Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:44 (GMT +7)
Làm giàu rừng và làm giàu từ rừng
Thứ 3, 28/03/2023 | 16:10:00 [GMT +7] A A
Hướng tới mục tiêu phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ trồng rừng nhằm tăng tỷ lệ che phủ rừng, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân từ phát triển kinh tế rừng.
Bảo vệ và phát triển rừng
Hiện nay, độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 55%, Quảng Ninh là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng. Để có được kết quả này, Quảng Ninh đã dừng hoàn toàn việc khai thác rừng tự nhiên, tăng cường tuần tra kiểm soát và đẩy mạnh trồng rừng. Đến hết năm 2022, diện tích đất có rừng, đất quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh là 435.127,11ha; tỷ lệ che phủ rừng được giữ vững 55%, chất lượng rừng được nâng cao; toàn tỉnh đã bảo vệ, phục hồi hơn 122.749 ha rừng tự nhiên. Bình quân những năm gần đây toàn tỉnh trồng khoảng 12.817ha rừng tập trung, tăng 3.158ha so với giai đoạn 2017-2019.
Ông Nguyễn Thanh Khương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) cho biết: Trên địa bàn tỉnh đã thực hiện dừng khai thác gỗ tự nhiên từ những năm 2004, trước 10 năm khi có Quyết định số 2242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điều này khẳng định rõ quan điểm chỉ đạo nhất quán của tỉnh về bảo vệ, phát triển bền vững rừng, phục vụ cho phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái. Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan, chủ rừng ưu tiên các biện pháp khoanh nuôi, phục hồi, bảo vệ rừng nhằm đảm bảo duy trì, phát triển ổn định diện tích rừng tự nhiên hiện có, giám sát chặt chẽ đối với các dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác.
Với nhiều giải pháp, diện tích rừng trồng của tỉnh Quảng Ninh ngày càng mở rộng. Đặc biệt, những năm gần đây khi Nghị quyết 19-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững triển khai mạnh mẽ, trên địa bàn tỉnh đã trồng thêm 2.288,5ha rừng cây lim, giổi, lát; trồng mới, trồng bổ sung 487,92ha rừng ngập mặn tại các địa phương ven biển. Nguồn lực đầu tư cho phát triển lâm nghiệp tăng lên đáng kể, nhất là nguồn lực xã hội hóa, giảm sức ép đầu tư từ ngân sách nhà nước, góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với các cấp ủy, chính quyền các địa phương về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tạo sinh kế lâu dài cho người dân...
Nhiều địa phương trong tỉnh có lợi thế về trồng rừng, như: Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu đã tập trung trồng rừng kinh tế, từng bước chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Từ năm 2017 đến nay, tại các địa phương trên đã chuyển 240ha từ rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn và chuyển 1.400ha sang trồng rừng gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ. Theo đánh giá của các ngành chức năng, trên cùng một diện tích, một chu kỳ trồng rừng gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao hơn gấp từ 2,5 đến 3 lần so với thực hiện liên tục 2 chu kỳ trồng rừng gỗ nhỏ.
Quảng Ninh cũng ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước. Đồng thời, chú trọng bảo vệ đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn; bảo vệ, phục hồi tối đa diện tích rừng tự nhiên cũng như duy trì, củng cố các khu rừng đặc dụng hiện có. Mục tiêu cao nhất là tranh thủ lợi ích từ rừng để phát triển bền vững cũng như giữ gìn môi trường sinh thái cho muôn đời sau. Đặc biệt, ở các đơn vị ngành Than, với chủ trương gắn phát triển với bảo vệ môi trường, ngành Than tích cực trồng cây xanh hoàn nguyên các bãi thải. Ðến nay, tổng diện tích trồng cây phủ xanh hoàn nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh đạt gần 1.500ha. Dự kiến đến năm 2025, mỗi năm, TKV phủ xanh thêm 1.000ha diện tích bãi thải, nhân lên những cánh rừng xanh bảo vệ môi trường.
Để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, ngành Kiểm lâm tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát, bảo vệ rừng. Nổi bật là ứng dụng phần mềm theo dõi diễn biến tài nguyên rừng đã giúp cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các Hạt Kiểm lâm ở cơ sở có được những thông tin chính xác về vị trí lô, khoảnh, chủ rừng, loại rừng mà không cần đến máy định vị GPS. Phần mềm này được tích hợp trên điện thoại thông minh, giúp cho việc thực địa của cán bộ kiểm lâm khi kiểm tra vị trí, khoanh vẽ diện tích lô rừng ngoài thực địa một cách nhanh chóng, chính xác, giảm thiểu việc sử dụng bản đồ giấy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm còn khuyến khích các Hạt Kiểm lâm thường xuyên truy cập vào hệ thống cảnh báo cháy rừng của trang thông tin điện tử Cục Kiểm lâm để sớm phát hiện, xử lý nhanh các vụ cháy rừng. Đồng thời, sử dụng phầm mềm cảnh báo cháy rừng cập nhật theo giờ giúp nâng cao khả năng tương tác, phối hợp giữa các phòng chức năng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh với Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng ở các địa bàn trong tỉnh…
Nhờ vậy, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh được bảo vệ tốt, trong đó có gần 71.000ha rừng tập trung được bảo vệ nghiêm ngặt tại các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, đơn vị quốc phòng và các công ty lâm nghiệp; còn lại trên 51.350ha được quản lý, bảo vệ bởi các doanh nghiệp, UBND các xã và cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.
