Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:36 (GMT +7)
Tập trung giải ngân vốn đầu tư
Thứ 3, 21/11/2023 | 16:10:22 [GMT +7] A A
Cuối tháng 10/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 mới đạt gần 50% kế hoạch vốn. Hiện tại, các đơn vị, địa phương đang tranh thủ thời tiết hanh khô, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị nhà thầu tích cực huy động trang thiết bị máy móc kỹ thuật, nhân lực; tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu, hạng mục công trình; quyết tâm phấn đấu đến 31/12/2023 sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao.
Tính đến cuối tháng 10/2023, tổng số vốn đã giải ngân đạt trên 6.640 tỷ đồng, đạt 48,1% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (53%). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân đạt 75,3% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ (33,2%); vốn ngân sách cấp tỉnh giải ngân đạt 33,6% kế hoạch vốn đã phân khai, thấp hơn so với cùng kỳ (49,7%); ngân sách huyện giải ngân đạt 58% kế hoạch giao đầu năm, đạt 46,3% kế hoạch đã phân khai.
Một số đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, cao hơn trung bình cả tỉnh, như: Sở Xây dựng (99,1%); Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh (80,7%); Đoàn Kinh tế quốc phòng 327 (76%); Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (66,1%); Viện KSND tỉnh (57%); huyện Tiên Yên (71,1%); huyện Cô Tô (57%); TP Hạ Long (52,3%); huyện Đầm Hà (51,4%). Một số chủ đầu tư, đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, như: Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông (32,1%); Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT (20,7%); Công an tỉnh (10,3%); Ban Quản lý KKT tỉnh (0%); Trường Đại học Hạ Long (0%).
Tính theo tỷ lệ giải ngân vốn của các nhóm dự án sử dụng ngân sách tỉnh cho thấy, các dự án hoàn thành mới giải ngân đạt 38,2%; chuyển tiếp 38,3%; khởi công mới 19,3%. Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân vốn kéo dài mới đạt 25%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung toàn tỉnh, đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn kéo dài ngân sách huyện mới đạt 19,8% kế hoạch. Nhìn vào kết quả trên cho thấy, nguồn vốn đầu tư công năm 2023 sẽ khó về đích như kế hoạch đã đề ra.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Đối với nhóm dự án khởi công mới cấp tỉnh hiện chỉ có 6/10 dự án khởi công, còn lại 4/10 dự án chưa khởi công, trong đó có 2 dự án được giao vốn ngay từ đầu năm với tổng kế hoạch vốn trên 970 tỷ đồng. Đối với ngân sách huyện, hiện còn 8/26 dự án chưa khởi công, trong đó có 6 dự án hỗ trợ xây dựng trường học được bổ sung theo Quyết định số 1568/QĐ-UBND (14/6/2023) với số vốn 422,5 tỷ đồng nhưng sau gần 2 tháng vẫn chưa khởi công.
Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 chậm, được các đơn vị, chủ đầu tư đưa ra, đó là: Do thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp, thủ tục cấp phép các mỏ khai thác đất kéo dài, liên quan đến nhiều ngành; thời gian giải quyết thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất cho các dự án đầu tư công kéo dài; một số dự án chuyển tiếp có tổng mức đầu tư lớn, do đã được tạm ứng hợp đồng từ cuối năm 2022; công tác đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án bất động sản gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN chi đầu tư phát triển; tiến độ xử lý tài sản công, triển khai thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị chuyên dùng còn chậm so với yêu cầu; tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Nhằm đảm bảo mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 984/UBND-TH4 (28/4/2023). Đặc biệt, trong quá trình thực hiện phải cụ thể, cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, tuyệt đối không để xảy ra việc lạm dụng lấy ý kiến nhằm mục đích đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền giải quyết.
Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư trong tháng 11/2023 phải khởi công được các dự án mới đã được phân bổ nguồn vốn, trong đó có 3 dự án trọng điểm, có kế hoạch vốn ngân sách tỉnh được bố trí từ đầu năm 2023 là trên 2.330 tỷ đồng và 5 dự án trường học được UBND tỉnh bổ sung kế hoạch vốn 385,5 tỷ đồng.
Đối với 8 địa phương được tỉnh bổ sung và giao quyền chủ động trong sử dụng vốn chấm điểm, các địa phương phải chủ động rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn chấm điểm từ dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, đảm bảo theo thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay các chủ đầu tư, UBND các địa phương, nhất là các chủ đầu tư được giao số vốn lớn, thi công nhiều công trình, dự án trọng điểm, động lực, như: Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông; Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT; Ban QLDA đầu tư các công trình dân dụng, công nghiệp... đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động nhân lực, máy móc, thiết bị thi công triển khai các công việc trên hiện trường; tăng ca, tăng kíp, đảm bảo hoàn thành đúng và vượt tiến độ, sớm đưa các công trình vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Mạnh Trường
- Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công
- Tập trung giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo tỷ lệ đã đặt ra
- Cần giải pháp đột phá tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công
- Tập trung cao độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hết năm 2023 giải ngân đạt trên 95%
- Tích cực hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công
Liên kết website
Ý kiến ()