Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:16 (GMT +7)
Tất bật làng nghề làm miến dong vụ Tết
Thứ 4, 20/01/2021 | 08:29:40 [GMT +7] A A
Thời điểm này còn gần 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các hộ gia đình làm miến dong tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đang tất bật sản xuất để kịp đơn hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Đổ tinh bột đã được nấu chín vào khuôn tạo miến. |
Bước chân vào xã Bình Lư, đâu đâu cũng thấy miến, miến được phơi trên khắp các vườn nhà, mái nhà, trong sân, ngoài ngõ ở mỗi gia đình. Hộ gia đình nào cũng tất bật, nhộn nhịp làm miến để phơi tranh thủ lúc trời nắng.
Người dân Bình Lư làm miến quanh năm nhưng tập trung nhất vào khoảng 3 tháng cuối năm. Ngày thường xã có khoảng 30 hộ gia đình duy trì làm miến liên tục, nhưng đến những tháng cuối năm, có hơn 80 hộ gia đình tham gia sản xuất miến. Thời điểm này đang vào vụ nhộn nhịp nhất, làng miến phải chạy hết công suất để có sản phẩm giao cho các thương lái.
Gia đình chị Bùi Thị Hồng Thu, bản Thống Nhất, xã Bình Lư là một trong những hộ có nhiều năm gắn bó lâu với nghề sản xuất miến dong của xã. Những ngày cuối năm gia đình chị phải thuê thêm hai lao động để kịp sản xuất miến phục vụ các đơn hàng.
Chị Thu chia sẻ, hiện gia đình chị có 240 phên phơi miến, ngày thường hai vợ chồng chị làm từ 2 - 3 mẻ miến, mỗi mẻ gồm 6 thùng bột với 72 kg bột và thu được 70 - 80 kg miến khô. Nhưng vào những tháng giáp Tết, mỗi ngày làm 150 - 200 kg miến khô. Mặc dù làm ngày, làm đêm nhưng miến ra đến đâu là hết đến đó. Thời điểm hiện tại, chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, đơn hàng ngày càng nhiều, nhưng sợ không làm kịp nên gia đình chị không dám nhận thêm.
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Ánh, ở bản Km2, xã Bình Lư vài chục năm qua, đều đặn mỗi ngày, vợ chồng ông Ánh vẫn cần mẫn thức khuya dậy sớm để làm ra những sợi miến dong dai, dẻo thơm. Dịp cuối năm, mọi quỹ thời gian đều được gia đình dồn vào việc làm miến để kịp hàng phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết.
Phơi miến dong tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường (Lai Châu). |
Ông Ánh cho biết, nghề miến được vợ chồng ông làm quanh năm, vào dịp cuối năm bận rộn hơn do nhu cầu sử dụng của người dân cao. Gia đình ông hiện có 300 phên, mỗi ngày hai vợ chồng ông Ánh làm được 90 kg miến khô. Thị trường miến năm nay rất ổn định, giá miến rơi vào khoảng 50.000-60.000 đồng/kg, đầu ra cũng không phải lo vì thương lái ở các tỉnh miền xuôi đặt hàng liên tục. Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó, có lúc không kịp làm cho các đơn hàng. Năm nay, thu nhập từ nghề làm miến dong của gia đình khoảng gần 200 triệu đồng.
Theo lời kể của người cao tuổi trong làng, nghề sản xuất miến được du nhập vào xã Bình Lư từ những năm 1970. Khi ấy, người dân nơi đây làm miến dong chỉ đơn giản là để ăn và nhớ về bát miến quê hương bởi hầu hết họ là người Thái Bình di cư lên xây dựng vùng kinh tế mới.
Từ năm 2000 trở lại đây, khi giao thương hàng hóa phát triển, sản phẩm miến dong Bình Lư không chỉ có mặt ở thị trường địa phương, mà còn được các thương lái vận chuyển đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước và trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh Lai Châu.
Quy trình làm miến dong ở Bình Lư hoàn toàn bằng dong riềng nguyên chất, không pha trộn các loại bột khác và không sử dụng hóa chất để tẩy trắng. Miến ra khuôn được phơi nắng trên các giàn tre để không bị giòn, gãy. Sợi miến nhỏ có màu trong hơi xám, khi nấu sợi dẻo, mềm, dai, không nát, có vị thơm ngon của dong riềng.
Để làm thành một sợi miến khô phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu trồng dong riềng đến thu hoạch củ, đem đi xay bột... Sau đó, lọc bột loại bỏ tạp chất, làm chín bột và cho vào khuôn cắt thành từng sợi mới mang đi phơi khô. Tất cả những công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, khéo léo của đôi bàn tay người nông dân Bình Lư.
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, người dân xã Bình Lư sáng tạo ra miến dong đậu xanh, đậu đen. Sản phẩm miến mới này đang được khách hàng cả nước ưa chuộng, bởi khi nấu chín sợi miến mềm hơn và có mùi thơm của đỗ, khác với loại miến thông thường trước đó.
Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UNBD xã Bình Lư cho biết, ăm 2014, xã Bình Lư được UBND tỉnh Lai Châu cấp bằng công nhận hai làng nghề sản xuất miến dong, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân. Toàn xã hiện có 35 ha dong riềng, khoảng 125 hộ gia đình trồng và gần 80 hộ gia đình chuyên sản xuất miến. Mỗi năm, xã bán ra thị trường khoảng 170 tấn miến, thu về khoảng hơn 7 tỷ đồng. Nhờ đó, thu nhập của người dân trong xã ổn định, chất lượng cuộc sống ngày càng cải thiện.
Đặc biệt, xã đã thành lập được Hợp tác xã dịch vụ thương mại sản xuất miến dong và đưa hệ thống máy móc, công nghệ mới vào sản xuất. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm miến dong Bình Lư ngày được nâng cao, năng suất tăng gấp đôi so với làm thủ công; mẫu mã sản phẩm ngày càng đẹp về hình thức.
“Thời gian tới, xã Bình Lư tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi một số diện tích trồng lúa năng xuất thấp sang trồng dong để đảm bảo nguồn nguyên liệu; phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy trình cấp mã vạch cho sản phẩm; chỉ đạo nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, cam kết sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm”, ông Thắng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tam Đường cho hay, sản phẩm miến dong Bình Lư vừa được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là một trong 47 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh và đạt 3 sao. Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện xây dựng nhãn hiệu sản phẩm miến dong Bình Lư. Đồng thời, tăng cường quảng bá sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng, để người dân cả nước biết đến và tin dùng.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()