Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 23:26 (GMT +7)
Tập trung gỡ "thẻ vàng” thuỷ sản
Thứ 3, 22/08/2023 | 16:44:32 [GMT +7] A A
Phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Quảng Ninh. Sau 5 năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng IUU", Quảng Ninh đã tập trung tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tích cực khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong chống khai thác IUU.
Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có 6.005 tàu cá, hoạt động ở cả vùng khơi, lộng, ven bờ, ngư trường khai thác thủy sản rộng lớn, có vùng tiếp giáp với Vịnh Bắc bộ và vùng đánh cá chung với nước ngoài. Trong đó, 1.431 tàu cá có chiều dài dưới 6m; 3.768 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m; 806 tàu cá từ 12m trở lên. Để khắc phục những khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu trong khai thác thủy sản, Quảng Ninh đã và đang khắc phục những tồn tại mà EC đưa ra nhằm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng”. Hiện 4.574 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được cập nhật dữ liệu trên Vnfishbase; tất cả tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 100% tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m đã ký cam kết an toàn thực phẩm. Trước mỗi chuyến đi biển, các chủ tàu khai đăng ký lịch trình đi và về bến với cơ quan chức năng. Đây là những quy định bắt buộc mà các tàu cá phải thực hiện để có thể xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu.
Tại Trạm liên ngành kiểm soát tàu cá ra vào cảng Cái Rồng đặt tại Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá tại thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn), lực lượng cán bộ tại đây duy trì trực 24/24h để kiểm tra, kiểm soát tàu cá, cấp phát mẫu, thu hồi nhật ký khai thác, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng. Ông Đặng Ngọc Thiết, Trưởng bộ phận cảng, bến Cái Rồng, cho biết: Trước khi ngư dân đưa tàu cá ra khơi khai thác, đơn vị kiểm tra giấy tờ, con người và phương tiện. Chủ tàu cá ký vào bản cam kết đúng số lượng thuyền viên đi biển, giám sát hành trình, giấy phép khai thác thủy sản, đăng ký tên thuyền viên. Thông qua hệ thống giám sát hành trình, cơ quan chức năng phân công cán bộ trực giám sát, theo dõi chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển. Ngoài ra, nội dung thu nộp, nhật ký khai thác thủy sản của các thuyền trưởng tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên tại cảng cá được thực hiện nghiêm túc.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các địa phương liên quan cũng đã tích cực vào cuộc, như: Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên thực hiện kế hoạch cao điểm "Tăng cường phòng chống nạn khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh" trên tuyến biển. Ngoài đẩy mạnh việc tuyên truyền, các đơn vị triển khai đồng bộ công tác tuần tra, kiểm soát, nhằm phát hiện, xử lý khai thác thủy sản trái phép; tổ chức nắm chắc tình hình địa bàn, bố trí sử dụng lực lượng, phương tiện, vận dụng các biện pháp công tác, tập trung tuần tra ở những vùng biển "nóng". Sở NN&PTNT thành lập đoàn công tác liên ngành của tỉnh để kiểm tra, triển khai các nội dung khuyến nghị của đoàn thanh tra EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định tại 4 huyện, thị xã, thành phố trọng điểm để kiểm tra, hướng dẫn và xử lý dứt điểm các tồn tại về cấp giấy phép khai thác thủy sản, kiểm soát tàu cá cập, rời cảng, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình...
Trong giai đoạn năm 2018-2022, toàn tỉnh phát hiện 5.790 vụ vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xử phạt 5.754 vụ vi phạm, thu phạt trên 42,2 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy 34 tàu cá và nhiều tang vật vi phạm; di dời, phá dỡ 14 bè mảng, 4 cơ sở nuôi trồng thủy hải sản trái phép; ngăn chặn, xua đuổi 469 phương tiện tàu cá, bè mảng của ngư dân nước ngoài vi phạm chủ quyền, đánh bắt hải sản trái phép. Riêng 7 tháng năm 2023, toàn tỉnh phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 317 vụ, thu nộp NSNN 4,28 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, như: Tỷ lệ đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản còn thấp; tỷ lệ tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình dài ngày còn cao; chưa xử lý triệt để đối với các hành vi tàu cá mất kết nối, khai thác sai vùng, ghi chép nhật ký...
Tỉnh tiếp tục có kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức cán bộ, chính quyền các cấp và ngư dân về pháp luật thủy sản, các quy định về khai thác IUU; hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá; nâng cao tỷ lệ kiểm tra, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thực thi pháp luật thủy sản, các quy định về khai thác IUU trên biển, tại các cảng cá, bến cá.
Mới đây, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu trước ngày 30/8/2023, toàn tỉnh phải hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác của toàn bộ tàu cá theo quy định; xử lý nghiêm các tàu vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Các địa phương yêu cầu các chủ phương tiện phải có nhật ký đánh bắt của từng tàu khai thác; kiểm soát ký nhận số tàu đã đăng ký, khai báo; thành lập các nhóm quản lý số tàu thuyền là ngư dân cư trú trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Chính quyền các xã có biển chịu trách nhiệm khai báo đủ, khai báo thường xuyên về các tàu khai thác. Từ 1/9/2023, tỉnh mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý, cấm lưu hành với tất cả các tàu cá vi phạm khai thác IUU theo quy định. Cương quyết xử lý ở mức cao nhất đối với các hành vi: Không đăng ký, đăng kiểm, không lắp thiết bị giám sát hành trình, tàu cá đã lắp nhưng mất tín hiệu giám sát hành trình trên biển; không nộp nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()