Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:32 (GMT +7)
Thách thức của ngành chăn nuôi
Thứ 3, 24/08/2021 | 10:40:28 [GMT +7] A A
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng số lợn, bò, gia cầm của cả nước đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên từ nay đến cuối năm, ngành chăn nuôi cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu để ứng phó những thách thức từ thực tế.
Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng, khó khăn đầu tiên là tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn diễn biến khó lường. Dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu, bò còn xuất hiện ở nhiều địa phương. Tại một số tỉnh, thành phố đã phát hiện chủng virus cúm gia cầm A/H5N8.
Đơn cử ở Hà Nội, dịch cúm gia cầm A/H5N8 đã xuất hiện tại hai hộ chăn nuôi của huyện Ba Vì, số gia cầm phải tiêu hủy là hơn 2.500 con gà. Các ổ dịch này chưa qua 21 ngày, đang được theo dõi, giám sát và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tiếp đến là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua, mưa to ở một số nơi), tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát, phần nào đã tác động đến hoạt động chăn nuôi.
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, khâu lưu thông phân phối còn bị ách tắc ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Một số mặt hàng chưa đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra như: tơ tằm, mật ong, tổ yến.
Vấn đề toàn cầu hóa về thị trường, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do, trong đó khu vực các quốc gia thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đều là những nước có không gian chăn nuôi lớn, tiên tiến hơn Việt Nam sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Vấn đề ô nhiễm môi trường và giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng liên tục từ tháng 11/2020 đến nay khiến chi phí sản xuất tăng theo, làm giảm sức cạnh tranh của một số sản phẩm chăn nuôi trên thị trường.
Nếu tới đây chúng ta không nhanh chóng tự chủ được nguồn nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi trong nước, phải nhập khẩu nhiều từ các quốc gia khác thì ngành chăn nuôi khó phát triển bền vững. Thực trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá sản phẩm chăn nuôi giảm, hộ chăn nuôi bị lỗ vốn, dẫn tới tâm lý e dè khi vào đàn, tái đàn, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm.
Bên cạnh đó, hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm vẫn còn bất cập; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều tồn tại. Từ thực tế trên cho thấy, trong chỉ đạo điều hành, cơ quan quản lý nhà nước còn lúng túng, thụ động. Thí dụ như: mô hình và giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học phù hợp đối với từng loại vật nuôi; kiểm soát chất lượng giống, môi trường và điều kiện chăn nuôi; cơ sở dữ liệu quản lý ngành chăn nuôi; tổ chức bộ máy và phương thức tiếp cận phù hợp nền kinh tế thị trường còn nhiều bất cập, nhất là ở tuyến địa phương...
Theo các chuyên gia, để ngành chăn nuôi thích ứng với giai đoạn phát triển mới, các địa phương cần tích cực triển khai Luật Chăn nuôi, Chiến lược phát triển chăn nuôi, theo hướng hiện đại - công nghiệp hóa chăn nuôi trang trại và chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nông hộ. Xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng để điều chỉnh, tập trung nguồn lực cho sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi.
Cần củng cố hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đối với thị trường trong nước theo hướng hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất - chế biến - lưu thông - tiêu thụ sản phẩm thông qua hoạt động của các doanh nghiệp và hiệp hội. Các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.
Song song với phòng, chống dịch, các địa phương nên có chính sách về: lãi suất tiền vay, đất đai hỗ trợ người chăn nuôi duy trì sản xuất. Khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị với mã định danh quốc gia cùng với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.
Tăng cường năng lực cho các cơ sở nuôi giữ giống, quản lý và sản xuất giống, tăng tỷ lệ chọn giống, nhất là sản xuất giống tại chỗ để có con giống với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh. Ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất, nhập khẩu con giống, các sản phẩm chăn nuôi trái phép. Kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cơ sở giết mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thực phẩm từ xuất chuồng đến người tiêu dùng. Có phương thức sản xuất phù hợp thực tế để dần dần khắc phục được việc bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi nhập từ các nước.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ: Tới đây, ngành chăn nuôi cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, nhất là khâu chế biến để tăng giá trị sản phẩm của ngành.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()