Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 07/11/2024 03:41 (GMT +7)
Tập trung dứt điểm, không để dịch COVID-19 tiếp tục dây dưa, kéo dài
Thứ 4, 04/08/2021 | 10:59:55 [GMT +7] A A
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, kết hợp nhuần nhuyễn 2 phương pháp xét nghiệm để tập trung dập dịch dứt điểm, không để dịch bệnh “tiếp tục dây dưa, kéo dài.”
Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 3/8, Việt Nam ghi nhận 8.429 ca mắc COVID-19, trong đó có 52 ca nhập cảnh; 8.377 ca trong nước.
Thành phố Hồ Chí Minh dần hạ nhiệt với 4.171 ca; Bình Dương 1.606 ca; Long An 566 ca; Đồng Nai 364 ca; Tây Ninh 298 ca; Khánh Hòa 189 ca; Đồng Tháp 141 ca; Cần Thơ 120 ca... Trong số này có 1.570 ca trong cộng đồng.
Tính đến chiều 3/8, Việt Nam có 170.190 ca nhiễm; trong đó có 50.831 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong số các bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước, số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 463 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 20 ca. Đã có 6.959.197 liều vaccine được tiêm, trong đó, tiêm mũi 2 là 712.864 liều.
Phát huy các cách làm sáng tạo, hiệu quả
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên về công tác phòng, chống dịch, diễn ra vào chiều 3/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu 2 địa phương này phải đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, kết hợp nhuần nhuyễn 2 phương pháp xét nghiệm để tập trung dập dịch dứt điểm, không để dịch bệnh “tiếp tục dây dưa, kéo dài.”
Bên cạnh đó, hai địa phương cần đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa xét nghiệm nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR, phát huy những cách làm sáng tạo, hiệu quả, tiết kiệm để vừa đánh giá nhanh nhất tình hình khu phong tỏa đồng thời có thể tách ngay F0 ra khỏi cộng đồng.
Trong công tác điều trị, Phó Thủ tướng lưu ý, trước hết, Phú Yên, Khánh Hòa phải chú trọng đến các khu tiếp nhận ca F0 không triệu chứng, bố trí tại địa điểm thông thoáng, chăm lo đầy đủ sức khỏe và tinh thần, cấp phát thuốc đông y, tây y để tăng cường thể trạng, giảm tối đa tỷ lệ chuyển sang có triệu chứng.
Các cơ sở điều trị F0 có triệu chứng và có dấu hiệu chuyển nặng phải có hệ thống oxy tập trung, máy thở oxy dòng cao... để giảm tối đa tỷ lệ chuyển sang nặng, rất nặng, nguy kịch.
Các vaccine được cấp phép đều bảo đảm an toàn, hiệu quả
Sáng 3/8, tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tham tán Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam David McNaught đã trao 415.000 liều vaccine AstraZeneca do Chính phủ Anh tài trợ cho đại diện Bộ Y tế, nhằm giúp Việt Nam chống dịch COVID-19. Đây là số vaccine Astrazeneca được sản xuất tại Vương quốc Anh.
Thông tin từ Bộ Y tế tối 3/8 cho biết, Việt Nam vừa tiếp nhận thêm 1.074.380 liều vaccine AstraZeneca, trong đó 659.500 liều mua từ AstraZeneca thông qua Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phân bổ cho Thành phố Hồ Chí Minh và 414.880 liều do Chính phủ Vương quốc Anh & Bắc Ai-len viện trợ được phân bổ cho thành phố Hà Nội.
Cũng trong ngày 3/8, Bộ Y tế đã điều chỉnh Quyết định 3600/BYT-QĐ về việc phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt 16 để phân bổ thêm cho Thành phố Hồ Chí Minh (tăng 319.000 liều) và thành phố Hà Nội (tăng 284.000 liều).
Từ tháng 3 đến 15/7/2021, Bộ Y tế đã phân bổ 13 đợt vaccine với tổng số 10.736.290 liều vaccine phòng COVID-19.
Trong tổng số hơn 10,7 triệu liều vaccine, có 7.487.790 liều vaccine AstraZeneca, 746.460 liều vaccine Pfizer, hơn 2 triệu liều vaccine Moderna, 500.000 liều vaccine Sinopharm và 2.000 liều vaccine Sputnik.
Bộ Y tế đã tiến hành phân bổ cho các đơn vị, địa phương, trong đó ưu tiên cho các tỉnh, thành phố đang có dịch để tiêm chủng trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch, các tỉnh, thành phố nguy cơ cao (có nhiều khu công nghiệp, có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế...) dựa trên số dân của từng tỉnh, thành phố, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Để đạt được mục tiêu tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân với tỷ lệ bao phủ cao trong năm 2021, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, dự kiến số lượng vaccine được cung ứng có thể tăng nhiều thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị đẩy nhanh và tăng tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 đã được phân bổ.
Có 6 loại vaccine phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam, gồm AstraZeneca, Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V), Vero Cell của Sinopharm, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Spikevax (tên khác là: Covid-19 Vaccine Moderna), Janssen.
Bộ Y tế khẳng định, tất cả các vaccine được cấp phép và đưa về Việt Nam sử dụng đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Nhằm đạt hiệu quả tối đa việc sử dụng vaccine
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc về hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine phòng COVID-19.
