Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:30 (GMT +7)
Đảm bảo an ninh nguồn nước cho sự phát triển bền vững
Thứ 6, 29/09/2023 | 06:48:04 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng như hiện nay, việc đảm bảo an ninh nguồn nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống, xã hội. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các giải pháp chiến lược đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Chủ động ứng phó trước những nguy cơ
Trên địa bàn Quảng Ninh có 30 sông, suối dài hơn 10km. Trong đó có 4 con sông lớn là Đá Bạc (đoạn hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình), sông Ka Long, sông Tiên Yên và sông Ba Chẽ. Mặc dù tổng lượng nước mặt của Quảng Ninh trung bình vào khoảng 8.146 triệu m3/năm, nhưng do đặc điểm địa hình chia cắt làm mất cân đối nguồn nước theo mùa và khu vực, gây khó khăn trong việc đáp ứng nguồn nước cho các mục tiêu phát triển.
Không những vậy, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức có thể dẫn đến nguy cơ cạn kiệt; thảm phủ rừng - nhân tố giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn sinh thủy tự nhiên đang đối mặt với tình trạng suy giảm, dẫn đến mất tầng trữ nước bề mặt, xói mòn đất làm tăng nguy cơ lũ lụt...
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 176 đập, hồ chứa thủy lợi đang hoạt động, tổng dung tích thiết kế 359 triệu m3, năng lực thiết kế tưới 33.102ha, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp 36,3 triệu m3, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản khoảng 2.000ha. Trong bối cảnh áp lực từ gia tăng dân số, phát triển kinh tế, dẫn đến tăng nhu cầu sử dụng nước, nguồn nước bị ô nhiễm sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh nguồn nước của Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, trước những tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đối mặt với tình trạng không cân đối được nguồn nước tại chỗ cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có xu hướng xảy ra trên diện rộng, diễn biến phức tạp, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Điển hình, năm 2020, các hồ chứa ở Quảng Ninh rơi vào tình trạng khô hạn, gây thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất đối với các địa phương.
Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, với tốc độ tăng trưởng như những năm qua, dự kiến vào năm 2025, Quảng Ninh sẽ thiếu trên 1 triệu m3 nước, năm 2030 thiếu trên 2,6 triệu m3 nước. Đây là thách thức rất lớn đặt ra cho mục tiêu phát triển của tỉnh.
Từ mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước, tỉnh Quảng Ninh đang giao cho các ngành chuyên môn, các địa phương tính toán, lên phương án bảo đảm an toàn, triển khai thi công một số các công trình hồ đập. Đây là nơi sẽ trữ, chứa phần lớn nguồn nước mặt, thay vì lượng nước vào mùa mưa đổ về các sông suối và ra cửa biển, hòa lẫn với nguồn nước mặn, không thể sử dụng để phục vụ sản xuất, hoặc sinh hoạt.
Công trình hồ chứa nước Khe Giữa (xã Dương Huy, TP Cẩm Phả) sau 4 năm thi công, hiện đã cơ bản hoàn thành. Theo thiết kế, diện tích lưu vực hồ rộng 23,4km2, diện tích mặt hồ ứng với mực nước dâng bình thường 78,87ha, dung tích chứa nước đạt khoảng 7,6 triệu m3, là một trong 10 hồ chứa nước ngọt lớn nhất tỉnh. Đây là công trình chứa nước có ý nghĩa quan trọng, kết hợp với hồ Cao Vân khai thác hiệu quả nguồn nước mặt trong khu vực, đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Cẩm Phả và TP Hạ Long.
Cùng với công trình nói trên, hiện các đơn vị chuyên môn cũng xúc tiến các thủ tục để triển khai một số công trình hồ đập quan trọng khác, như: Hồ Tài Chi (huyện Hải Hà), hồ Khe Và, hồ Khe Ngày (huyện Bình Liêu), hồ Pò Hèn (TP Móng Cái), hồ trên đảo Vạn Cảnh (huyện Vân Đồn)…
Việc đảm bảo các công trình hồ, đập trữ nước cũng được Quảng Ninh tăng cường thực hiện. Hiện các hồ chứa loại vừa và lớn trên địa bàn tỉnh đều do các công ty TNHH MTV thủy lợi quản lý, cơ bản đảm bảo, vì các đơn vị này đủ điều kiện về vận hành, khai thác.
Qua rà soát của Sở NN&PTNT, đối với các hồ chứa vừa và lớn của tỉnh, hiện mức độ đảm bảo an toàn đã được nâng lên nhiều so với trước đây. Trong đó, đối với các hồ chứa trên 10 triệu m3, mức độ an toàn đạt bảo đảm với tần suất lũ 1% (100 năm sẽ có 1 đợt lũ vượt tần suất); đối với hồ chứa đến 5 triệu m3, mức độ bảo đảm đạt 1,5%; các hồ loại nhỏ cơ bản đạt tần suất 2%. Mức độ bảo đảm này phù hợp với Quy chuẩn 04-05:2012 của Bộ NN&PTNT. Tỉnh Quảng Ninh là một số ít địa phương trong nước cơ bản đạt tiêu chí này.
