Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 08:50 (GMT +7)
Huyện Ba Chẽ: Tập trung khắc phục hậu quả bão số 3
Thứ 5, 03/10/2024 | 16:00:13 [GMT +7] A A
Bão số 3 (Yagi) đi liền với lũ lớn trên sông đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều người dân, đơn vị, doanh nghiệp. Với nỗ lực cao nhất, huyện đã huy động các nguồn lực để hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, khôi phục, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Nhanh chóng đứng dậy sau bão
Theo thống kê, bão đã làm 3 nhà dân đổ sập, 138 nhà dân bị tốc mái, 15 nhà xưởng bị hư hỏng nặng, 11 tuyến đường với 40 vị trí bị sạt lở, 2 cầu treo bị phá hủy, 5 cầu treo, ngầm tràn bị hư hỏng, mất điện và mạng viễn thông, 43 hồ đập thủy lợi và nước sinh hoạt bị sạt lở; đặc biệt gần 19.000ha cây lâm nghiệp bị gãy, đổ, liên quan trực tiếp đến sản xuất của hơn 3.400 hộ dân và các doanh nghiệp. Hoàn lưu bão gây mưa lớn, ngập lụt trên diện rộng khiến gần 900 ngôi nhà bị ngập từ 0,5-4m, chia cắt cục bộ nhiều cụm dân cư ở các xã Nam Sơn, Đồn Đạc, Đạp Thanh, Thanh Lâm và thị trấn Ba Chẽ; khoảng 250ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại do bão ước tính gần 750 tỷ đồng.
Ngay sau khi bão và mưa lũ qua, huyện đã huy động tổng lực trên 1.000 lượt người cùng nhiều phương tiện, hỗ trợ sửa chữa nhà ở, thu dọn cây cối gãy đổ, bùn, đất, vệ sinh môi trường trên các tuyến giao thông; lên phương án bố trí kinh phí sửa chữa các công trình giao thông cấp bách, khắc phục tình trạng mất thông tin liên lạc và điện… Ông Vũ Thành Long, Bí thư Huyện ủy, yêu cầu hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở tập trung với tinh thần cao nhất, sớm nhất, khắc phục hậu quả bão trên cơ sở bám các nội dung chỉ đạo của tỉnh, của huyện với mục tiêu sớm ổn định tình hình và đưa các hoạt động trở lại bình thường.
UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, tổ chức, doanh nghiệp và công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. Trên cơ sở thống kê, phân bổ ngay nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh theo thứ tự ưu tiên. Ưu tiên về con người trước, tuyệt đối không để ai bị đói rét, không có nơi ở. Huyện nhanh chóng khắc phục các điểm sạt lở, khôi phục toàn bộ các tuyến giao thông, phục vụ vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm sinh hoạt của người dân; xây dựng phương án lưu thông tạm thời đối với các cầu treo bị hư hỏng, đảm bảo an toàn hệ thống hồ, đập, khắc phục hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Các ngành điện lực, viễn thông huy động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, khẩn trương khôi phục toàn bộ lưới điện, thông tin liên lạc. Các cơ sở giáo dục khắc phục cơ sở vật chất bị hư hại, đảm bảo điều kiện cho học sinh sớm trở lại học bình thường. Các cơ sở y tế kịp thời cung cấp đủ cơ số thuốc, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, phun tiêu độc, khử trùng tại những nhà dân, trường học, cơ quan bị ngập lụt sau mưa, bão...
Tái thiết kinh tế
Ngân hàng CSXH huyện chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời đề xuất các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Huyện đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành báo cáo Chính phủ sửa đổi Nghị định số 02/2017/NĐ-CP "Về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh" theo hướng bổ sung đối tượng doanh nghiệp, tăng mức hỗ trợ. Huyện thống nhất với các ngân hàng để thực hiện giãn, hoãn, kéo dài nợ, hỗ trợ lãi suất đối với các hộ gia đình, cá nhân vay vốn sản xuất nông, lâm nghiệp bị thiệt hại do bão số 3. Huyện lên phương án đầu tư thay mới các cầu treo bị phá hủy để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế.
Kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra trong lĩnh vực lâm nghiệp tại huyện Ba Chẽ (ngày 25/9), đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Ba Chẽ đang có rất nhiều cơ hội mới, để làm giàu ngay tại quê hương, huyện phải đặt quyết tâm, làm giàu từ nguồn lực của huyện. Sau bão, Ba Chẽ cần vươn mình, tái thiết nền kinh tế, làm giàu bằng chính nội lực của mình. Để làm được điều này, huyện cần nghiên cứu, đề xuất, triển khai đề án riêng về tái thiết nền kinh tế. Trong đó tập trung nghiên cứu, đổi mới cây trồng, vật nuôi; khuyến khích những cách làm mới, phương án mới, loại cây trồng mới, hiệu quả cao, đem lại thu nhập ổn định, bền vững, làm giàu cho nhân dân, cho huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Khiếu Anh Tú: “Huyện đang khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ, khắc phục hậu quả” Ngay sau khi bão tan, huyện huy động cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, lực lượng khẩn trương thực hiện công tác dọn vệ sinh môi trường, sửa chữa, hỗ trợ khắc phục hậu quả, kịp thời ổn định cuộc sống người dân. Riêng với ngành kinh tế chính lâm nghiệp, huyện đang khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ, khắc phục hậu quả theo các quy định của Chính phủ và tỉnh. Huyện huy động lực lượng, nhân lực để phối hợp, hỗ trợ xử lý thu gom gỗ cho các hộ trồng rừng; tăng cường công tác giám sát, phòng cháy chữa cháy trong điều kiện cây rừng gãy đổ, khô héo. Với chủ trương lập lại quy hoạch 3 loại rừng, cơ cấu lại các loại cây trồng trong phát triển lâm nghiệp của tỉnh, huyện đang đứng trước cơ hội để làm giàu, tái thiết nền kinh tế bằng nội lực của mình. |
Phó Bí thư Đảng ủy xã Nam Sơn Lê Văn Ngọc: “Xã kết nối với các cơ sở chế biến lâm sản thu mua gỗ cho người dân” Xã có 430 hộ bị thiệt hại gần 60ha rừng do bão số 3, trong đó có 27ha rừng bị thiệt hại trên 70%, tổng trị giá trên 10 tỷ đồng. UBND xã đang chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, đồng thời hướng dẫn các gia đình, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục khai thác, tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng bị thiệt hại theo quy định. Xã hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản trong và ngoài huyện thu mua gỗ cho người dân nhằm giảm bớt thiệt hại. |
Ông Triệu Quý Sinh, xã Minh Cầm: "Lãnh đạo huyện, các LLVT luôn sát cánh cùng nhân dân trước, trong và sau bão" Do địa hình ở vùng núi cao, trên địa bàn cơ bản không bị thiệt hại nhiều bởi bão số 3. Tuy nhiên, ảnh hưởng của hoàn lưu bão, trước nguy cơ lũ lớn, xã chủ động phối hợp với người dân di chuyển tài sản, di dời các hộ có nguy cơ ngập lụt tới vùng an toàn. Lãnh đạo, các LLVT từ huyện đến xã luôn sát cánh cùng nhân dân trước, trong và sau bão lũ; người dân nêu cao tinh thần chủ động, nên cuộc sống đang dần trở lại bình thường. |
Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ Bùi Thị Hương: "Quyết tâm hồi sinh, nhân lên những cánh rừng" Cả cuộc đời gắn bó với rừng mà chỉ sau một cơn bão, tất cả đã tan hoang. Sau bão, tôi ngổn ngang những nỗi lo. Rừng mất rồi, lấy gì để bố trí công việc cho người lao động, trả lương và nộp bảo hiểm xã hội. Nhưng tôi vẫn có niềm tin, "ngã ở đâu đứng lên ở đó", đơn vị sẽ quyết tâm vực dậy, hồi sinh, nhân lên những cánh rừng xanh Ba Chẽ. Mong chính quyền, ngân hàng đồng hành, san sẻ khó khăn để các doanh nghiệp ngành lâm nghiệp sớm phục hồi và phát triển trở lại. |
Phạm Học
- Sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3
- Đảm bảo chế độ, chính sách BHXH cho người dân sau bão số 3
- Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ
- Ngành Than đồng hành cùng Quảng Ninh khắc phục hậu quả Bão số 3
- Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng cơn bão số 3
- Ngành Than nhanh chóng ổn định sản xuất sau bão số 3
- Nỗ lực ổn định sản xuất sau bão số 3
- Các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Đông Mai nhanh chóng ổn định sản xuất sau bão số 3
Liên kết website
Ý kiến ()