Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 18:05 (GMT +7)
Phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm
Thứ 5, 21/12/2023 | 14:38:59 [GMT +7] A A
Dự báo của cơ quan chuyên môn, thời gian tới có khả năng xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại kéo dài kết hợp với độ ẩm không khí cao làm cơ thể vật nuôi tốn nhiều năng lượng để chống rét, giảm sức đề kháng của cơ thể vật nuôi; nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như: Tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, bệnh đường hô hấp... có điều kiện bùng phát. Do vậy, các địa phương và người nuôi cần đẩy mạnh các biện pháp để chủ động bảo vệ đàn vật nuôi, chú trọng tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, năm 2023 hoạt động sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhìn chung thuận lợi, tuy vẫn phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục… Đa số các ổ dịch phát sinh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư, không kiểm soát được an toàn sinh học; các ổ dịch được kiểm soát tốt, được khống chế kịp thời, không lây lan rộng. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có tổng đàn gia súc, gia cầm, gồm: Đàn trâu 25.462 con (tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2022), đàn bò 29.345 con (tăng 4,4% so với cùng kỳ), đàn lợn 296.283 con (tăng 8,5% so với cùng kỳ), đàn gia cầm đạt trên 5,4 triệu con (tăng 12,9% so với cùng kỳ). Thời điểm giao mùa từ thu sang đông, nhất là trong vụ đông xuân, thời tiết diễn biến phức tạp kết hợp với mưa phùn gió bấc, nhiệt độ xuống thấp sẽ làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi,
Nếu công tác phòng chống rét không đảm bảo, đàn gia súc bị nhiễm lạnh sẽ dễ mắc các bệnh như tiêu chảy, lở mồm long móng... Đối với đàn gia cầm, không khí lạnh và khô hanh là môi trường thuận lợi để dịch cúm gia cầm H5N1, tụ huyết trùng bùng phát... Với mục tiêu “phòng bệnh là chính”, ngành Nông nghiệp chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng dịch. Ngay từ tháng 9, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) đã tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng chống dịch bệnh vụ đông xuân cho đàn vật nuôi tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố.
Đặc biệt, công tác tiêm phòng vắc-xin được đẩy mạnh để phòng dịch từ sớm cho đàn vật nuôi. Theo quy định phân cấp của tỉnh, các địa phương đã triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nuôi tại địa phương 2 đợt/năm, đợt 1 vào tháng 3, 4 và đợt 2 vào tháng 9, 10, đây là thời điểm thích hợp để phòng bệnh cho 2 vụ nuôi chính. Các địa phương duy trì dự trữ lượng vắc-xin dự phòng 10% theo kế hoạch tỉnh giao để phục vụ cho việc tiêm phòng bao vây dập dịch khi tình huống có các ổ dịch xảy ra tại địa phương; đảm bảo có nguồn vắc-xin cung ứng dịch vụ cho các hộ chăn nuôi có nhu cầu để tiêm phòng bổ sung đối với đàn gia súc, gia cầm mới sinh hoặc nuôi mới.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh đã tiêm được trên 4,3 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm, đạt 86% kế hoạch năm; vắc-xin tai xanh lợn trên 46.000 con, đạt 92% kế hoạch năm; vắc-xin lở mồm long móng gia súc được 149.500 con, đạt 82% kế hoạch năm; vắc-xin tụ huyết trùng trâu bò được 54.000 con, đạt 86% kế hoạch năm;… Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin trên đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh vẫn chưa hoàn thành kế hoạch năm. Nguyên nhân do nhiều hộ chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chủ động khai báo số gia cầm nuôi bổ sung, tái đàn để đăng ký mua vắc-xin và tiêm bổ sung; việc rà soát, nắm bắt biến động tổng đàn và tiêm phòng bổ sung cho gia cầm mới sinh hoặc nuôi mới sau các đợt tiêm phòng chính vụ để khép kín miễn dịch cho quần thể vật nuôi theo yêu cầu phòng dịch của tỉnh chưa được thực hiện triệt để.
Theo bà Trần Thị Hồng Ánh, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), để phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, các địa phương tổ chức rà soát, nắm chắc biến động tổng đàn; giám sát chặt chẽ tình hình để phát hiện sớm, xử lý dịch bệnh kịp thời; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc-xin cho đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng, mới nhập đàn, đảm bảo tiêm đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn (tại thời điểm tiêm). Các địa phương quan tâm tuyên truyền về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()