Qua nghiên cứu bước đầu tại một số quốc gia, đến nay, cơ quan y tế đã có bằng chứng về việc tiêm phối hợp mũi 1 là vaccine AstraZeneca và mũi 2 là vaccine Pfizer đáp ứng miễn dịch tốt. Tuy nhiên, việc tiêm trộn này có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
Để việc triển khai tiêm chủng an toàn, tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine từ các nguồn khác nhau, theo kinh nghiệm sử dụng vaccine của một số quốc gia, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế hướng dẫn những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng loại đó.
"Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vaccine Pfizer/BioNtech cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca, nếu người được tiêm chủng đồng ý ( khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần)," văn bản của Bộ Y tế nêu rõ.
Bộ Y tế cũng yêu cầu không sử dụng vaccine do Moderna sản xuất hoặc các vaccine khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca.
Đồng thời Bộ Y tế nêu rõ, những người đã tiêm vaccine do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch
Ngày 3/8, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội họp, nghe Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố trong tình hình mới. Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kết luận số 31-KL/TU thống nhất một số vấn đề trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Để siết chặt hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả, thực chất hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu quyết liệt, đồng bộ triển khai thực hiện một cách thực chất, hiệu quả hơn nữa Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các văn bản chỉ đạo của thành phố.
Các địa phương, đơn siết chặt quản lý, giám sát việc đi lại của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân theo quy định phòng, chống dịch COVID-19 ngay từ gia đình, từng ngõ, phố, thôn, xóm, khu chung cư, tòa nhà, cơ quan, đơn vị...
Các địa phương cần tận dụng tối đa các ngày giãn cách xã hội để thần tốc truy vết, bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng; cách ly triệt để các trường hợp Fl, F2, F3; dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, cố gắng không để lây lan rộng ra cộng đồng; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19, tiến tới tiêm chủng cho toàn dân khi lượng vaccine được phân bổ nhiều bảo đảm công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc, đúng quy định, an toàn, hiệu quả.
Đặc biệt, các cấp, ngành cần đẩy nhanh việc triển khai hỗ trợ các hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 năm 2021 và các đối tượng thuộc diện được hưởng các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ- UBND ngày 21/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội...
Đề ra các giải pháp hạn chế bệnh nhân tử vong
Thành phố Hồ Chí Minh xác định việc thống kê số ca dương tính không còn ý nghĩa lớn mà là số ca tiếp nhận điều trị, trong đó có bao nhiêu ca điều trị khỏi, bao nhiêu ca chuyển nặng và số ca tử vong, để có những biện pháp phù hợp trong điều trị.
Đây là nội dung được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ về chiến lược tập trung điều trị hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh tại cuộc họp cung cấp thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố vào ngày 3/8.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, việc hạn chế bệnh nhân COVID-19 tử vong là một vấn đề của thành phố hiện nay. Theo đó, khi chuyển chiến lược sang tập trung điều trị, Thành phố đã rất khẩn trương chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, thuốc men để chăm lo, điều trị cho các bệnh nhân ở 5 tầng điều trị.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng tăng cường nhiều về cơ sở vật chất; một số bệnh viện cấp quận, huyện đã tiến hành tách đôi, thậm chí có những quận đã tăng năng lực tiếp nhận về điều trị, cấp cứu đến 100%.
Xác định vaccine là một trong điều kiện quyết định, quan trọng để thành phố đạt được tình trạng bình thường mới, ngoài nguồn vaccine phân bổ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, lãnh đạo Thành phố cũng chủ động xin chủ trương Trung ương cho phép Thành phố bằng nguồn lực vận động, ngân sách chủ động tìm kiếm các nguồn vaccine.
Người dân chỉ nên đi chợ 2 lần/tuần
Trong bối cảnh Hà Nội liên tiếp ghi nhận các ca mắc COVID-19 tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh... Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khuyến cáo người dân không nên đi chợ quá nhiều lần trong tuần, chỉ đi chợ trong trường hợp thật sự cần thiết, tập trung mua những đồ dùng thiết yếu.
Với số lượng hàng hóa ổn định, người dân có thể mua đủ đồ dùng cho mấy ngày mỗi lần, khi mua về cần có có phương án bảo quản, sử dụng hợp lý.
Để đảm bảo số lượng hàng cần mua, trước khi ra chợ, người dân nên kê khai danh mục cần thiết, mua nhanh, không nên kéo dài thời gian ở những khu vực có nguy cơ.
Một số nơi ở Hà Nội phát phiếu đi chợ 2 ngày/lần là "hơi dày", chỉ nên để khoảng 2 lần/tuần là hợp lý. Cùng với đó, chính quyền, Ban quản lý các chợ cũng phải sắp xếp lại việc bán hàng của các tiểu thương và người dân, chỉ nên cho bán những sản phẩm thiết yếu, đặc biệt chú ý khoảng cách giao tiếp giữa hai người; bố trí đường đi mua hàng theo một chiều, tức vào một đầu, ra một đầu.
Hiện tại, Bộ Thông tin Truyền thông đã đưa ra phương án quét mã QR code cho người dân khi di chuyển giữa các địa điểm, chuyên gia Trần Đắc Phu cho rằng cần triển khai mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa phương án này, hỗ trợ cho công tác truy vết khi phát hiện ra các ca F0 có liên quan.
Liên quan đến mô hình bảo vệ các "vùng xanh" an toàn như Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai trong thời gian qua, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu cho rằng nên nhân rộng hiệu quả các mô hình này tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và những địa phương có nguy cơ, trong đó có Hà Nội.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()