Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:20 (GMT +7)
Tết quê trong tim người xa xứ
Thứ 3, 01/02/2022 | 00:00:38 [GMT +7] A A
Ông Đặng Hữu Kỳ sinh năm 1954 tại Hà Tĩnh. Rời quân ngũ với chứng nhận thương binh hạng 2/4, ông chọn Hạ Long là quê hương thứ 2 để sinh cơ, lập nghiệp. Hơn 30 năm sống ở tổ 9, khu 3, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, vợ chồng ông đã tích cực tham gia hoạt động cộng đồng ở khu phố, nuôi dạy các con nên người. Đặc biệt, vợ chồng ông Kỳ đã xây dựng được thương hiệu “Chè Kỳ” nổi tiếng. Đến giờ, khi quán chè không còn bởi ông bà đã sang Pháp ở với 2 con, người dân vẫn quen gọi con ngõ nhỏ có quán chè của ông là “ngõ Chè Kỳ”.
Cũng đã lâu chưa về thăm Hạ Long, nhưng qua báo chí, mạng xã hội, ông Đặng Hữu Kỳ vẫn dõi theo tin tức về thành phố, về quê hương. Xuân Nhâm Dần sắp tới, ông trải lòng cùng bạn đọc về những mùa xuân đáng nhớ trong đời…
Đêm Giao thừa không thể quên
Sau ngày giải phóng đất nước Campuchia 7/1/1979, đơn vị chúng tôi được lệnh chốt giữ khu vực kho đạn tại thị xã Conpong Chipu, củng cố lực lượng chuẩn bị truy quét tiếp bọn tàn quân Pôn Pốt vừa mới tan rã bỏ chạy, còn ẩn náu nơi đây.
Tối ngày 27/1/1979 (tức đêm 30 Tết năm Mậu Ngọ), thời điểm này, tình hình lương thực còn thiếu thốn, lính chúng tôi chỉ ăn bo bo thay cơm. May mắn lần này có một ít hải sản là tôm hùm bé bằng ngón chân cái, bóc vỏ kho mặn, thu từ kho đông lạnh của địch, được hậu cần phân phát cho mỗi đơn vị một ít gọi là quà Tết trong bữa tối. Số tôm hùm ít ỏi được chia đều cho tất cả mọi người, hai đồng chí một con, kết hợp với một ít thịt hộp ăn cùng mì hột, do anh em nuôi quân nấu sẵn vo tròn như nắm tay mang lên tận chốt. Đêm Tất niên đúng vào ngày chủ nhật. Thời khắc giao thừa, trên bàn chỉ huy, tiếng máy thu thanh vang lên lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Bỗng dưng, phía trước và sau chốt tiền tiêu phát ra hàng loạt tiếng nổ uỳnh uỳnh của đạn cối 81 ly. Tiếp theo là tiếng réo rát tai phát ra từ nòng súng cabin, Ar15 và phóng lựu của địch nhằm bắn về phía đội hình của chúng tôi. Những tia lửa đạn đan chéo nhau trên trận địa chốt, làm sáng rực một vùng trời trong đêm. Tiểu đoàn trưởng trực tiếp gọi điện thông báo cho tôi là địch lợi dụng đêm Giao thừa để thăm dò lực lượng chúng ta, tìm mục tiêu để phản công lại đối phương. Lệnh cho đại đội hoả lực cùng trung đội cối 82, do tôi trực tiếp chỉ huy, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng giáng trả khi cần theo phương án đã định. |
Khói súng mịt mù bao trùm lấy trận địa. Tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí Phúc, liên lạc quân sự của tôi, men theo tuyến hào giao thông đến truyền lệnh cho tất cả anh em trên chốt hãy bình tĩnh, án binh bất động, bảo toàn lực lượng chờ lệnh phản công. Bọn địch bắn thăm dò chán chê vẫn không phát hiện ra đối phương ở phía trước mặt, nên chúng đành phải dừng tiếng súng. Mọi cảnh vật trở nên yên tĩnh dần, chỉ còn lại mùi thuốc súng cay xè, nồng nặc, vẫn còn lan toả dày đặc, bao phủ xung quanh trận địa.
