Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:36 (GMT +7)
Test nhanh COVID-19 vô tội vạ, nhiều người 'viêm màng túi': Chuyên gia cảnh báo
Thứ 6, 04/03/2022 | 17:40:11 [GMT +7] A A
Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) chỉ rõ hệ lụy từ việc lạm dụng test nhanh COVID-19.
Số ca dương tính COVID-19 tại Hà Nội những ngày gần đây liên tục tăng, hôm qua lập đỉnh mới, với 15.114 ca. Để bảo vệ mình, người dân nháo nhào đi mua kit test nhanh.
Mất tiền triệu
Những ngày này anh Nguyễn Phạm Hưng (34 tuổi, Hà Nội) lúc nào cũng trong tâm trạng lo lắng bị F0. Chỉ cần nghe cơ quan xuất hiện F1 là anh lập tức về làm kit test nhanh dù bản thân không có bất kỳ triệu chứng gì. Anh thở phào nhìn thấy "một vạch". Thậm chí hàng ngày anh vẫn xét nghiệm để chắc chắn bản thân không sao.
Anh nói anh lo nhà có con nhỏ và người già, nếu phát hiện sớm thì có thể cách ly ngay, tránh ảnh hưởng người trong gia đình. Thời gian gần đây, sợ COVID-19, sợ lây cho con nên trước khi từ cơ quan về ngày nào anh cũng test nhanh.
Tháng trước, anh Hưng bỏ ra gần 3 triệu để mua kit test về dự phòng cho cả nhà. "Tiền mua kit test bằng 1/3 tháng lương của tôi rồi, nhưng trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, ngày càng nhiều F0, việc test COVID-19 thường xuyên giúp tôi và gia đình yên tâm hơn", anh Hưng nói.
Chị Trần Thu Tâm (36 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, gia đình phải chi khoản tiền lớn để mua kit test dự trữ trong nhà, chủ yếu dùng cho con trai lớp 8. Từ lúc con đi học trở lại, trước khi đến trường và ngay khi con trở về chị đều test kiểm tra, có như vậy chị mới yên tâm.
Không chỉ anh Hùng, chị Tâm mà nhiều người khác ở Hà Nội cũng đang phải "thắt lưng buộc bụng", dành kinh phí cho việc xét nghiệm COVID-19. Đây được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng loạn giá, khan hàng. Tại nhiều nhà thuốc, các loại kit test nhanh COVID-19 xu hướng tăng, dao động từ 80.000 - 120.000 đồng/bộ.
Với các gia đình có F0, số tiền chi cho xét nghiệm còn lớn hơn nữa, như nhà chị Bùi Thị Trang ở Hà Đông, Hà Nội. Với 4 F0, các thành viên vừa trải qua 10 ngày cách ly, điều trị tại nhà. Chị Trang mua tổng cộng 30 bộ kit test, các lần mua có giá khác nhau, hết khoảng 2,8 - 3 triệu đồng. Mỗi thành viên xét nghiệm PCR 2 lần (phát hiện và khỏi bệnh), tổng cộng hết 5,6 triệu đồng cho cả gia đình.
"Số tiền này tương đương 1 tháng lương công nhân của tôi. Mọi tháng gia đình tôi cũng để được vài triệu đồng tiết kiệm, tháng này chẳng những không để được đồng nào mà còn âm, nên tôi phải cắt giảm các khoản chi phí khác như mua quần áo, đồ chơi cho các con", chị Trang nói.
Lãng phí, ảnh hưởng sức khỏe
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), người mắc COVID thường có tâm lý lo sợ không biết bệnh đã giảm chưa, nên họ làm test nhiều lần trong ngày. Họ nghĩ rằng, nếu vạch đậm lên có nghĩa là bệnh đang nặng, ngược lại, vạch mờ là bệnh nhẹ hơn.
“Đây là tư duy hoàn toàn sai vì việc lấy mẫu xét nghiệm có thể đúng hoặc sai kỹ thuật. Nếu lấy sai kỹ thuật có thể nhận kết quả âm tính giả. Vì vậy chỉ khi nào làm PCR người ta tính lượng virus thông qua chỉ số CT của PCR mới chính xác”, BS Phúc nói.
Một số người khi mắc bệnh sợ lây cho những người khác trong gia đình nên thực hiện test liên tục và cho tất cả mọi người. Việc này có thể gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp dẫn tới cơ hội để virus và vi khuẩn xâm nhập. Lâu hơn, tổn thương đường niêm mạc có thể dẫn tới tình trạng viêm xoang mũi, họng và gây hậu quả nghiêm trọng về sau.
Bên cạnh đó, test tràn lan còn ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế của bản thân người test, có người chi cả chục triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng mua test cho gia đình. Test tràn lan như hiện nay có thể dẫn đến khủng khoảng thiếu kit test khi dịch bệnh bùng phát.
BS Phúc phân tích, ngay cả những quốc gia giàu có, nền y tế rất phát triển cũng đang rơi vào khủng hoảng khan hiếm trầm trọng test nhanh COVID khi đối mặt với biến thể Omicron. Từ Mỹ, đến châu Âu, rồi châu Á như Nhật Bản hay Australia dù đã lường trước tình huống và có sự chuẩn bị trước, nhưng họ đều bị thiếu kit test.
Mỹ kêu gọi người dân không xét nghiệm nếu không có triệu chứng. Florida đưa ra “chỉ số tin cậy” xét nghiệm COVID, theo đó chỉ nên test khi kết quả mang lại “giá trị cao”, và ngược lại “giá trị thấp” thì không cần test. Ví dụ, xét nghiệm nhóm người cao tuổi mắc bệnh nền, hoặc những bệnh nhân nằm viện nếu dương tính sẽ thay đổi kết quả chẩn đoán và phác điều trị bệnh, những ca có triệu chứng COVID để áp dụng biện pháp phòng ngừa, thì được gọi là “giá trị cao” và nên test.
Ngược lại, những người khoẻ mạnh không triệu chứng, học sinh và giáo viên trong trường học, công nhân trong nhà máy, nhân viên trong công sở được coi là “giá trị thấp” không cần phải test.
“Theo tôi Việt Nam nên học cách làm của Florida. Nghĩa là, chúng ta chỉ test những người có triệu chứng, hoặc test nhằm mục đích chẩn đoán trong bệnh viện như phân biệt giữa viêm phổi do COVID hay do vi khuẩn, test ở những người nguy cơ mắc COVID chuyển bệnh nặng. Với biến thể Omicron, nếu chúng ta cứ tiếp tục test tràn lan như hiện nay thì không những chúng ta rơi vào tình trạng khủng hoảng khan hiếm kit test, mà còn khủng hoảng trầm trọng nguồn nhân lực lao động".
Việc xét nghiệm tràn lan như hiện nay còn tạo cơ hội để một số kẻ bất lương kinh doanh trên những nỗi đau của người khác. Thời gian qua, có người tích lũy kit test xét nghiệm và đem bán, hai ngày họ thu lãi 300 triệu đồng. Khi lợi nhuận trở thành siêu lợi nhuận như vậy, người ta sẽ bất chấp tất cả mọi thứ để trục lợi. Khi đó, chúng ta sẽ đối diện nguy cơ kit test được làm giả, không đảm bảo chất lượng dẫn tới các chẩn đoán sai lệch.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()