Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:33 (GMT +7)
Thách thức của những biến thể mới
Chủ nhật, 05/09/2021 | 20:19:31 [GMT +7] A A
Giới khoa học thông báo đang theo dõi những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với nhiều đột biến hơn hoặc có khả năng kháng vaccine phòng bệnh, khiến thách thức trong cuộc chiến chống dịch toàn cầu thêm chồng chất.
Tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới trong 7 ngày qua dù có một số dấu hiệu tích cực, song cũng không ít diễn biến đáng quan ngại với số ca tử vong ở Mỹ và châu Âu liên tục tăng, trong khi Ấn Độ lại ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong vài tháng. Bên cạnh đó, giới khoa học cũng thông báo theo dõi những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với nhiều đột biến hơn hay có khả năng kháng vaccine phòng bệnh, khiến thách thức trong cuộc chiến chống dịch toàn cầu thêm chồng chất.
Theo thống kê của trang worldometers.info, trong tuần tính đến hết ngày 4/9, thế giới ghi nhận tổng cộng 4.404.531 ca mắc mới COVID-19, giảm 4% so với giai đoạn 7 ngày trước đó. Trong khi đó, số ca tử vong là 65.950 ca, giảm 6%. Một tín hiệu tích cực nữa là số ca hồi phục tăng khoảng hơn 8.900 ca (0,2%) lên mức 3.920.762 ca. Xét theo khu vực, châu Âu và Bắc Mỹ đều ghi nhận số ca mắc mới giảm lần lượt là 4% và 0,2%, tuy nhiên số ca tử vong lại tăng 4% và 5%. Các khu vực còn lại đều ghi nhận số ca mắc mới và tử vong giảm.
Ngày 30/8, WHO cảnh báo đến đầu tháng 12, châu Âu có thể ghi nhận thêm 236.000 ca tử vong vì COVID-19 do tốc độ tiêm chủng chậm lại trong khi biến thể Delta tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống y tế các nước. Số ca nhiễm và tử vong tại các nước nghèo hơn ở khu vực đang tăng trở lại.
Theo worldometers.info, các quốc gia ghi nhận số ca mắc mới và tử vong tăng mạnh nhất tại châu Âu trong 7 ngày gần nhất là Latvia (tăng lần lượt là 78% và 120%), Romania (65% và 58%), Ukraine (59% và 22%). Đây đều là những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp so với khu vực. Tính đến nay, châu Âu có khoảng trên 1,1 triệu ca tử vong vì COVID-19.
Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu Hans Kluge nhận định tốc độ lây nhiễm tại châu Âu hiện nay rất đáng lo ngại, chủ yếu là do biến thể Delta lây lan nhanh trong khi các biện pháp hạn chế cũng được nới lỏng và gia tăng đi lại trong dịp nghỉ hè. Khoảng 50% dân số (70% người trưởng thành) châu Âu đã tiêm phòng đầy đủ nhưng trong 6 tuần qua, tốc độ tiêm giảm 14% do thiếu nguồn vaccine ở một số nước và một bộ phận người dân không chịu tiêm. Chỉ có 6% người dân các nước thu nhập thấp và trung bình thấp tại châu Âu được tiêm đủ liều vaccine trong khi một số nước chỉ tiêm được cho 1/10 nhân viên y tế.
Tại Mỹ, số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện là trên 100.000 ca, mô hình dự báo của Đại học Washington cho thấy Mỹ có thể ghi nhận thêm 100.000 ca tử vong đến ngày 1/12. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng số người tử vong này có thể giảm một nửa nếu toàn bộ người dân chịu đeo khẩu trang tại nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người, ở trong nhà khi bị bệnh và tiêm vaccine. Trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan đáng báo động, nhu cầu vaccine tại Mỹ đã bắt đầu thay đổi, số lượng vaccine được tiêm mỗi ngày đã tăng 80% trong tháng qua lên mức trung bình 900.000 liều/ngày.
