Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:37 (GMT +7)
Nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả
Thứ 4, 29/06/2022 | 13:32:01 [GMT +7] A A
Nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu, tạo bước đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, nhiều dự án khuyến nông trên địa bàn tỉnh được triển khai. Trong đó, một số mô hình đã phát huy được hiệu quả tích cực, giúp người dân nâng cao trình độ canh tác và thu nhập.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các mô hình đều ứng dụng các khoa học kỹ thuật mới và tập trung vào những đối tượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, từ đó tạo đà phát triển các vùng sản xuất lớn. Trong đó, một số mô hình, dự án được địa phương đánh giá có hiệu quả cao.
Điển hình như sản xuất ổi VietGAP tại xã Sơn Dương (TP Hạ Long), tham gia mô hình, 45 hộ dân của xã Sơn Dương được chia thành 6 nhóm để thuận tiện cho việc tổ chức quản lý, giám sát. Quá trình triển khai thực hiện từ tháng 2/2021, các hộ được đào tạo, tập huấn đầy đủ về các nội dung trong quy trình sản xuất VietGAP như: Nhận thức chung về tiêu chuẩn; hướng dẫn sơ cứu và bảo vệ môi trường; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Đối với các mẫu đất, nước và sản phẩm được mang đi phân tích mối nguy về sinh học, vật lý, hóa học.
Ông Vi Văn Tuyên, hộ trồng ổi xã Sơn Dương, cho biết: Mô hình áp dụng kỹ thuật cắt tỉa để kích thích, tạo quả thu hoạch liên tục, hạn chế quả chính vụ vào tháng 6-7. Sau khi tham gia mô hình, chúng tôi đã tăng cường tạo quả rải vụ từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau, đây là thời điểm quả có chất lượng tốt, ít bị áp lực thị trường, giá thành cao hơn khoảng 4-5 lần so với chính vụ.
Tương tự, để giúp người dân quản lý tốt các yếu tố môi trường, dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi, tháng 5/2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với TX Quảng Yên triển khai mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ Semi - Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu, mô hình được triển khai trên diện tích 1ha có 3 hộ dân tham gia với quy mô 132 vạn con tôm. Với mô hình này, các hộ dân phải tuân thủ quy trình kỹ thuật từ thiết kế hạ tầng ao nuôi, ao lắng, ao dèo, ao chứa chất thải cho đến sử dụng chế phẩm sinh học... Qua đó, đảm bảo tăng cường sức đề kháng và đạt tỷ lệ đầu con cao nhất cho tôm trước khi chuyển sang giai đoạn ao nuôi. Thành công của mô hình cho thấy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ cho hiệu quả kinh tế cao, có khả năng ứng dụng phát triển mở rộng trong các vùng nuôi tôm tại Quảng Ninh.
Cùng với các mô hình trên, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tích cực đề xuất và xây dựng mô hình đưa các đối tượng giống mới có hiệu quả vào sản xuất trên địa bàn tỉnh, như: Mô hình trồng súp lơ chịu nhiệt; mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao QJ4 (dòng Japonica), mô hình trồng giống lạc mới L29; mô hình trồng dong riềng giống DR3-10; mô hình nuôi gà sinh sản (VCN-Z15 x LP) theo VietGAHP; dự án phát triển vùng nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ... Trung tâm cũng phối hợp với Viện 78 (Tổng cục 2) tiếp nhận giống, xây dựng mô hình trồng thử nghiệm một số loại cây trồng mới trên địa bàn tỉnh như: Dong riềng DR3-10, đậu đũa VC2, cải làn 12, ngô nếp lai VN556, ngô đường lai 20, táo 05, chuối tiêu lùn GL1-3, giống lúa LH12…
Để nâng cao hiệu quả chuyển giao kỹ thuật và các mô hình sản xuất mới cho bà con nông dân, Trung tâm Khuyến nông cũng là một trong những đơn vị đi đầu của ngành Nông nghiệp trong việc nắm bắt xu thế chuyển đổi số. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động như kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn, hội thảo..., các nội dung trên vẫn được thực hiện đúng tiến độ và hiệu quả trên các nền tảng mạng xã hội, phần mềm như Zalo, Zoom, Google Meet...
Theo ông Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, đơn vị đã xây dựng nhiều nhóm Zalo theo lĩnh vực, nhiệm vụ, như: Khuyến nông Quảng Ninh, Khuyến ngư, CLB nuôi tôm an toàn, CLB Na QND1,... nhằm kết nối, trao đổi nhanh nhất giữa các thành viên trong các nhóm, gửi hình ảnh, video, clip làm cơ sở phân tích và xử lý công việc kịp thời. Bên cạnh đó, Trung tâm đã thử nghiệm lập kênh “Thú vị nghề nông” để chia sẻ các video, clip ngắn hướng dẫn kỹ thuật trên Youtube.
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân. Trong đó, trước khi triển khai mô hình, Trung tâm quan tâm đến sự phù hợp của đối tượng, công nghệ chuyển giao với điều kiện sinh thái, khả năng thích ứng của người dân để đảm bảo tính bền vững. Từ đó nhân rộng các mô hình có hiệu quả thông qua đề xuất các dự án hỗ trợ phát triển mở rộng để tăng tính lan tỏa của mô hình.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()