Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:43 (GMT +7)
Tế bào gốc từ người chưa được cấp phép cho các cơ sở làm đẹp, y tế tư nhân
Thứ 5, 04/01/2024 | 10:36:21 [GMT +7] A A
Sử dụng tế bào gốc từ người trong điều trị bệnh mãn tính (tiểu đường, xơ gan, mỡ máu...) và làm đẹp hiện chưa được cấp phép rộng rãi tại nước ta. Tuy nhiên, để thu hút khách hàng chi tiền, nhiều cơ sở khám chữa bệnh và làm đẹp vẫn đang lợi dụng công nghệ tế bào gốc từ người để quảng cáo, kinh doanh trục lợi.
Dịch vụ chưa được cấp phép
Như đã nêu trong tuyến bài về "Phòng khám mồi khách chữa bách bệnh bằng tiêm truyền tế bào gốc từ người" và "Kì lạ dịch vụ sản xuất tế bào gốc người thành chất làm đầy của TMV Thiên Hà", có thể thấy việc sử dụng tế bào gốc từ người đang được quảng cáo và sử dụng để điều trị bệnh và làm đẹp cho khách hàng.
Theo TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), tại Việt Nam, ứng dụng các liệu pháp tế bào trong điều trị còn mang tính tự phát, nhiều cơ sở y tế ứng dụng không đúng quy định. Đặc biệt, nhiều quảng cáo không được kiểm chứng khoa học, có thể gây hậu quả cho người hoặc hiệu quả không rõ ràng gây tốn kém.
"Trị liệu tế bào là phương pháp mới, kỹ thuật mới. Trước khi triển khai nghiên cứu cần được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thẩm định, đánh giá, chấp thuận. Quá trình nghiên cứu phải có đánh giá về an toàn, hiệu quả.
Hiện Bộ Y tế không cấp phép cho các loại sản phẩm mỹ phẩm được chế xuất từ tế bào cơ thể người. Tế bào gốc người là tế bào có khả năng tự đổi mới, tự biệt hóa thành các tế bào có thể đảm nhiệm các chức năng khác nhau trong cơ thể, chỉ được Bộ Y tế cấp phép trong điều trị bệnh như ung thư, bại não, liệt tủy, xương - khớp..., chưa được cấp phép trong làm đẹp" - TS Nguyễn Ngô Quang thông tin.
Theo Công văn số 4555/QLD-MP ngày 12.03.2015 về việc tăng cường quản lý mỹ phẩm ngày 12.3.2015 của Cục quản lý Dược gửi các Sở Y tế trên toàn quốc, “Cục Quản lý Dược không cấp số tiếp nhận Phiếu công bố cho bất kỳ sản phẩm mỹ phẩm nào có chứa nhau thai và tế bào gốc có nguồn gốc từ con người”. Theo công văn trên các phòng khám tư nhân, cơ sở thẩm mỹ... không được nhập, kinh doanh sản phẩm có chứa tế bào gốc có nguồn gốc từ người.
Lo ngại về cái được gọi là tế bào gốc tự thân
Theo mô tả của thẩm mỹ viện Thiên Hà, phương pháp điều chế tế bào gốc tại đây để làm đẹp cho khách sẽ là hút máu trực tiếp để điều chế tế bào gốc. Khách chỉ phải chờ 45 phút để thẩm mỹ viện tách chiết, trộn tế bào gốc đã chiết xuất ra từ máu cùng dịch nuôi tế bào và tiêm vào những nơi có khuyết điểm trên khuôn mặt để làm đầy. Cải thiện tình trạng lõm hóp, lão hoá, chảy xệ…
"Thiên Hà sẽ dùng tế bào gốc tự thân, lấy trực tiếp từ máu của chị đưa lên phòng thí nghiệm tách ra lấy huyết tương và tế bào gốc rồi dẫn trở lại qua mũi kim để làm đầy" - người giới thiệu là bác sĩ của thẩm mỹ viện Thiên Hà cho biết.
Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch Hội Y học tái tạo và trị liệu tế bào Việt Nam, đây là cách tạo ra huyết tương giàu tiểu cầu, không phải tế bào gốc: "Huyết tương giàu tiểu cầu hoàn toàn không phải là tế bào gốc. Tế bào gốc cần được tách chiết, nuôi cấy bảo quản trong các điều kiện đặc biệt. Điều này chỉ có thể thực hiện tại các phòng thí nghiệm có hệ thống máy móc hiện đại và đội ngũ cán bộ khoa học được đào tạo bài bản.
Tế bào gốc chỉ có thể tồn tại được trong một thời gian ngắn, các chất tiết từ tế bào gốc cũng vậy. Tôi không tin một số sản phẩm bán trên thị trường là tế bào gốc hoặc chất tiết từ tế bào gốc bởi vì chúng không thể tồn tại lâu trong điều kiện bình thường".
Là một bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực tế bào gốc, có nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực này có ứng dụng đi vào đời sống tại nhiều quốc gia trên thế giới, GS.TS Phan Toàn Thắng - hiện là Giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore cũng có ý kiến tương đồng:
"Đây là công nghệ y học tái tạo đúng hơn là tế bào gốc. Tế bào gốc là một ứng dụng trong y học trong công nghệ tái tạo, nghĩa là họ lấy huyết tương giàu tiểu cầu. Tiểu cầu có chức năng bịt lỗ thủng trên mạch máu. Khi mình bị cắt, thủng, chấn thương trên da thì tiểu cầu sẽ đến bịt lỗ thủng mạch máu đó.
Tiểu cầu kích hoạt tạo ra nhiều yếu tố tăng trưởng. Có thể lấy máu của bệnh nhân rồi tách huyết tương, dùng huyết tương giàu tiểu cầu chiết ra dùng cho tái tạo. Nhược điểm của phương pháp này là cần có kỹ thuật cao, số lượng tiểu cầu hạn chế, người cao tuổi chất lượng tiểu cầu kém", Giáo sư Thắng cho hay.
Tránh lạm dụng tế bào gốc để trục lợi
Hiện nay, nghiên cứu về tế bào gốc ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu và còn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ cả nước chưa có một cơ sở nghiên cứu tế bào gốc từ động vật nào đạt chuẩn quốc tế.
"Việc ứng dụng tế bào gốc vào điều trị hiện nay chưa được cấp phép rộng rãi và khiến nhiều cơ quan quản lý còn ngần ngại. Những tranh cãi hiện nay chủ yếu là trong lĩnh vực ghép tế bào gốc cho các bệnh nan y nhưng không thuộc nhóm bệnh ác tính. Với các bệnh này do các nghiên cứu chủ yếu là các thử nghiệm lâm sàng pha I. Các nghiên cứu có nhóm chứng với số lượng lớn chưa nhiều do chi phí đắt đỏ.
Mặc dù cần khuyến khích phát triển mạnh mẽ hơn nữa các nghiên cứu về tế bào gốc nhưng chúng ta cũng cần kiểm soát chặt chẽ và tránh lạm dụng. Nhiều bệnh nhân của Việt Nam đã đến các phòng khám ở nước ngoài để được điều trị bằng tế bào gốc. Việc này không chỉ tốn kém mà còn nguy hiểm vì không thể kiểm tra được nguồn gốc và chất lượng của tế bào gốc và nhất là khi có các biến chứng không may xảy ra", GS.TS Phan Toàn Thắng nêu ý kiến.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()