không thay đổi cách sống cả sau khi lên ngôi.
Không chỉ mến mộ sự gần gũi và cá tính của Thái tử Frederik, người dân Đan Mạch còn có thiện cảm với sự hiện đại và "bình dân" của gia đình ông.
Thái tử Đan Mạch gặp được tình yêu của đời mình, nữ luật sư Australia Mary Donaldson, tại một quán bar ở Sydney trong thời điểm ông đến xem Thế vận hội năm 2000. Hai người sau đó kết hôn, có bốn người con và tất cả đều đi học trường công.
Hoàng tử Christian, con cả của Thái tử Frederik và bà Mary Donaldson, là thành viên đầu tiên trong hoàng gia được gửi đi nhà trẻ. Christian nay đã 18 tuổi và sắp tới sẽ kế thừa vị trí thái tử sau khi bố đăng quang.
Gia đình Thái tử Frederik vài năm qua đã dần tiếp nhận nhiều nghĩa vụ hoàng gia khi Nữ hoàng Margrethe II đã hơn 80 tuổi.
Sử gia Đan Mạch Sebastian Olden-Jorgensen mô tả quá trình chuyển giao nghĩa vụ hoàng gia diễn ra không quá vội vàng và luôn được cân nhắc dựa trên sức khỏe của Nữ hoàng. Ông đánh giá gia đình thái tử "thể hiện nét hiện đại và cải cách". Vợ chồng Thái tử Frederik đều là những người đam mê âm nhạc, nghệ thuật đương đại và thể thao.
"Họ không mang đến làn gió cách mạng so với phong cách của Nữ hoàng", Olden-Jorgensen nhận định, song thừa nhận gia đình Thái tử Frederik vẫn thể hiện rõ quyết tâm điều chỉnh nền quân chủ Đan Mạch phù hợp hơn với thời đại.
Thái tử Frederik từng ví von rằng cá tính của ông góp phần hoàn thiện bức tranh về hoàng gia Đan Mạch, bên cạnh Nữ hoàng Margrethe II có thiên hướng học thuật, viết lách và nghệ sĩ.
"Mẫu vương thích vẽ, còn con thích tập luyện thể thao. Mẫu vương khai quật những cổ vật xa xưa, còn con từng chôn mình trong quân ngũ để tránh đời. Mẫu vương là bậc thầy kiếm thuật, còn con đôi lúc thấy kiếm là choáng", ông từng chia sẻ với Nữ hoàng Margrethe II tại lễ kỷ niệm 50 năm bà tại vị vào năm 2022.
Ý kiến ()