Thông báo từ chỉ huy tiểu đoàn: Cuộc phản công của địch tạm kết thúc. Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm sau khoảng thời gian dài căng thẳng đến tột cùng, khi nghĩ về sự sống và cảnh chết chóc, đau thương cận kề có thể diễn ra vào dịp đầu năm mới. Đêm Giao thừa đón chào Xuân mới Kỷ Mùi nơi điểm chốt tiền tiêu ấy là kỷ niệm tôi không thể nào quên…
Tết thanh bình ở Hạ Long
Sau khi phục viên, tôi về sống cùng gia đình tại thị xã Hòn Gai (nay là TP Hạ Long). Hơn 30 năm gắn bó, tôi coi đây là quê hương thứ hai của mình.
Nhớ những ngày đầu rời quân ngũ trở về địa phương nghỉ chế độ thương binh, khi vết thương trên thân thể chưa lành hẳn, tôi đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương và tình thương yêu, đùm bọc, sẻ chia của bà con dân phố đối với đối tượng chính sách, thương binh về làng. Nhờ bản lĩnh sẵn có của người lính được tôi luyện qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, tuy sức khoẻ còn yếu do vết thương tái phát, thường xuyên hoành hành (tháng 6 năm 2007 tôi mới được Viện Quân y 108 phẫu thuật lấy ra mảnh đạn cuối cùng gần cột sống), bản thân tôi đã cố gắng vượt lên chính mình. Kết hợp với tấm lòng thương yêu chồng, cần cù, chịu khó của người vợ lính, hai vợ chồng tần tảo làm ăn, kiếm sống hàng ngày như bao người dân nghèo Vùng mỏ đã từng trải qua. Gia đình tôi mở quán bán chè. Món chè đỗ đen và chè thập cẩm mềm, dẻo, ngọt, ngon rất bình dị, tự tay người vợ tôi nấu phục vụ bà con trên địa bàn, đã được rất nhiều khách hàng mến mộ vào đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước. Thương hiệu “Chè Kỳ” được khách hàng quý mến đặt tên ban tặng cho chủ quán cũng dần dần trở nên nổi tiếng vang xa từ đó.
Ngoài công việc gia đình, tôi còn tham gia công tác Đảng ở chi bộ khu phố 3 nơi tôi sinh hoạt. Vợ chồng tôi luôn cố gắng dành thời gian nuôi, dạy hai con trai ăn học trưởng thành.
Tôi thấy mình may mắn hơn các đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường. Bởi mỗi năm, tôi đều cùng gia đình được đón những cái Tết thanh bình, vui vẻ, được thưởng thức bánh chưng xanh và những món ăn mang hương vị ngày xuân nơi quê nhà yêu dấu.
Tết năm nào cũng vậy, sau lễ dâng hương lên các vị thần linh, ông bà, tổ tiên và lễ đón Giao thừa, cả nhà tôi cùng quây quần bên nhau ôn lại những thành quả đáng ghi nhận trong năm của mỗi thành viên trong gia đình, biểu dương, khích lệ kịp thời để hướng cho một năm mới tràn đầy hứa hẹn. Xuân mới trong niềm vui hân hoan, lắng nghe trọn vẹn lời chúc mừng năm mới của vị nguyên thủ quốc gia sau phút Giao thừa, cả nhà cùng nhau chúc mừng tuổi mới, tặng tiền lì xì, mừng tuổi cho người già và trẻ nhỏ, rồi cùng nhau đi lễ chùa Long Tiên, đón lộc xuân, tận hưởng không khí trong lành trong giờ phút chuyển giao xuân mới.
Sáng mồng Một, tôi dẫn đoàn các thành viên trong tổ dân, cấp uỷ đi chúc Tết các cụ cao niên, gia đình người có công, hộ nghèo và bà con xóm phố. Đây là dịp giao lưu đầu xuân mới, tạo điều kiện cho bà con ngày thêm đoàn kết và xích lại gần nhau hơn. Tình làng, nghĩa xóm nơi khu phố tôi thật đáng trân trọng. Bà con thương yêu, quý mến, quyến luyến bên nhau như người trong một nhà. Gia đình tôi đã được hoà mình trong nhịp sống chung đáng tự hào ấy.