Tại châu Á, sau vài tháng cải thiện, tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ lại xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại. Ngày 2/9, nước này ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong vòng 2 tháng (trên47.000 ca), tình trạng đặc biệt đáng lo khi đã vào mùa tựu trường và mùa lễ hội. Trên thực tế, địa phương ghi nhận nhiều ca mắc mới và tử vong nhất là bang Kerala, bang đông dân ở miền Nam, cũng vừa tổ chức lễ hội lớn một tuần trước. Chính phủ Ấn Độ cảnh báo những địa phương khác cũng có thể chứng kiến số ca nhiễm gia tăng như Kerala trong bối cảnh mùa lễ hội bắt đầu từ tháng này và kết thúc vào đầu tháng 11, các lớp học tại thủ đô New Delhi và một số bang như Gujarat mở cửa trở lại.
Indonesia, ổ dịch nghiêm trọng nhất khu vực Đông Nam Á, đang cho thấy tín hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh (giảm lần lượt 43% và 39% so với 7 ngày trước đó). Tỷ lệ tiêm chủng tăng mạnh, Indonesia đã tiêm hơn 100 triệu liều vaccine COVID-19, đứng thứ 7 thế giới về số liều vaccine được tiêm.
Malaysia hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi số người tử vong vì COVID-19 cũng ở mức báo động, tăng 7% trong 7 ngày gần nhất. Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Một "điểm nóng" khác là Thái Lan, số ca mắc mới đã giảm tuần qua sau nhiều tuần tăng vọt, song số ca tử vong mới lại tăng 1% so với 7 ngày trước đó. Giới chức Thái Lan đã siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch, thủ đô Bangkok tiếp tục áp lệnh giới nghiêm.
Đáng chú ý, Chính phủ Singapore sẽ tạm hoãn các bước tiếp theo trong kế hoạch mở cửa trở lại do số ca mắc mới đang tăng trở lại (trên 200 ca mỗi ngày).
Giới khoa học cảnh báo số ca lây nhiễm có thể tăng trong thời gian tới do tại nhiều nước đã bắt đầu năm học mới, trong khi trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương vì chưa được tiêm chủng. Đơn cử như tại Indonesia, mặc dù số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng giảm xuống, nhưng số ca mắc và tử vong ở trẻ em lại tăng. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở trẻ em nước này vẫn tiếp tục tăng cao nhất thế giới, ở mức 2% vào tháng 8, gấp nhiều lần so với tỷ lệ trung bình 0,3% của toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã kêu gọi các nước tăng cường tiêm chủng cho giáo viên và các nhân viên trường học cũng như trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Các cơ quan LHQ cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường trường học để phòng ngừa COVID-19 cũng như nâng cao hiệu quả của hình thức học trực tuyến nhằm bảo đảm không làm gián đoạn giáo dục trong bối cảnh đại dịch.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge khẳng định: "Sẽ mất một thời gian nữa chúng ta mới đẩy lùi được dịch bệnh, nhưng giáo dục cho trẻ em một cách an toàn trong môi trường học đường vẫn là mục tiêu của chúng ta. Chúng ta không được lấy đi cơ hội mà trẻ em xứng đáng được hưởng".
Một diễn biến nữa khiến các nhà khoa học lưu ý là sự lây lan của ít nhất hai biến thể mới trong tuần qua. Các nhà khoa học Nam Phi đang theo dõi biến thể C.1.2, xuất hiện ở nước này hồi tháng 5 và có khả năng lây nhiễm nhanh gấp 2 lần so với các biến thể đã được xác định trên toàn cầu. Theo nghiên cứu của Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Nam Phi, số ca mắc biến thể C.1.2 hiện gia tăng liên tục hằng tháng, tương tự như những gì được quan sát trong những ngày đầu của các biến thể Beta và Delta. Tốc độ lây lan của biến thể này nhanh hơn khoảng 1,7 lần so với tốc độ toàn cầu hiện tại và nhanh hơn 1,8 lần so với ước tính ban đầu về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2. Hiện biến thể này đã được phát hiện tại toàn bộ các tỉnh của Nam Phi và gần 10 quốc gia khác trải dài khắp châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương, trong đó có Anh, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Mauritius, New Zealand….
