Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 07:14 (GMT +7)
Tập trung hoàn thiện nền tảng dữ liệu số
Thứ 3, 27/12/2022 | 09:49:08 [GMT +7] A A
Trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện, bên cạnh các yếu tố chính như hạ tầng thiết yếu phần cứng và phần mềm, các ứng dụng chuyên ngành, nguồn nhân lực CNTT… thì cơ sở dữ liệu được coi là yếu tố quan trọng nhất của cả hệ thống chuyển đổi số. Nhận thức rõ điều đó, hiện Quảng Ninh đang lên kế hoạch ưu tiên nguồn lực, tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trong toàn tỉnh và liên kết được với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Đinh Sỹ Nguyên cho biết: Cơ sở dữ liệu (Database) là hệ thống bao gồm rất nhiều thông tin, dữ liệu bao trùm rộng khắp tất cả các ngành, lĩnh vực, được xây dựng theo một cấu trúc nhất định, đồng nhất và lưu trữ trên hệ thống máy chủ dùng chung, nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của nhiều người, nhiều đơn vị, cơ quan, tổ chức, hay sử dụng để chạy nhiều chương trình trong cùng một thời điểm cho nhiều mục đích, công việc khác nhau. Cơ sở dữ liệu có thể ví như “mạch máu” trong hệ thống chuyển đổi số. Vì phải có dữ liệu đầu vào thì các hệ thống thành phần của chuyển đổi số mới có thể vận hành trơn tru, chính xác, cho ra kết quả thực tế, chính xác.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, hiện tỉnh đang hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành dùng chung của tỉnh theo dạng dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp, có tích hợp hệ thống báo cáo thống kê, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ.
Sau một thời gian xây dựng và hiệu chỉnh, đầu tháng 12/2022, tỉnh đã hoàn thành việc kết nối chính thức với 5 cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ, ngành Trung ương, gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT); cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ công an); hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến và hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (Bộ Tư pháp); hệ thống phục vụ dịch vụ công của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Đồng thời, đang kết nối thử nghiệm với 7 hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung toàn quốc khác.
Trong năm 2022, tỉnh cũng tập trung triển khai 10 dự án, nhiệm vụ để phát triển hạ tầng, dữ liệu triển khai chuyển đổi số đã được phê duyệt, phân bổ kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Trong đó có tới 6 dự án, nhiệm vụ tập trung cho hệ thống cơ sở dữ liệu, gồm: Xây dựng hệ thống thông tin đất đai tỉnh Quảng Ninh; số hóa, cập nhập dữ liệu hộ tịch lịch sử từ các sổ hộ tịch cũ tại địa phương nhằm mở rộng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của tỉnh Quảng Ninh và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia; phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ TT&TT và bảo đảm kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; nâng cao năng lực phục vụ phần mềm quản lý văn bản và điều hành và thay mới hệ thống sao lưu dữ liệu; xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tỉnh Quảng Ninh và gia hạn bảo hành các hệ thống bảo đảm hoạt động của Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh đã và đang triển khai số hóa 100% TTHC từ khâu tiếp nhận tại các trung tâm hành chính công, thí điểm bóc tách dữ liệu đối với một số TTHC thuộc lĩnh vực trọng điểm và 6 dịch vụ công thiết yếu trong danh mục của Đề án 06 với mục đích tái sử dụng tài liệu và kết quả giải quyết TTHC.
Từ tháng 6/2022 đến hết tháng 11/2022, tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh đã thực hiện số hóa được hơn 17.000 hồ sơ, trong đó có hơn 1.800 hồ sơ đã thực hiện bóc tách dữ liệu và lưu vào cơ sở dữ liệu chuyên dùng; các trung tâm cấp huyện đã thực hiện tiếp nhận và số hoá hơn 7.500 hồ sơ trên tổng số hơn 21.000 hồ sơ toàn trình theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử (tỷ lệ 34,76%). Trên cơ sở công tác số hóa, bóc tách dữ liệu và tái sử dụng kết quả TTHC, các sở, ngành chức năng của tỉnh hiện đang tham mưu phương án triển khai xây dựng Kho dữ liệu và Cổng dữ liệu mở dùng chung toàn tỉnh trong giải quyết TTHC.
Quảng Ninh cũng là một trong 3 địa phương đầu tiên hoàn thành kết nối hệ thống thông tin của tỉnh với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đến nay, toàn quốc mới chỉ có 14 địa phương hoàn thành việc kết nối). Nhờ đảm bảo cơ sở dữ liệu về dân cư đúng, đủ, sạch, sống, các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh hiện đã có thể thuận lợi khai thác thông tin phục vụ giải quyết TTHC ở cả 3 cấp, giúp cơ quan quản lý nhà nước nâng cao khả năng xác thực thông tin công dân, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.
Được biết, trong năm 2023, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh và Cổng dữ liệu mở, tạo lập và cung cấp/công bố dữ liệu của tỉnh qua Cổng dữ liệu mở của tỉnh và kết nối, chia sẻ dữ liệu đến Cổng dữ liệu mở quốc gia. Đồng thời, hoàn thành nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP) đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ TT&TT và kết nối thành công với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP)…
Minh Hà
- TP Móng Cái: Lan tỏa chuyển đổi số
- Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
- Chuyển đổi số: Vì sự minh bạch, tiện lợi
- TP Hạ Long đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện
- “Đến năm 2025, Hải quan Quảng Ninh phải là đơn vị dẫn đầu về thực hiện chuyển đổi số, hải quan số”
Liên kết website
Ý kiến ()