Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:20 (GMT +7)
Tập trung nguồn lực phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển
Thứ 5, 11/04/2024 | 07:52:55 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là một trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước. Trong số 13 huyện, thị, thành phố của tỉnh thì có tới 9 địa phương ven biển. Nhiều năm qua, Quảng Ninh đã tập trung nguồn lực phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển, đưa địa phương trở thành một trung tâm kinh tế biển mạnh.
Để thuận lợi và tạo cơ sở quan trọng thu hút nhà đầu tư nghiên cứu, phát triển cảng biển, góp phần từng bước đưa ngành dịch vụ cảng biển trở thành một trong nguồn lực quan trọng đóng góp vào phát triển KT-XH của tỉnh, Quảng Ninh tập trung cho công tác quy hoạch cảng biển.
Mặt khác, Quảng Ninh cũng rà soát tổng thể các bến cảng hiện hữu và bến phao neo; hệ thống bến cảng, luồng lạch để đánh giá, điều chỉnh quy mô, chức năng phù hợp với định hướng phát triển cảng biển của tỉnh. Đồng thời, dành nguồn lực lớn đầu tư hệ phát triển hạ tầng cảng biển và hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn, nhằm nâng công suất tối đa cho các bến cảng hiện hữu; sắp xếp lại các bến cảng và có lộ trình di dời những cơ sở hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Theo Quyết định số 508/QĐ-BGTVT (ngày 2/4/2021) của Bộ GTVT, trên địa bàn Quảng Ninh có 13 bến cảng. Đến nay, toàn bộ các khu bến trên địa bàn tỉnh đã được cập nhật, bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa trên địa bàn tỉnh dần được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ các dịch vụ thương mại, XNK, đón khách du lịch của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các dịch vụ tại cảng khách quốc tế...
Cùng với đó, Quảng Ninh còn tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối để phát huy tối đa hiệu quả khai thác các bến cảng hiện hữu và thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào cảng biển, dịch vụ cảng biển, các KCN, KKT.
Hiện tỉnh đã hoàn thiện việc nâng cấp, cải tạo và xây mới các công trình đảm bảo đồng bộ về hạ tầng, khắc phục tình trạng xuống cấp, cải thiện lưu thông phương tiện giao thông trong khu vực KCN Cái Lân; xác định 9/11 dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng gỡ bỏ nút thắt, kết nối lưu thông hàng hoá vật tư giữa các KKT, KCN tới các cảng bến và được xác định ưu tiên triển khai đầu tư trong giai đoạn 2019-2025.
Đến nay, đã triển khai 8 dự án với tổng mức đầu tư được duyệt 15.587 tỷ đồng; trong đó đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 4 dự án (đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đường kết nối đường tỉnh 331 với đường tỉnh 338 trên địa bàn TX Quảng Yên, đường trục chính thứ 2 của KCN Cảng biển Hải Hà, tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả giai đoạn 1); còn lại 4 dự án đang được triển khai đảm bảo tiến độ.
Ngoài các dự án nêu trên, từ năm 2019 đến nay tỉnh, các địa phương, doanh nghiệp còn tập trung đầu tư nhiều dự án động lực khác để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đấu nối đến hệ thống cảng biển Quảng Yên, Vân Đồn, Hải Hà, Móng Cái và các KCN, KKT; triển khai một số dự án nạo vét các tuyến đường thủy nội địa...
Bên cạnh việc tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 857/QĐ-UBND (ngày 22/3/2021) về chương trình xúc tiến đầu tư năm 2021, định hướng giai đoạn 2021-2025. Trong đó xác định ưu tiên nhiệm vụ cụ thể nhằm tập trung thu hút đầu tư các dự án phát triển kinh tế biển bền vững, đầu tư kinh doanh cảng hiện đại, kho bãi, tạo chuỗi liên kết trong phát triển hạ tầng cảng biển để nâng cao tính cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển dịch vụ cảng biển, kho vận...
Đồng thời, tỉnh cũng đã ban hành nhiều quyết định phê duyệt danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư khác. Trong số 81 dự án đề xuất, có 8 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng logistics, 9 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, CCN, 10 dự án thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo... Nhờ đó, giai đoạn 2019-2023, toàn tỉnh đã thu hút được 10 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 64.712 tỷ đồng (8 dự án lĩnh vực đầu tư hạ tầng, dịch vụ cảng biển vào KCN, KKT với tổng vốn đầu tư trên 16.394 tỷ đồng, 2 dự án ngoài KCN, KKT).
Quảng Ninh còn tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; triển khai một số các giải pháp cụ thể để thu hút hàng hóa XNK qua cảng biển; hình thành chuỗi du lịch đường biển kết nối các khu vực tỉnh, thành phố có tiềm năng phát triển du lịch biển; hình thành các hiệp hội gắn với kinh tế biển...
Với việc tập trung nguồn lực phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển, Quảng Ninh sẽ hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()