Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:20 (GMT +7)
Thách thức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu
Thứ 5, 13/01/2022 | 16:51:16 [GMT +7] A A
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đi xuống rõ rệt trong năm 2022 khi bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Sự lây lan của biến thể mới Omicron đe dọa sự phục hồi của nhiều nền kinh tế, trong đó các nền kinh tế mới nổi được các chuyên gia cảnh báo cần chuẩn bị cho nguy cơ "xáo trộn kinh tế".
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, WB dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống còn 4,1% trong năm 2022, thấp hơn so mức 5,5% của năm 2021, thậm chí có thể giảm tiếp xuống còn 3,2% trong năm tới khi mà các chính phủ thu hẹp chương trình hỗ trợ tài chính và tiền tệ vốn được ban hành trong thời gian đại dịch. WB cảnh báo, lạm phát kéo dài, các vấn đề về chuỗi cung ứng và lực lượng lao động, cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới có khả năng cản đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo chuyên gia của WB, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron cho thấy tình trạng gián đoạn tiếp diễn và việc hệ thống y tế bị quá tải do số ca mắc gia tăng có nguy cơ khiến dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm thêm 0,7%. Báo cáo của WB dự đoán tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm xuống còn 3,8% trong năm nay, thấp hơn so với mức 5% trong năm ngoái, và có thể giảm mạnh xuống còn 2,3% trong năm 2023. Tuy nhiên, WB cho rằng sản lượng và hoạt động đầu tư của những nền kinh tế này sẽ trở lại xu hướng trước đại dịch vào năm 2023.
WB hạ dự báo tăng trưởng đối với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tăng trưởng GDP của nền kinh tế Mỹ trong năm 2021 bị hạ xuống còn 5,6% và dự báo mức này sẽ giảm tiếp trong các năm 2022 và 2023, lần lượt xuống còn 3,7% và 2,6%. Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong năm 2021 là 1,7%, thấp hơn 1,2% so với dự báo hồi tháng 6 năm ngoái, song sẽ tăng lên mức 2,9% trong năm nay. Trung Quốc dự kiến đạt mức tăng trưởng 8% trong năm 2021, thấp hơn 0,5% so với dự báo trước đó. WB cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chậm lại, ở mức 5,1% trong năm 2022 và 5,2% trong năm tiếp theo. Ðối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, WB dự báo tốc độ tăng trưởng của những nước này cũng sẽ chậm lại ở mức 4,6% trong năm 2022, thấp hơn so với 6,3% của năm 2021 và tiếp tục giảm xuống còn 4,4% trong năm 2023.
Ðánh giá của WB được đưa ra trong bối cảnh lạm phát gia tăng, vốn ảnh hưởng nặng nề đến người lao động có thu nhập thấp, đã ghi nhận ở mức cao nhất kể từ năm 2008 tại các nền kinh tế phát triển và cao nhất kể từ năm 2011 ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Các nhà kinh tế lo ngại, cùng với dịch Covid-19, lạm phát là yếu tố rủi ro đáng quan tâm nhất đối với triển vọng phục hồi và tăng trưởng của 19 quốc gia Khu vực đồng euro (Eurozone). Phục hồi kinh tế của Eurozone có nguy cơ suy giảm nếu lạm phát liên tục tăng cao, khiến thu nhập người tiêu dùng giảm và buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kết thúc các biện pháp kích thích sớm hơn kế hoạch. Lạm phát được nhận định sẽ "ăn" vào tiền lương khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, trong khi ECB có thể phải tăng lãi suất để đối phó rủi ro lạm phát. Trước áp lực lạm phát tăng cao, ECB đã buộc phải điều chỉnh dự báo lạm phát của Eurozone lên 2,6% năm 2021 và 3,2% năm 2022, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 2%.
Trước tình hình đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, các nền kinh tế mới nổi cần sẵn sàng cho quãng thời gian có thể khó khăn trước mắt trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị tăng lãi suất và tăng trưởng kinh tế thế giới có thể chậm lại. Các nhà kinh tế của IMF cho rằng, các nền kinh tế mới nổi cần sẵn sàng cho nguy cơ xáo trộn kinh tế trước các tác động của Omicron và FED đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, các nước mới nổi cũng đang phải đối mặt lạm phát gia tăng và nguy cơ nợ công cao. Gần đây, FED đã đưa ra các tín hiệu cho thấy sẽ tăng lãi suất sớm và mạnh hơn so với kế hoạch nhằm khống chế lạm phát vốn đang tác động đối với các hộ gia đình và tiêu dùng tại Mỹ. Lãi suất cao hơn đồng nghĩa với chi phí tài chính của một số nền kinh tế mới nổi, vay nợ bằng USD, sẽ tăng lên. Các nước này vốn đã bị tụt lại trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, do đó, ít có khả năng gánh thêm chi phí.
Kinh tế toàn cầu đang đứng trước không ít rủi ro bởi tác động của đại dịch Covid-19. Tốc độ tăng trưởng của nhiều khu vực, quốc gia sẽ bị chậm lại khi các chính phủ thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ, trong bối cảnh việc cải thiện điều kiện thị trường lao động và môi trường bên ngoài gặp nhiều khó khăn. Cho dù các "liều thuốc giảm đau" đã được đưa ra nhằm tránh những tác động tiêu cực, song nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt những thách thức trong nỗ lực phục hồi khỏi "cơn bạo bệnh" do Covid-19 gây ra.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()