Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:49 (GMT +7)
Tết Đoan ngọ có nguồn gốc như thế nào, làm gì trong ngày này?
Thứ 6, 03/06/2022 | 09:29:00 [GMT +7] A A
Tết Đoan ngọ là ngày lễ có ý nghĩa quan trọng, không thể bỏ qua với người Việt. Ngày tết này có ý nghĩa chỉ sau Tết Nguyên đán và được xếp ngang rằm tháng bảy.
Nguồn gốc Tết Đoan ngọ
Theo nội dung trong sách "Phong tục Việt Nam - Đất lề quê thói" của tác giả Nhất Thanh, Tết Đoan ngọ hay còn gọi là Tết Đoan dương diễn ra vào mùng 5 tháng 5 Âm lịch. Đây là ngày Tết có ý nghĩa quan trọng, không thể bỏ qua với người Việt xưa, chỉ sau Tết Nguyên đán và ngang hàng rằm tháng bảy.
Về nguồn gốc của Tết Đoan ngọ, Nhất Thanh lý giải rằng những cụ nho học xưa cho rằng người Việt thấy người Trung Quốc có tục ngày Tết mùng 5 tháng 5 Âm lịch làm lễ kỷ niệm Khuất Nguyên đời Xuân Thu tuẫn tuyết vì trung nghĩa nên bắt chước theo.
Tuy nhiên, không có bằng chứng xác đáng cho nhận định trên vì ngày ấy ở Việt Nam không có một nhà nào cúng hay nói đến Khuất Nguyên. Trái lại, Tết Đoan ngọ đối với người Việt là một lễ tiết quan trọng bậc nhất nhì sau Tết Nguyên đán.
Dân gian kể rằng ngày xưa khi vào đầu tháng 5 âm lịch, dân chúng mới thu hoạch xong vụ lúa Chiêm thì bất ngờ sâu bọ kéo tới phá hoại hoa màu. Đang lúc điêu đứng vì không biết xử lý vấn nạn sâu bọ ra sao thì một ông lão tự xưng là Đôi Truân xuất hiện, giúp bà con nông dân giải cứu vụ mùa.
Ông chỉ cho dân chúng rằng mỗi nhà phải lập 1 bàn cúng gồm bánh tro, trái cây đặt trước cửa nhà minh thì sâu bọ sẽ sợ hãi bỏ chạy. Người dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ đàn lũ té ngã rồi đi mất. Lão ông họ Đôi nói: “Sâu bọ vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng”. Dân làng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất.
Cách thức ăn Tết có lệ biếu quà ông bà cha mẹ, thầy học, nhạc gia không giống bắt chước người Trung Quốc làm lễ kỷ niệm.
Làm gì trong ngày Tết Đoan ngọ?
Sách “Phong tục thờ cúng người Việt” ghi chép, theo quan niệm xưa thì trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hóa thường có sâu bọ, nếu không trừ khử sẽ ngày càng sinh sôi nảy nở, gây nguy hại cho người. Nhưng giết chúng không phải dễ, trong chu kỳ một năm thì ngày 5/5 chúng mới lộ diện nên mới có thể giết chết.
Trong ngày này, người ta giết sâu bọ bằng thức ăn, hoa quả và rượu nếp. Sau khi ngủ dậy, trước hết ăn rượu nếp cho chúng say, sau đó ăn trái câu vào làm cho chúng chết.
Đối với con trẻ, người ta cho trẻ đeo chỉ ngũ sắc và một cục hồng hoàng với những túi nhỏ tết hình quả đào, quả khế, quả ớt,… bằng the lụa màu sắc sặc sỡ.
Trong lễ này, nhiều làng có tục ăn trứng luộc, ăn kê. Người lớn, cả đàn bà uống tí chút rượu hòa tam thần đan hay hồng hoàng, cũng để giết sâu bọ.
Ngày này, nhà nào nhà nấy làm cỗ cúng gia tiên. Vì đang mùa dưa hấu, nhiều nơi cúng bắt buộc phải có dưa hấu với đường cát. Nhiều nơi con cháu lo biếu tết ông bà cha mẹ, học trò biếu tết thầy dạy. Quà biếu tết thường là ngỗng với đậu xanh hay dưa hấu với đường.
Ngoài ra, trong tết Đoan ngọ, nhiều địa phương còn có tục khảo cây lấy quả. Tục khảo cây làm đúng vào giờ Ngọ cùng ngày mùng 5 tháng 5. Một người trèo lên cây đại diện cho cây, một người đứng dưới gốc làm việc tra khảo. Người tra khảo hỏi tại sao cây không có quả, nếu cố tình như vậy sẽ bị chặt hạ. Người trên cây van lạt xin đừng chặt, hứa mùa tới sẽ ra quả. Sau đó người ở dưới hỏi số lượng quả mà cây sinh nở, tùy theo tính chất của cây và ước vọng của người trồng mà người thay cây trả lời nhiều hay ít.
Ở nước láng giềng Trung Quốc ngày Tết Đoan Ngọ người dân sẽ ăn các món ăn như bánh ú, uống rượu hùng hoàng để diệt sâu bọ. Ngoài ra, họ còn dùng rượu hùng hoàng để bôi lên mặt, lòng bàn tay trẻ em hoặc đổ vào các góc tường để diệt trừ vi khuẩn.
Bên cạnh đó, đua thuyền là hoạt động sôi nổi nhất của người dân nước này. Theo tích xưa, khi Khuất Nguyên gieo mình tự vẫn ở sông, người dân đã chèo thuyền ra sông để cứu ông nhưng không thành. Sau này, cứ đến ngày 5/5 âm lịch hàng năm, người dân lại tổ chức đua thuyền để tưởng nhớ đến Khuất Nguyên.
Ngoài ra, Tết Đoan Ngọ còn có hàng loạt hoạt động thể hiện phong tục dân gian. Chẳng hạn, người Trung Quốc thời xưa cho rằng, mồng 5 tháng 5, thời tiết dần dần trở lên nóng bức, là thời kỳ các loại sâu bọ như bò cạp, rắn, rết.... hoạt động thường xuyên, bệnh truyền nhiễm cũng dần dần tăng lên, cho nên vào Tết Đoan Ngọ phải xua đuổi sâu bọ có độc và tà ma, quét dọn nhà cửa sạch sẽ.
Theo giadinhonline.vn
Liên kết website
Ý kiến ()