Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:49 (GMT +7)
Thái Lan trước nguy cơ trở thành 'Seychelles thứ 2' khi mở cửa đón khách quốc tế
Thứ 6, 16/07/2021 | 08:29:42 [GMT +7] A A
Chỉ còn chưa đầy 100 ngày nữa, Thái Lan sẽ thực hiện kế hoạch mở cửa biên giới đón khách quốc tế, song "xứ sở chùa Phật ngọc" vẫn đang chìm trong đợt bùng phát COVID-19 ngày càng nghiêm trọng với quá trình triển khai vaccine chậm chạp.
Theo trang Bloomberg, Thái Lan đang ở hoàn cảnh tương tự như các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch khác. Quốc gia này hiện phải đối mặt với nhiệm vụ “bất khả thi”, đó là vừa phải giải cứu ngành du lịch quan trọng đã bị tàn phá bởi đại dịch suốt 18 tháng, vừa phải ngăn chặn nguy cơ lượng lớn du khách quốc tế làm lây lan virus.
Đó cũng là tình trạng của Maldives và Seychelles, những "thiên đường đảo nhiệt đới" đã chứng kiến sự gia tăng kỷ lục số ca mắc COVID-19 kể từ khi mở cửa đón khách, mặc dù đã tiêm phòng cho khoảng 70% dân số. Song với tốc độ tiêm chủng hiện tại, Thái Lan sẽ phải mất gần một năm để đạt được mục tiêu đó.
Trước đại dịch, ngành du lịch đóng góp khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan, gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Tuy nhiên, lỗ hổng lớn mà đại dịch gây ra đã ảnh hưởng đến trên 7 triệu người lao động trong lĩnh vực này, từ những người bán đồ ăn đường phố cho đến lái xe taxi, nhân viên dọn phòng khách sạn và hướng dẫn viên du lịch. Một trong những nguồn ngoại tệ của đất nước đã cạn kiệt vì đại dịch COVID-19.
Điều này khiến cho việc mở cửa biên giới trở thành một “rủi ro có tính toán”, đáng để chính phủ chấp nhận.
“Thái Lan không thể đợi đến thời điểm tất cả người dân được tiêm vaccine đầy đủ, hay khi thế giới không còn COVID-19”, Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha nói vào tháng trước khi ông công bố thời điểm mở cửa trở lại vào ngày 14/10. “Mặc dù các ca bệnh có thể gia tăng, nhưng nhu cầu kinh tế của người dân cần phải được xem xét”, ông nhấn mạnh.
Ông Bill Barnett, Giám đốc Điều hành Công ty tư vấn khách sạn C9 Hotelworks cho biết: “Chúng ta không thể đóng cửa biên giới, đặc biệt là ở châu Á, nơi quy mô dân số vô cùng lớn. Đây là những nền kinh tế tự cung tự cấp và chúng không thể tồn tại lâu dài như vậy”,
Bắt đầu từ tháng 7, những du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ được phép đến đảo nghỉ dưỡng Phuket mà không cần cách ly. Tính đến ngày 13/7, đã có trên 4.700 du khách đến đây du lịch, trong đó 6 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Thái Lan đã ghi nhận trung bình 7.600 trường hợp mắc mới mỗi ngày trong tuần qua, nhiều hơn tổng số trường hợp được ghi nhận trong cả năm 2020. Sự gia tăng số lượng bệnh nhân COVID-19, do biến thể Delta rất dễ lây lan, đã khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải với số ca tử vong tăng cao. Ngân hàng trung ương cho biết họ có thể sẽ phải điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021, do tình hình dịch bệnh đang trở nên tồi tệ hơn. Một nhóm khu vực tư nhân trọng điểm gần đây cũng đã hạ ước tính tăng trưởng xuống chỉ còn 0% -1,5%.
Giống như Thái Lan, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang đón khách trở lại để phục hồi các nền kinh tế suy yếu, bất chấp sự bùng phát của biến thể Delta.
Tuần trước, Sri Lanka đã nới lỏng các yêu cầu nhập cảnh để hồi sinh ngành du lịch đóng góp gần 5% vào GDP trước đại dịch. Chính phủ đang tìm cách tăng tỉ lệ nắm giữ ngoại hối của mình trước khi đến hạn trả nợ hơn 2,5 tỷ USD trong 1 năm tới. Khách du lịch đã tiêm phòng đến quốc đảo này chỉ phải cách ly 1 ngày và được xét nghiệm COVID-19. Sau đó, họ có thể đi lại giữa các khách sạn trong “bong bóng du lịch” và ghé thăm các địa điểm đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo việc khởi động lại ngành du lịch trong bối cảnh biến thể Delta bùng phát, kết hợp với quá trình xét nghiệm và tiêm chủng thấp, có thể làm trầm trọng thêm thiệt hại kinh tế về lâu dài.
Ông Thira Woratanarat, Phó Giáo sư Khoa Y tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nhận định: “Khi dịch bệnh kéo dài, những tác động kinh tế xã hội mà nó gây ra sẽ trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Vấn đề là phần lớn mọi người sẽ không thể đối phó được với dịch bệnh vì tài nguyên đã cạn kiệt."
Một số điểm nóng du lịch khác trên thế giới cũng đã mở cửa biên giới, trong khi vẫn phải vật lộn với sự gia tăng đột biến trong các trường hợp COVID-19. Điều này khiến giới chức buộc phải thắt chặt các yêu cầu nhập cảnh. Quần đảo Virgin thuộc Anh, bắt đầu đón khách du lịch từ tháng 12, cho biết trong tuần này rằng tất cả du khách phải xét nghiệm khi đến và cách ly cho đến khi nhận được kết quả âm tính với virus vì tình trạng lây nhiễm gia tăng.
Tương tự Thái Lan, ngành du lịch Hy Lạp đóng góp khoảng 1/5 vào GDP cả nước trước dịch COVID-19. Nước này cũng đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế trước mùa du lịch cao điểm mùa hè ở châu Âu. Động thái này đã bị các nhà lãnh đạo chỉ trích kịch liệt, bao gồm cả việc chấp nhận những du khách được tiêm vaccine Trung Quốc và Nga chưa được EU chấp thuận.
Sau khi các ca nhiễm biến thể Delta bắt đầu bùng phát vào cuối tháng 6, một số hạn chế phòng dịch đã được thắt chặt trên các hòn đảo nổi tiếng của Hy Lạp, bao gồm cả việc cấm những người chưa được tiêm phòng đến các quán bar, rạp chiếu phim và nhà hát.
Đối với Thái Lan, việc vội vã mở cửa trở lại có thể là chất xúc tác thổi bùng một làn sóng virus mới
“Khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát, ngân sách cũng như nguồn lực đã cạn kiệt, Thái Lan có thể buộc phải nới lỏng tất cả các biện pháp hạn chế và dịch bệnh sẽ gia tăng. Đó là trường hợp xấu nhất", ông Thira nhận định.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()