Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:42 (GMT +7)
Tập trung các đối tượng nuôi có lợi thế
Thứ 6, 04/08/2023 | 13:57:34 [GMT +7] A A
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, những năm gần đây lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có sự phát triển chậm lại so với những giai đoạn trước và so với kịch bản tăng trưởng của ngành thời điểm hiện tại. Nguyên nhân, bên cạnh chăn nuôi không phải là ngành sản xuất lợi thế của tỉnh, thì luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Khó khăn bủa vây
Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), những khó khăn bủa vây chăn nuôi Quảng Ninh đó là rất khó tìm được mặt bằng, diện tích, vị trí nuôi phù hợp với những tiêu chuẩn thú y hiện nay; trình độ chăn nuôi của người dân không cao, chăn nuôi nông hộ vẫn là chủ yếu; chi phí đầu vào cao hơn so với các tỉnh, thành khác do không có cơ sở sản xuất tại chỗ, đều phải nhập từ nơi khác về.
Chỉ tính tiêu chí quỹ đất dành cho các dự án chăn nuôi: Địa hình phần lớn vùng thấp là vùng dân cư đông đúc, dịch xuống là mép biển, dịch lên là đồi núi dốc; như vậy không chỉ khó san gạt, đào đắp xây dựng chuồng trại, mà ngay từ khâu thủ tục hành chính cấp đất cũng vướng bởi các quy định về sử dụng, chuyển đổi đất rừng, mặt nước…
Chi phí vật tư đầu vào của chăn nuôi Quảng Ninh cao, khiến cho mất lợi thế cạnh tranh. Đôi khi sản phẩm chăn nuôi làm ra tại Quảng Ninh có giá bán cao hơn sản phẩm các thương lái vận chuyển từ các tỉnh, thành khác về tiêu thụ tại Quảng Ninh
Mặc dù vậy, chăn nuôi khó nằm trong khung hưởng thụ các chính sách khuyến khích phát triển, vốn rất ưu việt mà tỉnh áp dụng thời gian qua. Thực tế đến thời điểm hiện nay mới có một số cơ sở giết mổ gia súc gia cầm được hưởng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh trên 3 tỷ đồng; còn lại các hoạt động sản xuất chăn nuôi khác không đủ điều kiện để được hưởng thụ. Đây là lý do mà nhiều năm qua, số doanh nghiệp tìm hiểu nghiên cứu đầu tư vào chăn nuôi ở Quảng Ninh thì nhiều, nhưng số đi vào sản xuất lại rất ít.
Tìm hướng mở
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 ngành Nông nghiệp tỉnh, nhiều đại biểu cho rằng, khó khăn như vậy nhưng không phải không có hướng mở cho chăn nuôi Quảng Ninh. Đó là hướng đối tượng nuôi đặc sản, có tính đặc hữu địa phương mà nơi khác không có hoặc có cũng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường; đó là quy trình chăn nuôi hữu cơ, giảm tối đa thức ăn công nghiệp, áp dụng quy trình chăn thả, ăn thức ăn xanh, rau cám, ngô hạt và nuôi đủ thời gian sinh trưởng phát triển của vật nuôi; mô hình chăn nuôi hướng đến gắn với du lịch, sinh thái, gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ vệ môi trường… Cùng với đó, trong quá trình phát triển chăn nuôi vẫn cần dành dư địa cho chăn nuôi nông hộ, nhưng là ở trình độ cao hơn, đảm bảo được các yếu tố mô hình nuôi gắn với an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường như nói trên.
Có thể thấy, nếu chạy đua về các sản phẩm chăn nuôi thông thường, Quảng Ninh khó có thể cạnh tranh với nhiều tỉnh, thành đồng bằng lân cận. Tuy nhiên sản phẩm chăn nuôi đặc sản là lợi thế của Quảng Ninh. Bởi tỉnh có lượng khách du lịch rất lớn, nhiều trong số đó sẵn sàng chi trả cao để được thưởng thức những món ẩm thực tươi ngon, mới lạ. Những vật nuôi đặc sản thuận lợi phát triển có thể kể đến như lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, ngan sao, ngan đen, vịt biển… vốn là đối tượng nuôi mang tính địa phương, bản địa cao; những vật nuôi là động vật hoang dã đã được cho phép chăn nuôi thương phẩm, như lợn rừng, lợn hương, hươu, nai, dúi, nhím…
Cùng với mở rộng đối tượng nuôi cần thắt chặt quy trình nuôi, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm nuôi ra đến thị trường, đến tay người tiêu dùng phải có sự khác biệt, vượt trội, ưu thế hơn hẳn sản phẩm cùng loại. Thực tế giống lợn Móng Cái, gà Tiên Yên đã khẳng định ưu thế về giống, tuy nhiên chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường thời gian qua không đồng đều, ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm. Điều này là do sự khác biệt giữa quy trình nuôi theo phương thức truyền thống với cơ chế thức ăn tự nhiên, thô, giàu xơ, ngô, khoai, sắn, nuôi chăn thả... so với phương thức nuôi khép kín, phụ thuộc nguồn thức ăn công nghiệp, nuôi trong thời gian ngắn.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, tỉnh đang có lợi thế nhân đàn gia cầm, thủy cầm, khi có thể nhân rộng các mô hình nuôi ngan, gà bản địa dưới tán rừng, nuôi vịt ở những vùng ven biển, bãi sú vẹt, đầm lầy. Đặc biệt với diện tích rừng sản xuất lớn, Quảng Ninh có thể phát triển kinh tế rừng kết hợp chăn nuôi động vật hoang dã được phép chăn nuôi thương phẩm; điều này vừa nâng cao giá trị kinh tế rừng, vừa phát triển chăn nuôi đúng hướng mà tỉnh đặt ra.
Thực tế chăn nuôi Quảng Ninh vẫn có những lợi thế nhất định. Điều kiện để phát huy những lợi thế trên chính là việc nâng cao trình độ canh tác chăn nuôi của người dân; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình chăn nuôi. Tỉnh cần tạo điều kiện phát triển những cơ sở sản xuất, cung ứng giống vật nuôi đặc sản, có tính địa phương; tạo được hành lang thúc đẩy kinh tế rừng tổng hợp, trong đó hình thành những mô hình chăn nuôi dưới tán rừng…
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()