Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:53 (GMT +7)
Thả giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản
Thứ 5, 26/05/2022 | 07:51:32 [GMT +7] A A
Có diện tích mặt biển trên 6.000km2 với nhiều vịnh, vụng kín gió chạy dọc từ TP Móng Cái đến TP Hạ Long, vùng biển Quảng Ninh đa dạng về địa hình, chất đáy và thành phần loài sinh vật có giá trị kinh tế cao. Để phát huy những tiềm năng, lợi thế nổi trội, tạo tiền đề đưa ngành thủy sản Quảng Ninh trở thành ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế biển, tỉnh đã đặc biệt đến quan tâm công tác thả giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Năm 2021, giá trị tăng thêm kinh tế thủy sản theo giá cố định đạt hơn 3.700 tỷ đồng (chiếm 2,6% GRDP toàn tỉnh và 51% GRDP toàn ngành Nông nghiệp), tốc độ tăng trưởng 6-8%/năm, giá trị sản xuất theo giá cố định đạt gần 6.200 tỷ đồng (chiếm trên 45,3% giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp), tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, song nguồn lợi thủy sản của tỉnh cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng, suy giảm về đa dạng sinh học cũng như số loài trong môi trường tự nhiên. Nguyên nhân do tác động của nhiều yếu tố, trong đó, chủ yếu do biến đổi khí hậu và cả tác động của con người thông qua khai thác thủy sản bằng các phương pháp tận diệt.
Để khai thác lợi thế kinh tế thủy sản bền vững gắn với mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản tăng cường bảo vệ và chống khai thác bất hợp pháp nguồn lợi thủy sản và thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho đối tượng khai thác thủy sản ven bờ. Trong đó, điểm nhấn là Chỉ thị 18-CT/TU (ngày 1/9/2017) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.
Đến nay, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã chuyển từ tập trung chủ yếu ở cấp tỉnh sang phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, nhất là ở chính quyền cấp huyện xã, các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Các sở, ban, ngành, địa phương duy trì thường xuyên hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thành lập đường dây nóng 24/24h để tiếp nhận các thông tin tố giác hành vi vi phạm. Trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã phát hiện gần 5.800 vụ vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xử phạt trên 5.700 vụ vi phạm, thu phạt nộp ngân sách nhà nước trên 42 tỷ đồng.
Đặc biệt, trước tình trạng sụt giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên, hoạt động thả cá tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quan tâm từ tỉnh đến các địa phương. Hằng năm, các địa phương tổ chức, tập trung thả giống vào ngày truyền thống ngành Thủy sản (1/4), ngày Môi trường thế giới (5/6), dịp lễ Vu Lan, Phật Đản… Qua đó, nhận được sự quan tâm, tham gia, hỗ trợ và hưởng ứng tích cực của các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân, tín đồ tăng ni phật tử và cộng đồng ngư dân.
Trong 3 năm qua, toàn tỉnh thả hơn 27 triệu con giống tôm, cua, cá các loại về môi trường tự nhiên. Riêng 5 tháng đầu năm 2022, tỉnh thả trên 13 triệu con giống từ nguồn ngân sách và huy động nguồn xã hội hóa. Trong đó, nhiều giống loài thủy sản quý hiếm, thích nghi cao với môi trường tự nhiên, làm gia tăng khả năng sống và phát triển trong môi trường tự nhiên. Đây là số lượng rất lớn so với các địa phương ven biển trong cả nước, bởi theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, trong năm nay, Việt Nam dự kiến thả hơn 53 triệu con giống thủy sản vào vùng nước tự nhiên. Tính đến tháng 4, cả nước đã thả được trên 36 triệu con giống.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: "Thành công lớn nhất trong công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản là ngoài lượng giống được thả về tự nhiên rất lớn, hoạt động này còn giúp thay đổi nhận thức của người dân. Minh chứng rõ nhất là lượng giống thủy sản các địa phương huy động được từ nguồn xã hội hóa năm sau luôn tăng cao hơn năm trước và rất đông người dân hưởng ứng tham gia thả cá tập trung khi được phát động. Đặc biệt là đã xuất hiện nhiều hành động, việc làm tích cực trong giải cứu, thả về tự nhiên các loài thủy sinh vật quý hiếm”.
Trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của Quảng Ninh, thủy sản được định hướng là ngành kinh tế quan trọng. Mục tiêu đến năm 2030, thủy sản chiếm khoảng 2% GRDP toàn tỉnh và khoảng 60% GRDP toàn ngành Nông nghiệp của tỉnh. Giá trị sản xuất thủy sản theo giá cố định đạt trên 10.700 tỷ đồng (chiếm khoảng 60% toàn ngành nông nghiệp), bình quân tăng trưởng 6,3%/năm và tiếp tục tạo việc làm ổn định cho 50.000 lao động.
Do đó, Quảng Ninh tích cực phát huy các kết quả đạt được, đẩy mạnh các giải pháp triển khai phát triển thủy sản và công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói riêng. Trong đó, thường niên là thả giống thủy sản ra môi trường tự nhiên để tiếp nối những chuyển biến trong suy nghĩ và hành động của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn những hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()