Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:21 (GMT +7)
Tập trung nguồn lực hoàn thành các công trình động lực
Thứ 7, 13/05/2023 | 19:26:19 [GMT +7] A A
Ngày 13/5, Thường trực Tỉnh ủy họp giao ban tuần để nghe và cho ý kiến về phương án xử lý nguồn tăng thu, thưởng vượt thu, kết dư ngân sách cấp tỉnh năm 2021, 2022. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, nguồn tăng thu, kết dư, thưởng vượt thu ngân sách năm 2021 như sau: Nguồn kết dư ngân sách tỉnh năm 2021 được hạch toán thu ngân sách năm 2022 là trên 10 tỷ đồng; nguồn tăng thu năm 2021 là trên 1.463 tỷ đồng; nguồn thưởng vượt thu năm 2021 là 289 tỷ đồng (do số thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2021 vượt dự toán).
Năm 2022, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 53.562 tỷ đồng (bằng 118% dự toán Trung ương giao, bằng 102% dự toán tỉnh giao, bằng 103% cùng kỳ). Thu ngân sách tỉnh được hưởng là gần 18.000 tỷ đồng (hụt thu 3.045 tỷ đồng so với dự toán); nguồn tồn dư dự toán ngân sách năm 2022 (bao gồm cả nguồn tăng thu, kết dư năm 2021) là trên 1.938 tỷ đồng. Đối với nguồn thưởng vượt thu ngân sách năm 2022, UBND tỉnh đã có báo cáo, đề nghị Bộ Tài chính thưởng vượt thu ngân sách tỉnh với số tiền 171 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội theo quy định.
Về phương án xử lý nguồn tăng thu năm 2021 là trên 1.463 tỷ đồng, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đề nghị Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết điều chỉnh giảm trên 1.463 tỷ đồng đã bổ sung nguồn vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách cấp tỉnh tại Nghị quyết số 103/NQ-HĐND ngày 9/7/2022 của HĐND tỉnh. Điều chỉnh Điều 1 Nghị quyết số 105/NQ-HĐND ngày 9/7/2022 của HĐND tỉnh theo hướng: “Phương án sử dụng nguồn tăng thu, kết dư ngân sách cấp tỉnh năm 2021 để trích nguồn cải cách tiền lương ngân sách cấp tỉnh năm 2022”.
Đối với phương án xử lý nguồn tồn ngân sách và thưởng vượt thu năm 2022, trích lập nguồn cải cách tiền lương số tiền trên 1.938 tỷ đồng. Về nguồn thưởng vượt thu ngân sách tỉnh năm 2022, sau khi có văn bản bổ sung kinh phí của Bộ Tài chính, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu phân bổ cho các dự án đầu tư đảm bảo quy định.
Qua thảo luận, làm rõ báo cáo về nguồn tăng thu, kết dư, Thường trực Tỉnh ủy khẳng định, chất lượng lập dự toán hằng năm vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là lập dự toán cho chi thường xuyên trong mua sắm và đầu tư công, dẫn đến tiến độ, tỷ lệ giải ngân, chất lượng đầu tư công thấp so với chỉ đạo chung.
Để hoàn thành mục tiêu cao của cả nhiệm kỳ, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu trong chỉ đạo điều hành tất cả các đơn vị phải đảm bảo được nguyên tắc là chủ động trong cân đối được nguồn lực. Tức là từ nguồn thu được hưởng vững chắc để đảm bảo hoàn thành các dự án công trình trọng điểm, động lực đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Cùng với đó là triển khai hiệu quả Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chỉ đạo cụ thể liên quan đến xử lý nguồn tăng thu, kết dư ngân sách năm 2021, 2022, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phải ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy. Đồng thời phải quan tâm xây dựng phát triển văn hóa con người, giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, một yếu tố cốt lõi để tạo ra động lực tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới; phải tiếp tục tạo ra năng lực mới của hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH để thực hiện mục tiêu vừa tạo ra tăng trưởng, vừa đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách vùng miền, chênh lệch giàu nghèo và nâng cao chất lượng đô thị hóa, chất lượng nông thôn mới để xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, trung tâm năng lượng của cả nước. Cùng với đó là phải thiết lập một cơ chế giám sát đặc biệt của tất cả các cơ quan liên quan đến quản lý nhà nước để giám sát chặt chẽ về tiến độ, chất lượng công trình và khối lượng thi công trên thực địa của tất cả các dự án đầu tư công trên phạm vi toàn tỉnh, nhưng trước hết là các dự án đầu tư công trọng điểm của tỉnh. Từ đó tránh xảy ra tình trạng công trình thi công sai thiết kế, công trình nhanh xuống cấp, dẫn đến nhân dân kiến nghị, dư luận lên tiếng.
Tại cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến về một số nhiệm vụ trọng tâm trong tuần như: Chương trình làm việc với Đoàn Kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; giám sát tại một số cấp ủy, tổ chức Đảng về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025; chương trình đối thoại, thăm, tặng quà công nhân lao động trên địa bàn tỉnh nhân dịp Tháng Công nhân, Tháng An toàn VSLĐ năm 2023; phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, công tác quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn tỉnh…
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()