Những mùa xuân trên đất bạn
Hai con trai tôi nối tiếp nhau vào giảng đường trường đại học (ĐH Xây dựng và ĐH Kiến trúc) với kết quả bảo vệ luận án tốt nghiệp khá hài lòng. Cả hai tiếp tục được nhận hai suất học bổng du học toàn phần sau đại học của Sứ quán Pháp.
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, kiến trúc sư với hai tấm bằng loại giỏi, hai anh em được nhận làm việc tại Paris, Cộng hòa Pháp. Sau đó, cả hai xây dựng gia đình. Hai cô con dâu của tôi cũng là người Việt, cùng quê, hiền lành ngoan ngoãn, thương yêu quý mến bố mẹ chồng, đều cùng sang du học và làm việc ở Paris.
Năm 2012, hai vợ chồng tôi sang thăm và ở với các con. Hằng năm cứ mỗi dịp Xuân về, để chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc nơi xứ người, gia đình tôi đi chợ châu Á mua nải chuối, cành đào hoặc cành mai, cây cam, cây quýt hoặc cành nụ tầm xuân về trưng bày theo đúng dáng dấp Tết quê. Chúng tôi cũng mua các loại nguyên liệu làm món ăn đặc trưng của quê hương ngày Tết như gạo nếp, đỗ xanh, mộc nhĩ, nấm hương, hành muối, bánh, mứt v.v..
Trước Tết 5 ngày, gia đình cùng bà con cộng đồng người Việt tổ chức gói bánh chưng, bánh tét tập thể để cho thế hệ trẻ cùng nhau làm quen với không khí Tết. Các cháu cùng chung tay gói bánh theo ông bà, cha mẹ một cách say sưa. Bánh sau khi luộc, ép xong được chia cho các gia đình để chưng lên bàn thờ thắp hương tạ ơn trời đất, tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã phù hộ, độ trì, chở che nuôi nấng, dạy bảo chúng ta nên người hôm nay, đồng thời nhắc nhở thế hệ trẻ sinh ra nơi xứ người luôn nhớ về cội nguồn, duy trì nét đẹp ngày xuân đậm bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam. Món giò lụa, giò chả, giò mỡ ba chỉ, hành tím muối…, vợ chồng tôi đều tự làm lấy và không thể thiếu vắng trong bữa ăn ngày Tết của gia đình nhỏ chúng tôi nơi xa xứ.
Do lệch múi giờ nên chúng tôi đón Giao thừa ở đây rất thuận tiện vào lúc 18h01’, tức là 0h01’ giờ Việt Nam. Sau khi thắp hương cúng Giao thừa xong, cả nhà quây quần bên nhau, nhâm nhi ly rượu hồng, chúc sức khoẻ. Các con tặng lì xì cho người già và cháu nhỏ rồi cùng nhau đi xông nhà bà con dân Việt mình. Cuộc vui đêm Giao thừa kết thúc, ai lại về nhà nấy nghỉ ngơi để sáng ngày mai lại tiếp tục đi làm (ở Pháp không được nghỉ Tết âm lịch).
Hàng năm vào dịp đầu xuân mới, trước ngày rằm tháng Giêng, chúng tôi cùng cộng đồng người Việt tại Paris tổ chức gặp gỡ giao lưu, vui văn nghệ. Các cháu nhỏ tham gia bằng tiếng đàn, hát bằng tiếng Việt đón chào xuân mới.
Chúng tôi dự định năm nay về đón Tết tại quê nhà nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, không có chuyến bay thương mại qua châu Á nên chúng tôi đành phải ở lại Paris ăn Tết. Tôi sẽ cùng bà con tiếp tục duy trì hoạt động vui xuân như thường lệ, để cùng nhau giữ nguyên vẻ đẹp truyền thống Tết quê nhà…
Hoàng Quý (Ghi)
Liên kết website
Ý kiến ()