Tạo sinh kế từ rừng
Làm giàu rừng và làm giàu từ rừng là mục tiêu của Quảng Ninh hướng đến. Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng, khi rừng được bảo vệ và phát triển; vốn rừng được đảm bảo và ngày càng nâng cao giá trị thì chủ rừng, lao động nghề rừng, các đơn vị doanh nghiệp, các lĩnh vực kinh tế gắn với rừng có quyền và hoàn toàn có thể làm giàu từ rừng. Thực tế hiện nay đất rừng, nghề rừng mang lại nguồn lợi đáng kể cho người dân. Theo khảo sát của Sở NN&PTNT, rừng đang mang lại việc làm cho khoảng 60.000 lao động, thu nhập trung bình gần 5 triệu đồng/người/tháng. Đáng nói, thu nhập từ rừng có tính lũy kế, sau chu kỳ trồng rừng 6 năm, chủ rừng có thu nhập ít nhất gần 200 triệu đồng (tính theo định mức diện tích giao đất giao rừng không quá 2 ha), đủ để họ có tích lũy hoặc tái đầu tư theo hướng mở rộng.
Theo tính toán, đối với rừng trồng keo, 1ha đất rừng đạt khoảng 70-100 tấn gỗ/chu kỳ 6 năm, giá trị khoảng 90-150 triệu đồng/ha. Đối với cây thông, 1ha thông trưởng thành mỗi năm mang lại 100-200 triệu đồng (cao gấp nhiều loại cây trồng khác), có thể khai thác liên tục trong khoảng 20-40 năm. Ngành Lâm nghiệp Quảng Ninh đang chuyển động mạnh mẽ, có tính đột phá, hướng tới phát triển bền vững và giá trị cao. Trong đó, đột phá lớn nhất là diện tích rừng trồng sẽ thay đổi về giá trị thông qua các hoạt động chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; giảm, tiến tới ngừng chế biến gỗ bằng băm dăm, thay bằng chế biến sâu và xuất khẩu.
Để có được kết quả cao nhất, việc chỉ đạo, hỗ trợ người trồng rừng luôn được tỉnh quan tâm, đẩy mạnh. Qua rà soát của Sở NN&PTNT, trong 3 năm gần đây, ngân sách tỉnh dành cho bảo vệ và phát triển rừng đạt gần 314 tỷ đồng, vượt mức quy định là dành 3% chi thường xuyên mỗi năm cho rừng. Riêng Nghị quyết 337 của HĐND tỉnh kể từ khi có hiệu lực năm 2021 đến nay, gần 900 chủ rừng đã được hưởng trên 38 tỷ đồng chính sách hỗ trợ về giống cây trồng, vốn vay ưu đãi, trong đó hỗ trợ giống là 21 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất vốn vay là 17 tỷ đồng. Đối với hoạt động trồng lim, giổi, lát, năm 2022, 100% diện tích đã trồng với khoảng trên 2.100ha đều được hỗ trợ về giống, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ là 900ha, 1.300ha còn lại do các đơn vị, doanh nghiệp, người dân hỗ trợ.
Tính riêng quý I/2023, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã triển khai trồng được 302,8ha lim, giổi, lát (lim 56,7ha; giổi 150,8 ha; lát 95,2 ha) bằng 15,14 % chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao (2.000ha). Trồng rừng tập trung ước đạt 2.600ha, tăng 57% cùng kỳ năm 2022, tăng 13% kịch bản; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ước đạt 175.627m3, tăng 20% so với cùng kỳ, tăng 9,8% kịch bản.
Chị Bàn Thị Miên (thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn, TP Hạ Long) cho biết: Tôi thấy việc trồng rừng lâu năm sẽ cho lợi ích bền vững, vì vậy tôi cùng với nhiều hộ dân trong xã đã chuyển đổi diện tích rừng sản xuất hàng năm sang trồng cây lâu năm. Hy vọng tằng chính quyền tiếp tục có những cơ chế khuyến khích, cũng như hỗ trợ phát triển các sản phẩm lâm sản phụ trợ và tiêu thụ để người dân chúng tôi yên tâm phát triển rừng lâu năm.
Trong lĩnh vực chế biến lâm sản, Quảng Ninh đặt mục tiêu xây dựng nhà máy chế biến gỗ tổng hợp quy mô lớn tại huyện Tiên Yên, vùng trung tâm nguyên liệu rừng trồng khu vực miền Đông. Bên cạnh đó, lộ trình giảm, ngừng hoạt động băm dăm gỗ từ 464 cơ sở hiện nay xuống còn 250 cơ sở vào năm 2025 và 170 cơ sở vào năm 2030; không cấp phép hoạt động cơ sở băm dăm gỗ mới. Điều này không chỉ đẩy mạnh mục tiêu trồng rừng gỗ lớn của tỉnh mà còn có thể tận dụng nguồn gỗ nguyên liệu quý từ các tỉnh, thành phố lân cận, vốn có diện tích, sản lượng rừng sản xuất lớn. Tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng theo hướng cập nhật các đơn vị nhiệt điện, xi măng trong đối tượng chi trả. Theo tính toán, khi hoàn tất lộ trình này, Quảng Ninh có thể thu được 122 tỷ đồng/năm tiền dịch vụ môi trường rừng, cao gấp 30 lần hiện nay. Đây là nguồn kinh phí quan trọng để tái đầu tư cho rừng, tạo tiền đề quan trọng để rừng Quảng Ninh ngày một phát triển xanh, bền vững.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()