Bên cạnh đó, gắn với đặc thù sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp khai thác than trên địa bàn với quy mô lớn, thời gian qua, việc triển khai các biện pháp sử dụng nguồn nước hợp lý cũng được tỉnh chỉ đạo thực hiện. Nổi bật, trong ngành than, theo thống kê, trung bình mỗi năm các đơn vị khai thác than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thải ra môi trường 120-150 triệu m3 nước thải mỏ.
Thay vì sử dụng nguồn nước tự nhiên để phục vụ sản xuất, nhiều năm nay, các đơn vị ngành than đã tận dụng nguồn nước thải mỏ để phục vụ cho các hoạt động sản xuất và chế biến than, như: Sàng tuyển than, phun sương dập bụi, vệ sinh thiết bị... Điều này vừa giúp giảm chi phí, vừa bảo vệ được tài nguyên nước.
Đảm bảo chiến lược lâu dài
Ngày 6/4/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 888/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nhiều giải pháp trọng tâm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh hoạch định triển khai trong từng giai đoạn.
Mục tiêu trọng tâm đề án đặt ra là bảo đảm số lượng, chất lượng nước cấp cho sinh hoạt trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo lợi ích quốc gia, quốc phòng - an ninh; bảo đảm an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước lớn, cấp nước đa mục tiêu; chủ động ứng phó khi có sự cố, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; chủ động tích, trữ, điều hòa nguồn nước.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung đầu tư xây dựng các trạm cấp nước sạch, cải tạo, nâng cấp, mở rộng mạng lưới ống dẫn nước ở khu vực đô thị, cũng như nông thôn, nhất là những khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhằm nâng cao tỷ lệ hộ dân được dử sụng nguồn nước sạch. Đây cũng là mục tiêu nằm trong lộ trình mà tỉnh đang hướng tới là nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh.
Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư thành thị đạt trên 98%, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt 100%, trong đó 80% sử dụng nước sạch, tỷ lệ cấp nước KCN tập trung đạt 100%. Đến năm 2030, tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư thành thị đạt 100%, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt 100%, tỷ lệ cấp nước KCN tập trung đạt 100% diện tích sử dụng đất KCN với định mức cấp nước là 45m3/ha/ngày đêm.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống cấp nước sinh hoạt đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh; từng bước thay thế nguồn nước thô ổn định cấp cho sinh hoạt từ hệ thống hồ chứa, đập dâng, công trình thủy lợi. Đồng thời, đầu tư, sửa chữa, nâng cấp công trình đầu mối, hệ thống kênh mương thủy lợi, công trình tích, trữ nước phân tán hiện có, gắn với xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu phục vụ đa mục tiêu, cấp nước, tiêu thoát nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, vùng cây ăn trái, cây dược liệu bản địa có giá trị kinh tế cao.
Mặt khác, tỉnh tập trung khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, ưu tiên các khu vực, lưu vực các nguồn nước tạo nguồn sinh thủy, đặc biệt tại lưu vực các hồ chứa nước lớn, các hồ chứa nước cấp nước đa chức năng; triển khai chính sách để nâng cao nguồn thu từ dịch vụ cung ứng môi trường rừng.
Về các giải pháp về đầu tư, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu duy trì và đảm bảo an toàn công trình các công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn tỉnh (176 hồ chứa nước đang hoạt động, 102 trạm bơm tưới, tiêu các loại, 460 đập dâng nước). Giai đoạn đến năm 2025 sẽ sửa chữa, nâng cấp 39 hồ chứa, 36 đập dâng, 6 trạm bơm, cải tạo hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước đảm bảo đồng bộ, phù hợp với kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên khu vực. Giai đoạn 2026-2030 sửa chữa, nâng cấp 25 hồ chứa, 20 đập dâng, 47 trạm bơm.
Thực hiện đầu tư xây dựng bổ sung các công trình kết cấu hạ tầng thủy lợi, các công trình kết cấu hạ tầng cấp nước đô thị, nông thôn và các KKT, KCN tại các vùng thiếu nước, các đảo dân sinh có tiềm năng phát triển du lịch. Giai đoạn đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng mới 3 hồ chứa nước. Giai đoạn 2026-2030 đầu tư xây dựng mới 16 hồ chứa nước 4 đập dâng nước, 1 nhà máy nước sản xuất nước sạch từ nguồn nước thải mỏ (tại khu vực Cẩm Phả), 1 công trình chuyển nước sạch từ Cửa Ông sang Vân Đồn.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()