Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 14:28 (GMT +7)
Tẩy xóa biển báo giao thông: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Thứ 4, 05/10/2022 | 09:48:44 [GMT +7] A A
Một số biển báo giao thông cấm ô tô đi qua lại một số tuyến đường tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) bị xịt sơn đen, khiến nó mất tác dụng.
Những ngày gần đây, nhiều người đi trên đường 24 đoạn cầu Rạch Lùng (nối phường Linh Đông và phường Tam Bình, TP.Thủ Đức) bất ngờ khi chứng kiến cảnh xe ô tô vô tư qua lại cầu Rạch Lùng.
Hiện nay, hai bên đầu cầu Rạch Lùng vẫn còn khung rào chắn, gắn biển cấm xe ô tô. Thế nhưng, biển cấm xe ô tô đã bị ai đó bôi xịt sơn đen để xoá. Thế là ô tô vô tư đi qua lại trên cây cầu này.
Cầu Rạch Lùng có bề ngang nhỏ hẹp, hằng ngày có nhiều lượt ôtô đi qua khiến người đi xe máy phải xếp hành chờ qua cầu. Ngay sát chân cầu phía phường Tam Bình là một bãi giữ xe ô tô tư nhân, rất nhiều lượt ô tô ra vào hàng ngày.
Tại ngã ba đường 22 và Tăng Nhơn Phú (phường Phước Long B, TP.Thủ Đức) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đây là khu vực đông dân cư và đông người qua lại bởi nằm sát ngay bên Trường CĐ Công thương và Tổng Công ty CP Phong Phú.
Tại ngã ba này, phía bên đường 22 có gắn biển cấm xe ô tô tải rẽ trái trong khung giờ 6h - 8h30 và 16h - 20h30, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tránh tình trạng ùn ứ trong giờ cao điểm.
Thế nhưng, biển cấm trên cũng bị “ai đó” xịt sơn đen. Chính vì thế mà nhiều ô tô tải vẫn vô tư rẽ trái tại ngã ba này.
Nhìn nhận về vấn đề các biển báo giao thông bị tẩy xóa, xịt sơn đen làm mất tác dụng của biển báo, luật sư Đỗ Duy Khang, Đoàn luật sư TP.HCM, nhận định đó là hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản Nhà nước.
Hành vi trên nhằm làm che bớt nội dung, gây ảnh hưởng công trình công cộng, mất mỹ quan đường phố, gây nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia giao thông.
Luật sư Khang phân tích, đối với hành vi phá hủy biển báo giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Mức phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi trên (theo quy định tại điểm b Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 17 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Ngoài ra, hành vi trên có thể xem xét trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Để cấu thành tội hủy hoại tài sản, thì thiệt hại phải được xác định giá trị tài sản hư hỏng từ 2.000.000 đồng trở lên. Bên bị thiệt hại là Nhà nước.
Cũng theo luật sư Khang, trong trường hợp biển báo bị tô xóa, gây lầm tưởng cho tài xế đi sai biển báo giao thông, xảy ra tai nạn giao thông, thì người thực hiện hành vi bôi, xóa biển báo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 261 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017).
Theo baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()