Các chuyên gia trên tàu nghiên cứu RV Kaimei thả máy khoan lấy lõi trầm tích xuống sâu hơn 8 km ngoài khơi Nhật Bản để thu thập mẫu vật, thiết lập kỷ lục mới về độ sâu của lỗ khoan khoa học dưới biển, BBC hôm 19/5 đưa tin. Thiết bị mất tới 2 tiếng 40 phút để xuống tới vị trí ở đáy biển.
Chuyến thám hiểm mang tên Exp386, được thực hiện bởi Tổ chức Khoan Nghiên cứu Đại dương châu Âu (ECORD), thuộc Chương trình Khám phá Đại dương Quốc tế (IODP), do Cơ quan Công nghệ và Khoa học Biển - Trái Đất Nhật Bản (JAMSTEC) tài trợ. Hoạt động lấy mẫu diễn ra ngày 14/5 với độ sâu chính xác là 8.023 m.
Exp386 nằm trong dự án nghiên cứu lịch sử những trận động đất lớn. Địa điểm được chọn là rãnh Nhật Bản, rãnh đại dương nằm ở vùng biển phía đông bắc nước này. Vị trí lấy mẫu rất gần tâm của thảm họa động đất Tohoku mạnh 9,1 độ năm 2011. Trận động đất cũng gây ra một đợt sóng thần mạnh phá hủy hàng loạt nhà cửa ở vùng ven biển phía đông Nhật Bản và nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Các nhà nghiên cứu hy vọng lõi trầm tích dài 37 m mà tàu Kaimei thu thập sẽ lưu giữ thông tin về những trận động đất cổ xưa hơn, xảy ra trước khi giới khoa học có thể ghi chép lại.
"Chúng tôi thực sự ghi nhận những nỗ lực to lớn của thuyền trưởng và thủy thủ đoàn nhằm thực hiện an toàn việc lấy lõi trầm tích dưới đáy biển sâu đầy thách thức như vậy. Chúng tôi rất trông đợi vào các phân tích khoa học đang được tiến hành với số mẫu vật đến từ nơi sâu nhất này", Michael Strasser, đồng trưởng nhóm thám hiểm, giáo sư tại Đại học Innsbruck, chia sẻ.
Kỷ lục khoan sâu nhất dưới biển trước đó do tàu nghiên cứu Glomar Challenger thiết lập. Nó đã lấy mẫu trầm tích ở độ sâu 7 km dưới rãnh Mariana vào năm 1978. Trong khi đó, kỷ lục trên cạn là lỗ khoan siêu sâu Kola nổi tiếng ở miền bắc nước Nga, với độ sâu thẳng đứng là 12.262 m. Kỷ lục này được thiết lập năm 1989.
Ý kiến ()