Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:14 (GMT +7)
Tập trung nguồn lực phát triển vùng biên giới, hải đảo
Thứ 5, 24/02/2022 | 06:39:45 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có 67 xã, thị trấn và 47 thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo, với dân số chiếm 16,44% tổng dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh luôn ưu tiên dành cơ chế, nguồn lực tập trung cho việc phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN ở các vùng này.
Quảng Ninh đã ban hành một loạt các nghị quyết, kế hoạch, chương trình phát triển KT-XH miền núi, biên giới, hải đảo; tiêu biểu là Nghị quyết số 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động của Trung ương, của tỉnh và các giải pháp của các cấp, ngành đều được lồng ghép, tuyên truyền đến các cấp, ngành, toàn thể người dân trên địa bàn, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Để huy động nguồn lực cho vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, nghị quyết của HĐND tỉnh đã xác định NSNN các cấp dành khoảng 4.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình theo phân cấp NSNN. Qua đó, tỉnh đã phân bổ 200 tỷ đồng dự nguồn kinh phí thực hiện chương trình tổng thể năm 2021 đến 6 công trình hạ tầng thiết yếu đủ điều kiện thực hiện, giải ngân ngay trong năm 2021; ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay tạo việc làm tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Hết năm 2021, 6 dự án đã giải ngân được 180,99 tỷ đồng. Năm 2022, tỉnh tiếp tục phân bổ khoảng 1.250 tỷ đồng để thực hiện chương trình... Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tích cực triển khai chương trình vay vốn cho các hộ gia đình các xã vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; đến hết năm 2021, dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội tại 67 xã thuộc phạm vi chương trình tổng thể là 1.472,3 tỷ đồng với 36.460 hộ vay.
Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các đề án liên quan đến phát triển KT-XH các vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo như Đề án giao đất giao rừng trên địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi biên giới và hải đảo, các chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững; đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững... Qua đó, năm 2021, tỉnh đã hỗ trợ hơn 5,8 tỷ đồng cho 235 hộ gia đình trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa với diện tích 447ha.
Tỉnh cũng triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với CBCCVC công tác tại các vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo, xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi; thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách hiện hành, lồng ghép các nguồn vốn trong thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn như: Chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững; chính sách hỗ trợ học sinh, các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, đối tượng khó khăn... ở xã, thôn DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo...
Năm 2021, BHXH tỉnh đã thực hiện chi trả 100% kinh phí hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho 64.655 người sinh sống tại các xã mới ra khỏi vùng khó khăn và người đang sinh sống tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí hỗ trợ 21,5 tỷ đồng.
Quảng Ninh còn lồng ghép nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2021 (khoảng 200 tỷ đồng) và nguồn vốn đầu tư, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình, hạng mục trường học còn thiếu, chưa đảm bảo đạt chuẩn quốc gia (hơn 260 tỷ đồng) tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên gới, hải đảo; đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án động lực, trọng điểm. Tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động cầu Bắc Luân II, cầu cửa khẩu Hoành Mô, cầu phao tạm Km3+4 phường Hải Yên (TP Móng Cái)...
Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa qua biên giới; tháo gỡ khó khăn, thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn; xây dựng các điểm dân cư tập trung theo quy hoạch gắn liền với cải thiện kết cấu hạ tầng KT-XH, bảo vệ và phát triển rừng vành đai trên biên giới, hải đảo; triển khai có hiệu quả các đề án, mô hình giúp dân phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng phong trào quần chúng tham gia bảo vệ biên giới, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh...
Nhờ các giải pháp trên, diện mạo vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới. Cơ sở hạ tầng các xã từng bước được đầu tư, cải thiện; chính sách an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, ổn định và nâng cao. Đời sống văn hóa được duy trì, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được giữ vững. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các xã này được đảm bảo, chủ quyền an ninh biên giới được bảo vệ vững chắc.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()