Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:42 (GMT +7)
Tết ở Hòn Gai xưa…
Thứ 3, 01/02/2022 | 13:30:15 [GMT +7] A A
Vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước, bố tôi và anh cả theo kháng chiến. Tôi cùng các chị ở với mẹ trong ngôi nhà số 8, phố Pari, khu phố Bạch Đằng, TX Hòn Gai (sau ngày cách mạng tiếp quản Vùng mỏ, 25/4/1955, phố đổi tên là Cây Tháp cho tới ngày nay).
“Tết ta” trong ký ức của đứa bé tôi ngày ấy trước hết là từ già đến trẻ phấn chấn bận rộn chuẩn bị đón xuân. Đồ vật gì trong nhà có thể làm mới được là không từ. Nhà tôi có cái giường đệm lò xo; ở hai phía rộng của đệm có khung sắt gắn những quả lắc bằng đồng xinh xắn. Gia đình cũng có chậu đồng và mâm đồng. Các chị tôi lấy cát về đánh mâm, chậu rồi tỉ mỉ dùng giấy ráp cọ từng quả lắc bóng loáng. Đồ thờ cúng của nhà tôi rất đơn giản, nhưng bác tôi - ông Vũ Đình Khánh ở tầng trên thì thôi rồi, cả một ban thờ dễ đến ba mét vuông bày mấy chục đồ thờ cúng gia tiên. Ấn tượng nhất với tôi là bộ Ngũ Sự đỉnh đồng. Lên chơi nhà trên vào một chiều áp Tết, tôi thấy bác và anh con cả đang hì hục đỡ hai cái lư hương, lấy thuốc nước màu xanh đánh rỉ đồng.
Cùng phố Cây Tháp có hiệu kem của ông bà Chín Lìn, người Hoa, nơi chú Năm lùn già mốc đế, chân đi chữ bát lật đà lật đật nhưng bù lại phụ việc hết sức cần mẫn. Chủ nhà trang trí chùm đèn xanh đỏ trên cây đào phai lừng lững giữa nhà rất bắt mắt. Mấy lính tây trắng, tây đen chỉ chỏ cây đào bự ấy xì xà xì xồ với nhau vẻ khoái chí lắm.
Ở đầu phố Cây Tháp có ngôi nhà hai mặt tiền, một mặt hướng ra núi Bài Thơ, một thời là nơi làm việc của Bưu điện tỉnh. Chủ nhân là một bà giáo người Pháp, độc thân. Một tối cuối năm, tôi theo các chị vào thăm bà. Bà giáo ngoại quốc này mang ra giới thiệu với khách lư đỉnh đốt trầm bằng đồng hun. Qua một chị phiên dịch, bà bày tỏ rất thích Tết cổ truyền của Việt Nam. Bà bảo đồ thờ cúng gia tiên của người Việt đặc biệt dịp Tết được đánh rửa chu đáo, sạch sẽ, sáng bóng là thể hiện đạo đức tri ân tổ tiên, các đấng sinh thành. Cái lư hương này bà mang theo từ Pháp sang như một người bạn. Vào dịp Tết tây, Noel, Tết ta hoặc lúc nhớ quê hương, bà lại đem ra đánh bóng, đốt trầm hương. Bà rành rẽ, theo quan niệm của người Việt, hương trầm mang tấm lòng thành, thanh lọc không khí, trừ tà… Ở nhà bà giáo Pháp ra về và cho tới tận bây giờ tôi vẫn nhớ mùi hương trầm thoang thoảng, thanh tao, trang nhã, ấm cúng trong ngày tất niên ấy.
Ẩm thực Tết, ai cũng biết canh nồi bánh chưng là cực kì thích thú. Ngọn lửa bập bùng trong đêm lạnh lao xao bước xuân đang về… Còn hai vị nữa mấy ai chối từ: Bánh tài lòng ệp và chè kho. Để có đĩa chè kho ưng ý, trước hết phải chọn loại đỗ xanh “nây” đều, ăn không lạo xạo. Đỗ xanh sau khi loại vỏ, vàng ươm, cho vào đồ xôi. Bước tiếp theo, bỏ đường trắng, lên bếp, lửa nhỏ, dùng muôi chà xát cho nhuyễn. Chè kho lên đĩa, rắc vừng rang sẵn. Nếu không khéo tay, đĩa chè kho (có thể xắt ra miếng) rất dễ thành bát chè đỗ xanh lõng bõng. Món bánh thứ hai, tài lồng ệp (sau năm 1955 người Hòn Gai còn gọi là bánh mật). Gạo nếp cái hoa vàng xay thành bột; nhào đường đen; đưa vào rế (lót lá chuối khô) thành khuôn; hấp cách thủy. Cuối cùng cũng rắc vừng, lạc rang sẵn hoặc táo tàu.
Ngày Ba mươi Tết, ngoài chuyện quét dọn nhà cửa sạch sẽ tinh tươm thì có hai việc không thể không làm. Thứ nhất, con cháu sum vầy làm cỗ cúng bữa cơm tất niên. Thứ hai là tắm nước nóng lá mùi già. Tối Giao thừa, mẹ tôi gọi các con lại dặn dò lần nữa: “Ba ngày Tết không mắng mỏ, cãi nhau; không đổ rác; có rác thì vun gọn vào góc nhà; làm lụng hết sức cẩn thận, kiêng làm vỡ bát đĩa”.