Hiện WHO vẫn chưa liệt kê C.1.2 là biến thế đáng lo ngại (VOC) hay biến thể đáng quan tâm (VOI). Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla dẫn báo cáo của các nhà khoa học cho biết trong giai đoạn hiện nay, biến thể C.1.2 “không phải một nguy cơ”. Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý biến thể C.1.2 sở hữu các đột biến trong bộ gene tương tự như những đột biến được phát hiện trong các biến thể đáng lo ngại khác, như Delta.
Tiến sĩ Megan Steain, nhà virus học tại trường Đại học Sydney, cho biết cần đưa ra cảnh báo với biến thể C.1.2 là do biến thể này chứa nhiều đột biến đặc biệt. Ngoài ra, biến thể này chứa nhiều đột biến nhất so với chủng virus SARS-CoV-2 gốc ở Vũ Hán (Trung Quốc). C.1.2 có tỷ lệ khoảng 41,8 lần đột biến mỗi năm, gần gấp đôi tốc độ của các biến thể khác.
Nhà dịch tễ học Eric Feigl-Ding, thành viên cấp cao tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết biến thể có đột biến càng lớn thì nguy cơ nó có thể chống lại thế hệ các vaccine đầu tiên càng cao. Ông cảnh báo những rắc rối tiềm ẩn đối với các loại vaccine hiện có trước sự xuất hiện của các biến thể như C.1.2.
WHO cũng đang theo dõi biến thể mới khác là B.1.621, còn gọi là biến thể Mu, bùng phát ở Colombia hồi tháng 1 vừa qua, sau đó gây ra làn sóng lây nhiễm thứ ba từ tháng 4 đến tháng 6 ở nước này. Theo quan chức y tế Colombia Marcela Mercado, trong giai đoạn này, Colombia đã ghi nhận 700 ca tử vong mỗi ngày và gần 2/3 trong số đó dương tính với biến thể Mu. Đây hiện là biến thể chủ yếu ở Colombia.
Giáo sư dịch bệnh truyền nhiễm Paúl Cárdenas, trường Đại học San Francisco de Quito ở Ecuador, khẳng định có bằng chứng cho thấy Mu có khả năng lây lan nhanh hơn biến thể gốc. Giáo sư Paúl Cárdenas cũng cho rằng Mu có thể vượt các biến thể Gamma và Alpha về tỷ lệ gây bệnh tại hầu hết các vùng ở Ecuador và Colombia.
WHO phân loại Mu là “biến thể đáng quan tâm” (VOI), cho biết các bằng chứng sơ bộ cho thấy biến thể này chứa những đột biến có thể "né tránh" một phần các kháng thể từ vaccine hiện có. Điều này có nghĩa là vaccine hoặc phương pháp điều trị bằng kháng thể có thể không hiệu quả với Mu như với chủng gốc của virus SARS-CoV-2. Mặc dù đây mới là kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, song các chuyên gia y tế WHO vẫn đang theo dõi sát sao biến thể này để có thể kịp thời đưa ra các phương án ứng phó. Tới nay biến thể này đã xuất hiện tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thể.
WHO đã nhiều lần cảnh báo virus lây lan càng nhiều thì khả năng xuất hiện các biến thể mới càng cao. Chuyên gia Cathrine Scheepers, một trong những tác giả chính của nghiên cứu về biến thể C.1.2, nêu rõ biến thể mới "có thể xuất hiện sau một đợt mắc COVID-19 kéo dài của người dân và từ đó nó tích lũy thêm các đột biến, có khả năng thoát khỏi phản ứng miễn dịch".
Ông Philip Krause, đứng đầu nhóm chuyên gia của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) về vaccine COVID-19, nhấn mạnh sự xuất hiện nhanh chóng các biến thể này cho thấy rằng "nếu virus có thể tiến hóa thành những loại hình kháng vaccine, thì điều này có thể xảy ra sớm hơn chúng ta lường trước". Bởi vậy, việc sớm ngăn chặn đà lây lan rộng của COVID-19 là yếu tố giúp hạn chế sự xuất hiện của các biến thể mới, mà một trong những giải pháp tối ưu hiện nay vẫn là tăng tốc độ tiêm chủng để nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()