Kỳ họp thứ 4 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIV đã chính thức khai mạc vào sáng 30/9. Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự kỳ họp đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuê, nghiên cứu, thẳng thắn, dân chủ thảo luận và quyết nghị thông qua các nghị quyết có tính khả thi cao. Trung tâm Truyền thông tỉnh trân trọng đăng toàn văn phát biểu khai mạc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hôm nay, HĐND tỉnh long trọng tổ chức Kỳ họp thứ 4 (kỳ họp chuyên đề) để thảo luận và quyết định một số nội dung quan trọng theo thẩm quyền nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch KT-XH 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021. Thay mặt Thường trực HĐND tỉnh - Chủ tọa kỳ họp, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các vị đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, các đại biểu khách mời cùng cử tri, nhân dân trong tỉnh lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Chúng ta đã đi qua 9 tháng đầu năm 2021, bên cạnh những thuận lợi từ giữ được địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển”, đà tăng trưởng 2 con số, kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện thành công “mục tiêu kép” của năm 2020, song tỉnh Quảng Ninh phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức mới, đặc biệt là đại dịch COVID-19 với những biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng rất nặng nề tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ - ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trước tình hình đó, bằng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, tự lực, tự cường, “Kỷ luật và Đồng tâm” của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; chúng ta đã nghiêm túc quán triệt, quyết liệt triển khai thực hiện linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; kiên trì thực hiện phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, đặt mục tiêu cao nhất chăm lo, bảo vệ sức khỏe Nhân dân lên trên, lên trước, xuyên suốt gắn với ổn định kinh tế - xã hội, phục hồi các ngành sản xuất, giữ đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới, từng bước chuẩn bị chiến lược “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả” để giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó, nhanh chóng khắc phục hậu quả, bảo vệ và phát triển sản xuất, đời sống.
Trước làn sóng dịch lần thứ 4 rất khốc liệt, đến nay, tỉnh vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình, đã hơn 90 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng, giữ vững vùng “xanh” an toàn, giữ được địa bàn “Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới” với rất nhiều sự hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu và nhiều tình nguyện viên. Tỉnh đã tập trung triển khai thần tốc có hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên diện rộng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay; là một trong số ít các địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành tiêm chủng mũi 1, đảm bảo tuyệt đối an toàn, hiệu quả, nhanh chóng; phấn đấu cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 cho người dân có chỉ định tiêm trong tháng 10/2021.
Đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng của tỉnh ước tăng 8,6% (cao hơn nhiều lần so với trung bình cả nước) trong điều kiện ngành than, dịch vụ, du lịch vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn; thu ngân sách nhà nước ước đạt 34.377 tỷ đồng, bằng 67% dự toán, trong đó thu nội địa ước đạt 27.277 tỷ đồng, bằng 70% dự toán, tăng 4% so với cùng kỳ, tăng 2,5% so với kịch bản; tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 63.839 tỷ đồng, tăng 7,8% cùng kỳ; thu hút FDI thế hệ mới có bước đột phá, đạt 1,067 tỷ USD, tăng 2,67 lần so với cùng kỳ. Đời sống của các tầng lớp Nhân dân được bảo đảm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được chăm lo; tỉnh đã dành nguồn lực lớn để triển khai Đề án phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông hệ công lập và ngoài công lập theo mức thu học phí công lập.
Bên cạnh những kết quả đó rất đáng trân trọng, tại kỳ họp này với tinh thần khiêm tốn, cầu thị, thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta nhận rõ vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần đặc biệt quan tâm, khẩn trương khắc phục, nhằm đạt mục tiêu cao nhất trong phát triển KT-XH năm 2021.
Một là, tỷ lệ giải ngân đầu tư công chưa đạt tiến độ đề ra, phần nào đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội. Công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng của của các chủ đầu tư, các địa phương còn chậm. Kỷ luật, kỷ cương trong công tác đầu tư công, tài chính ngân sách có mặt chưa nghiêm.
Hai là, công tác quản lý nhà nước về đất đai bên cạnh những kết quả đạt được rất cơ bản, nhưng qua kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng cho thấy ở cấp xã, cấp huyện một số nơi chưa được chú trọng toàn diện, bộc lộ những bất cập, hạn chế, yếu kém; công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách bị chững lại, không dứt điểm, để phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo…
Ba là, để giữ được địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới” và hoàn thành “mục tiêu kép” của năm 2021, quý IV năm nay là giai đoạn quan trọng có ý nghĩa quyết định, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động mạnh mẽ, tiêu cực mà chúng ta chưa thể biết hết; trong khi khối lượng công việc, nhất là giải ngân vốn đầu tư công phải giải ngân trong quý 4 – đây vẫn là những thách thức, trong khi khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu ở một số nơi.
Những hạn chế nêu trên bên cạnh nguyên nhân khách quan do thời tiết không thuận lợi, mưa kéo dài, tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, nguyên nhân chủ quan chúng ta vẫn nhắc tới, đó là: Một số sở, ban, ngành, địa phương, nhất là một số đồng chí lãnh đạo, cán bộ chuyên môn chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt đôn đốc, kiểm tra, tổ chức thực hiện; phối hợp xử lý công việc có lúc còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả.
Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ, hiệu quả giải ngân gắn liền với bảo đảm chất lượng công trình được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy xác định là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, là một trong những trụ cột thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm việc làm thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động, bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP 2 con số trong năm nay. Thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ, Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận số 298-KL/TU ngày 15/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước của các sở, ban, ngành, địa phương và các dự án chậm giải ngân sang các chủ đầu tư, dự án có khả năng giải ngân và hoàn thành trong năm 2021; ưu tiên phân bổ nguồn lực đầu tư cho các nhiệm vụ, dự án thực sự cấp thiết theo Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, quyết nghị về việc: điều chỉnh, phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách tỉnh năm 2021; điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án có sử dụng vốn ngân sách; thông qua danh mục các dự án khởi công mới năm 2022.
Đồng thời, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, thông qua điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm điều chỉnh, bổ sung các giải pháp quyết liệt trong bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường; thực hiện lộ trình đóng cửa, không gia hạn đối với các mỏ đá nằm dọc các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, khu vực cảnh quan trên đất liền ven vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vịnh Cửa Lục và các địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh là Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn vì sự phát triển bền vững của tỉnh, vì chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Cùng với đó, HĐND tỉnh sẽ xem xét thảo luận, quyết nghị một số vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền.
Chủ tọa Kỳ họp trân trọng đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự kỳ họp đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, nghiên cứu, thẳng thắn, dân chủ thảo luận và quyết nghị thông qua các nghị quyết có tính khả thi cao.
Với tinh thần đó, thay mặt Chủ tọa kỳ họp, tôi xin tuyên bố khai mạc Kỳ họp thứ 4 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ý kiến ()