Sáng mùng một Tết mẹ tôi đưa mấy đôi khuyên tai bằng vàng 24K cho các chị tôi, rồi khoác dây chuyền có gắn hình thánh giá (dù nhà tôi theo đạo Phật) cũng bằng vàng 24K vào cổ tôi; dặn giữ gìn cẩn thận, sau ba ngày Tết lại đưa mẹ cất đi. Ai nấy được xức nước hoa, thơm nức cả gian nhà. Đoạn mẹ mở tủ lấy tiền âu yếm: “Mừng tuổi các con hay ăn chóng lớn, học hành tấn tới!”. Vài phút sau có tiếng chân bước xuống cầu thang. Đã qua nhiều năm nên chúng tôi biết bác Khánh và anh Hạ xuống chúc Tết mẹ con tôi. Anh Hạ lấy ra cả xấp phong bao gấp từ giấy xanh đỏ, vuông vắn bằng bàn tay, mừng tuổi cho năm chị em tôi. Món quà Tết mấy hào dạo ấy là “hên” lắm rồi; đủ cho nửa tháng ăn nộm đu đủ, thịt bò khô dát mỏng như cuộn giấy, lách cách tiếng kéo cắt của vợ chồng ông Sáng người Hoa bên gốc gạo Cây Tháp.
Sau tiết mục lì xì, các chị đi chơi xuân, còn tôi bám đuôi mẹ đi chúc Tết, trước hết là hàng xóm, sau mới đến bà con họ hàng ở xa. Những câu chúc Tết thường là: “Buôn bán phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái!”, “Nhất bản vạn lợi” (một vốn, vạn lời lãi), “Đầu năm sinh con gái, cuối năm sinh con trai”.
Trong ba ngày Tết tôi thích nhất được sang Bãi Cháy và cùng các chị theo mẹ đi vãn cảnh đền Cửa Ông. Ở Bãi Cháy, nhà tôi có hai mối quan hệ thân thiết: Nhà cô Nghiên, chú Lục trước cửa khách sạn Vườn Đào hiện nay và nhà cụ Phán Vĩ bây giờ là nơi điều hành của Công ty Xăng dầu B12. Thú vui được đi thuyền và đặc biệt, những cây đào phai nở rộ làm ta rạo rực, hứng khởi như muốn bay lên vờn quanh khoảng trời hồng hào đào hoa. Còn tới đền Cửa Ông? Ô tô bắt đầu leo dốc Đèo Bụt, tôi lại thấy các bà, các cô nhắm mắt, chắp tay rì rầm khấn vái mong thần linh che chở cho chuyến xe qua dốc an toàn. Sảng khoái nào bằng, trong tiết xuân tràn ngập niềm vui đứng trước đền Cửa Ông phóng tầm mắt nhìn theo cánh hải âu lượn giữa mây trời, đảo tít tắp…
Hòa bình lập lại ở miền Bắc. Lễ lạt, vãn cảnh đền chùa dịp Tết giảm hẳn. Và Hòn Gai cũng không ngoại lệ. Song bù lại, nhiều hoạt động văn hóa được thiết lập. Phố Cây Tháp dựng cây nêu. Ở Phố Mới (nay là phường Trần Hưng Đạo) có khoảnh đất rất rộng, bà con trồng 4 cột mở trò đánh đu. Giữa các gốc gạo quanh Cây Tháp, thanh niên khu phố Bạch Đằng làm sân cờ người, rất đông người tới dự. Gần đấy trên bề mặt một vuông cát diện tích bằng cái chiếu, người ta đặt các hình con cá, tôm, cua làm từ bìa cứng, có đính móc nhỏ; bên cạnh dựng mấy cần câu hình thành trò chơi câu cá rất hấp dẫn, thu hút đông đảo cả trẻ con lẫn người lớn.
Mấy ngày Tết, bọn nhóc chúng tôi đến tiệm xe đạp của ông Mai Văn Cạnh, nhà đối diện với Công ty Xổ số kiến thiết Quảng Ninh bây giờ, thuê xe đạp loăng quăng các phố nội thị.
Sau ngày không quân Mỹ ném bom miền Bắc, người dân Hòn Gai đi sơ tán; tản mát Cột 5, Cột 8, Cao Xanh, Núi Xẻ, Núi Hạm, Khe Hùm, Giáp Khẩu… Ở vùng đất xa lạ, bao gian truân ập đến, song quy luật bù trừ, người Hòn Gai lại rắn rỏi, sáng tạo hơn. Những cậu ấm, cô chiêu ngày nào nay cũng biết trồng rau, dấm bống… Áp Tết, mấy học sinh nam 12, 13 tuổi ở moong nước Cột 8 cũng biết rủ nhau lên rừng đào rễ cây hương bài. Về đến nhà, các cậu phơi khô, giã, rây nhỏ, trộn bã mía; dùng giấy bản cuộn vào que nứa; cắt giấy xanh đỏ cuốn trang trí; bó chục cây một, không khác cây hương bài mua ngoài chợ.
Tối Ba mươi Tết, nhiều người từ nơi sơ tán đạp xe về phố phường nội thị dạo chơi trong đêm phòng thủ dưới ánh đèn nhập nhoạng. Họ như tìm lại những kỷ niệm đường phố bao năm tháng không thể phai mờ. Những cuộc gặp gỡ chóng vánh song đầy xúc động, chúc nhau một các Tết ấm áp, may mắn, hy vọng về một ngày toàn thắng, Bắc Nam sum họp và xây dựng một Hòn Gai ngàn lần tươi đẹp hơn.
Nhà báo Phùng Ngọc Dũng
Liên kết website
Ý kiến ()