Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:42 (GMT +7)
Tập trung xây dựng đời sống văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển
Chủ nhật, 31/01/2021 | 14:50:29 [GMT +7] A A
Đây là chia sẻ của nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp với Báo Điện tử Chính phủ về kỳ vọng và “hiến kế” của cá nhân ông cũng như đông đảo người dân đối với những quyết sách lớn lao mà Đại hội Đảng lần thứ XIII mang lại.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp |
Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn HợpNguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh đến hào khí của dân tộc sau Đại hội VI của Đảng - Đại hội của Đổi mới toàn diện đất nước. “Tất cả những gì Việt Nam có được trong 35 năm qua đều bắt nguồn từ thời điểm vinh quang đó”, ông Lê Doãn Hợp bày tỏ.
Chúng ta phải khẳng định những thành tựu tiêu biểu của Đảng ta, nhân dân ta trong công cuộc Đổi mới, nhưng để đất nước đổi mới mạnh mẽ hơn nữa với khát vọng “Vì một Việt Nam hùng cường”, ông Lê Doãn Hợp nêu một số giải pháp đột phá.
Đó là, ứng dụng các thành quả của khoa học công nghệ vào quản lý toàn diện đất nước. Với các lĩnh vực trọng tâm như tài nguyên, dân cư, thu chi ngân sách, thanh toán không dùng tiền mặt... để đưa công tác quản trị quốc gia sang một thời kỳ công khai, minh bạch, chặt chẽ, giảm hẳn tiêu cực. Theo ông, con người chỉ tự giác đến mức cao nhất khi hội đủ 3 điều kiện: Luật pháp đồng bộ, đạo đức công vụ được nâng cấp và công cụ kỹ thuật hỗ trợ và giám sát trong quản lý. Đây là thành quả văn minh của cuộc cách mạng lần thứ 4 mang lại cho chúng ta và nhân loại.
Tập trung cao cho công cuộc xây dựng đời sống văn hóa làm nền tảng cho mọi sự phát triển với 3 trụ cột cơ bản nhất là: Văn hóa gia đình (nền tảng xã hội), văn hóa doanh nghiệp (nền tảng kinh tế), văn hóa công sở và đạo đức công vụ (nền tảng chính trị). Khi nào làm tốt 3 trụ cột văn hóa này thì đất nước sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn.
Đảng đã mạnh dạn và có bước đi hợp lý để chuyển từ cơ chế Đảng cử sang cơ chế Đảng lãnh đạo thi cử (với công chức) và tranh cử (cán bộ lãnh đạo), cung cấp đủ thông tin công khai, minh bạch, kịp thời cho cán bộ Đảng viên và nhân dân bầu cử, để chọn đúng nhân tài phụng sự nhân dân và đất nước tốt hơn.
Chuyển dần chức năng quản lý sang chức năng phục vụ với quan điểm thông suốt: Cái gì Nhà nước không cấm thì để cho nhân dân tự quyết, tự chọn, tự làm. Nhà nước chỉ quản lý những cái mà luật pháp cho phép để cho doanh nghiệp và nhân dân mạnh dạn làm ăn, tạo việc làm và doanh thu để có nguồn nộp thuế cho Nhà nước. Nếu làm sai thì xử nghiêm theo pháp luật hiện hành, chấm dứt tình trạng phải xin-cho vẫn đang còn tồn tại hiện nay.
“Chúng ta mạnh dạn đổi mới tư duy đã trở thành thói quen lâu nay là cứ tự mình so với chính mình, so mình ngày hôm nay với ngày hôm qua, thấy tiến lên một chút, khá lên một chút là tự vui, tự hào sang tư duy tự tin và dũng cảm so mình với thế giới xem mình đang đứng ở đâu và cần phải làm gì để không thua bạn bè thế giới”, ông Lê Doãn Hợp bày tỏ.
Có được những thành tựu trên, theo nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, tư duy đổi mới của Đảng ta đã tôn trọng các thành phần kinh tế cùng tồn tại, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh và phát triển, để đất nước ta có các thành phần kinh tế phát triển sôi động như hiện nay, nhất là kinh tế tư nhân, lực lượng quan trọng trong chấn hưng đất nước và hội nhập quốc tế. Có thể nhìn thấy rất rõ những sản phẩm, mô hình, thương hiệu, công trình tiêu biểu của đất nước nổi lên trong gần 35 năm qua phần lớn là do kinh tế tư nhân, kinh tế liên doanh với nước ngoài tạo dựng nên.
Đồng thời, Đảng nhất quán chủ trương gác lại quá khứ để tuyên bố rằng: Đồng bào ta ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Điều này đã mở đường cho hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có rất nhiều nhà khoa học, người yêu nước có đức, có tài tự tin trở về đất nước thăm thân, đầu tư làm giàu cho Tổ quốc mình cả vật chất, trí tuệ, kinh nghiệm, nguồn lực tài chính giúp quê hương, đất nước phát triển nhanh hơn; hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh các thành tựu về kinh tế và văn hóa, Đảng ta rất coi trọng và quan tâm đến các chính sách xã hội như: Thi đua làm giàu chính đáng gắn với xóa đói giảm nghèo, chăm lo người có công, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, từ thiện, nhân đạo, làm cho đạo đức và tình người xích lại gần nhau. Nhờ vậy, dù Việt Nam là một nước chưa có nguồn ngân sách dồi dào nhưng chúng ta luôn quan tâm đặc biệt đến công tác an sinh xã hội, bảo đảm cho các đối tượng chính sách có sự hỗ trợ thiết thực của Nhà nước và cộng đồng trên tinh thần không để đồng bào của mình bị “đói cơm, nhạt muối”, “không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển đất nước”, cố gắng chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống tại địa phương…
Theo ông Lê Doãn Hợp, các chính sách xã hội hóa đã thúc đẩy mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư của nhân dân và doanh nghiệp trong nước, tạo sự chuyển động tích cực trên nhiều lĩnh vực lớn như: Phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, thông tin, cảng, sân bay, hàng không dân dụng Việt Nam, các khu công nghiệp công nghệ cao, các ngành kinh tế mũi nhọn như: Nông nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ tiên tiến, các khách sạn, nhà hàng, các khu du lịch sinh thái, các công trình văn hóa du lịch thể thao, tâm linh, từ thiện, các khu di tích lịch sử; nhiều sản phẩm có thương hiệu mạnh làm chủ trong nước, vươn ra quốc tế như: Viễn thông, công nghiệp phần mềm, ô tô Vinfast, sữa TH True Milk, Vinamilk, Café Trung Nguyên...
Theo baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()